Lịch sử là môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT: Người trong cuộc nói gì?

Sau khi dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được công bố với thi Lịch sử là môn thi bắt buộc, nhiều học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và xin ý kiến góp ý rộng rãi. Trong đó có điểm đáng chú ý Lịch sử là môn thi bắt buộc.

Theo đó, từ năm 2025, môn thi, hình thức thi sẽ tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với GDPT); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Là học sinh lớp 10 Trường THPT Trung Văn (Hà Nội), em Nguyễn Hoàng Bách bày tỏ lo lắng: Em và một số bạn đang theo khối tự nhiên nên Lịch sử là môn học mà chúng em cảm thấy không hứng thú và lo ngại áp lực. "Nguyện vọng chung của lứa học sinh lớp 10 chúng em hiện nay là nếu phương án Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ tốt nghiệp THPT, chúng em mong được giảm bớt các kiến thức không cần thiết, đề thi nhẹ nhàng phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp để không tạo thêm áp lực ôn tập đối với học sinh chúng em".

Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc được kỳ vọng sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Ảnh minh họa

Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc được kỳ vọng sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Ảnh minh họa

Nói về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT, em Trần Tùng Lâm (học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Trì, Phú Thọ) bày tỏ: "Em nghĩ môn Lịch sử nên trở thành môn thi bắt buộc vì học sinh cần biết được truyền thống của dân tộc. Lịch sử là một môn học rất hay và bản thân em cũng yêu thích môn học này".

Thà muộn còn hơn không

Chia sẻ về vấn đề này, NGƯT.GS.TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TPHCM cho rằng, Lịch sử là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc đương nhiên, đáng ra phải thực hiện từ lâu. "Một công dân tốt nghiệp lớp 12, không học đại học, không làm chuyên gia... thì cũng phải biết tối thiểu về lịch sử của đất nước. Chỉ học sử phổ thông sơ sơ ở cấp 1, cấp 2 thì không đủ cho nên các em phải thi môn Lịch sử trước khi làm người. Đây là kiến thức phổ thông căn bản các em cần phải biết".

Theo NGƯT.GS.TS Võ Văn Sen, tại các nước phát triển, môn Lịch sử được chú trọng và được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp, bên cạnh các môn Toán, Văn, Lý, Hóa… "Trong nền giáo dục của nhiều nước, môn Lịch sử, Địa lý có vị trí rất quan trọng. Tại Mỹ, ở bậc trung học học sinh phải học môn Lịch sử 6 tiết/tuần (Việt Nam đang học 2 tiết/tuần)". Chuyên gia này cho rằng, không thi môn Lịch sử như thời gian qua mới là bất thường, thậm chí là một sai lầm, bây giờ sửa đổi, thà muộn còn hơn không.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10, đến năm 2025, Bộ GD&ĐT đưa môn Lịch sử vào kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết, phù hợp. Điều cần làm là giáo viên bộ môn phải thay đổi phương pháp dạy đề học sinh tự học, không nên đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều.

Cần sớm công bố phương án chi tiết

Để nội dung phù hợp hơn, học sinh có thể học tốt, đáp ứng làm bài kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Vi Thùy Dương, giáo viên môn Lịch sử tại một trường THPT ở Phú Thọ cho rằng, Bộ GD&ĐT cần xem xét lược bỏ những kiến thức nâng cao trong từng bài học, tiết học hay các kiến thức trùng lặp, đã được lồng ghép ở phần đại trà; kết hợp giữa việc học trên lớp và giáo dục thực tế để tạo hứng thú cho học sinh; hướng ra đề thi cũng không nên yêu cầu học sinh phải nắm bắt tỉ mỉ, chi li kiến thức sử liệu, số liệu ngày, tháng, năm để các em cảm thấy môn Lịch sử không "đáng sợ".

"Theo tôi, đề thi chủ yếu tập trung vào phần kiến thức cơ bản, ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không quá đánh đố học sinh. Đồng thời, nếu dự thảo được thông qua, Bộ GD&ĐT cũng cần sớm công bố phương án chi tiết, thi theo hình thức nào, cấu trúc đề ra sao để học sinh, phụ huynh, giáo viên sớm chuẩn bị về cả tâm lý và kiến thức cũng như chủ động trong việc tổ chức giảng dạy, tư vấn và định hướng cho học sinh", cô Dương cho biết.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lich-su-la-mon-thi-bat-buoc-tai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-169230331172924288.htm