Lịch sử ngày càng gần hơn với thế hệ trẻ

Việc học lịch sử trước đây được gắn mác 'khô khan' bởi hàm lượng thông tin rộng lớn ẩn chứa trong những trang sách. Nhưng bây giờ, có nhiều cách tiếp cận lịch sử hơn, khiến môn học trở nên thú vị, gần hơn với người trẻ.

Đi bảo tàng học lịch sử

Từ ngày 1/11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách. Nhờ thông tin được lan tỏa trên mạng xã hội từ trước, đặc biệt qua kênh thông tin dành cho giới trẻ Schannel, nhiều bạn trẻ đã đến bảo tàng từ sớm ngay trong ngày đầu tiên mở cửa.

Ngày 1/11 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách.

Ngày 1/11 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách.

Anh Nguyễn Lạc Huy, giám đốc truyền thông Schannel cho biết: “Tôi khá bất ngờ, vì đến đây từ 7 giờ sáng mà đã thấy nhiều bạn trẻ đã tới trước cả tôi rồi. Du khách đến không chỉ có các bác lớn tuổi mà còn có rất đông học sinh, sinh viên, tôi thấy rất phấn khởi.”

Bạn Thu Hà và Thanh Mai, hiện đang theo học tại trường Đại học Thăng Long chia sẻ: “Sau khi tham quan bảo tàng, cảm xúc đầu tiên của mình là choáng ngợp trước không gian rộng lớn của bảo tàng. Càng tham quan, mình lại càng cảm thấy thích thú trước những mô hình tinh xảo và to lớn được trưng bày tại đây.”

 Thu Hà và Thanh Mai đang tham quan bảo tàng.

Thu Hà và Thanh Mai đang tham quan bảo tàng.

Bạn Thái Anh, hiện đang theo học tại trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, đối với bạn, điều bạn ấn tượng nhất tại bảo tàng là xác chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi được trưng bày tại bảo tàng, đó là một trong những chiến tích vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bạn cũng cho biết: “Bảo tàng giúp cho thế hệ trẻ có thể tiếp thu lịch sử dễ dàng hơn, đồng thời cảm nhận được khí thế hào hùng của ông cha ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.”

Các bạn sinh viên đến thăm bảo tàng.

Các bạn sinh viên đến thăm bảo tàng.

Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là bảo tàng hiện đại nhất, không chỉ giữ vai trò trưng bày, lưu giữ hiện vật, mà còn kết hợp nhiều công nghệ tiên tiến nhằm phục trải nghiệm thực tế của người xem như 3D maping, mã QR, giọng hướng dẫn tự động,...

Theo cựu chiến binh Nguyễn Trấn, năm nay 89 tuổi, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thể được coi như một “học viện tổng hợp” giáo dục thế hệ trẻ về mọi mặt, để người trẻ hiểu hơn về lịch sử truyền thống của dân tộc, đặc biệt là lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Ông dặn dò: “Sinh viên phải làm sao luôn phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc, bây giờ phải làm ăn kinh tế cho giỏi, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật để sánh vai với các nước trên thế giới.”

Theo cựu chiến binh Nguyễn Trấn, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thể được coi như một “học viện tổng hợp” để người trẻ hiểu hơn về lịch sử truyền thống của dân tộc.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Trấn, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thể được coi như một “học viện tổng hợp” để người trẻ hiểu hơn về lịch sử truyền thống của dân tộc.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây dựng không chỉ nhằm mục đích giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc hào hùng ngàn năm gìn giữ và xây dựng đất nước, mà còn nhằm lan tỏa đi thông điệp ý nghĩa đến thế giới “Việt Nam yêu hòa bình”.

Học qua những thước phim, video ngắn

Trước đó, trong đầu năm 2024, phim Đào, phở và piano gây sốt trên khắp cõi mạng xã hội, khiến doanh thu phòng vé tăng kỉ lục, đặc biệt là đối với hạng mục phim do Nhà nước đầu tư. Có thể bắt gặp cảnh tượng đông đúc xếp hàng mua vé tại điểm rạp Rạp chiếu phim quốc gia, song vô cùng văn minh lịch sự của các bạn trẻ để được vào xem bộ phim này.

Bạn trẻ đổ xô ra rạp xem Đào, phở và Piano.

Bạn trẻ đổ xô ra rạp xem Đào, phở và Piano.

Kịch bản Đào, phở và piano lấy bối cảnh trận chiến đông xuân kéo dài 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội. Câu chuyện theo chân chàng dân quân Văn Dân (Doãn Quốc Đam đóng) và chuyện tình với nàng tiểu thư đam mê dương cầm Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh thủ vai). Khi những người khác đã di tản lên chiến khu, họ quyết định cố thủ lại mảnh đất thủ đô đã tan hoang vì bom đạn, mặc cho những hiểm nguy đang chờ đợi trước mắt. Bộ phim “chạm” đến cảm xúc của người xem một cách tự nhiên nhất và không nặng tính giáo điều, khiến nó trở nên “hot” chưa từng thấy đối với dòng phim lịch sử vốn được cho là kén người xem.

Không chỉ Đào, phở và piano, trong năm 2024, Việt Nam ghi dấu ấn nhiều “trend” thể hiện lòng yêu nước của người trẻ. Vào dịp lễ lớn ăn mừng ngày Bắc - Nam sum họp 30/4 - 1/5, trend biến hình với nền nhạc “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta” cũng được lan tỏa khắp các nền tảng. Âm thanh hào hùng khơi gợi khí thế của tuổi trẻ cùng với “visual” quen thuộc với thanh niên như áo Đoàn, mũ tai bèo, áo dài trắng,...khiến cho người xem dễ làm theo và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Đến dịp 2/9, trend vẽ cờ trên nóc nhà cũng rầm rộ trên mạng xã hội, thu hút một lượng lớn người dân làm theo và lan tỏa. Rapper Pháo cũng bắt trend bằng cách vẽ một chiếc cờ đỏ đỏ sao vàng nho nhỏ trên bức tường ở ban công nhà mình.

Nữ Rapper GenZ cùng hình ảnh lá cờ Tổ quốc được treo trên ban công.

Nữ Rapper GenZ cùng hình ảnh lá cờ Tổ quốc được treo trên ban công.

Bạn Thùy Khanh, hiện đang là sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: "Mình thấy các trend yêu nước gần đây rất thú vị, kiểu đơn giản mà ai cũng có thể tham gia. Nó giúp tụi mình cảm thấy gần gũi hơn với ngày lễ lớn của đất nước như là 2/9, kiểu như đó là cách riêng để nói 'mình tự hào là người Việt Nam' ấy. Cũng nhờ vậy mà mình thấy mọi người gắn kết với nhau hơn”.

Hiền Anh - Thu Minh - Quỳnh Anh - Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/lich-su-ngay-cang-gan-hon-voi-the-he-tre-post1687949.tpo