Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa: 30 năm xây dựng và phát triển

Nhìn lại quá trình hoạt động trong 30 năm xây dựng và phát triển, cho thấy Liên hiệp hội đã có những bước phát triển về mọi mặt và tạo nên được những thành tích nổi bật trên các mặt công tác...

Đồng chí Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phan Xuân Dũng trao bức trướng cho đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

Đồng chí Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phan Xuân Dũng trao bức trướng cho đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ, phối hợp và hướng dẫn của Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam, của các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh; cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của tập thể Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Cơ quan Liên hiệp hội KH&KT tỉnh (gọi tắt là Liên hiệp hội) và toàn thể cán bộ lãnh đạo, hội viên các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội, các đơn vị liên kết đã tạo nên môi trường và điều kiện để Liên hiệp hội ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động của đời sống chính trị - xã hội trong tỉnh. Đồng thời giúp Liên hiệp hội thực hiện tốt chức năng tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức KH&CN trong tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung hoạt động từng bước được đổi mới, là nhân tố quan trọng trong liên minh “Công nhân – Nông dân – Trí thức”, thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, ngày càng xứng đáng là mái nhà chung của các hội thành viên, nơi tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh. Hoạt động của Liên hiệp hội đã thu được nhiều kết quả nổi bật và đóng góp đáng ghi nhận vào sự nghiệp phát triển tỉnh nhà, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Thanh Hóa.

Những nét chính trong quá trình xây dựng và phát triển:

Nhìn lại quá trình hoạt động trong 30 năm xây dựng và phát triển, cho thấy Liên hiệp hội đã có những bước phát triển về mọi mặt và tạo nên được những thành tích nổi bật trên các mặt công tác, đó là:

Về công tác xây dựng tổ chức và phát triển hội viên, trải qua 7 kỳ đại hội, quy mô của cơ quan lãnh đạo Liên hiệp hội không ngừng được nâng lên cả về thành phần và số lượng; tổ chức bộ máy của cơ quan Liên hiệp hội được kiện toàn đi vào hoạt động nền nếp và hiệu quả ngày càng tăng lên rõ rệt. Hoạt động chính trị - xã hội của Liên hiệp hội ngày càng rõ nét, thể hiện trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động đội ngũ trí thức góp phần vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân và tham gia xây dựng quê hương, đất nước. Liên hiệp hội đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội đảng các cấp, các chương trình, đề án lớn của tỉnh; tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo khoa học, tham vấn đối thoại; thông tin, phổ biến kiến thức mới về KH&CN, chính trị, thời sự đến cán bộ, hội viên của Liên hiệp hội, cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Hàm Rồng và đội ngũ trí thức KH&CN trong tỉnh. Những ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng có ý nghĩa hơn, có giá trị về mặt khoa học thể hiện tinh thần, trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, sát thực, có giá trị thực tiễn, phù hợp với tình hình của địa phương trên cơ sở những chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh.

Từ năm 2008 đến nay, trí thức, nhà khoa học, cán bộ quản lý trong các hội chuyên ngành của Liên hiệp hội đã chủ trì và tham gia thực hiện hàng trăm nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó cơ quan Liên hiệp hội và các hội thành viên đã chủ trì 40 đề tài cấp bộ và cấp tỉnh. Các đề tài, dự án KH&CN đã tập hợp được đông đảo hội viên thuộc đa ngành, đa lĩnh vực tham gia; góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết của thực tiễn; nhiều đề tài, dự án có giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đặc biệt ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; nổi bật là đề tài KH&CN cấp bộ “Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; dự án “Bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên rừng Luồng bản địa Thanh Hóa – do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP tài trợ”; dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng - do tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tài trợ”. Đây là các đề tài, dự án nổi bật do cơ quan Liên hiệp hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học ở Trung ương, các tổ chức quốc tế đã tạo những đột phá, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của xã Quý Lộc, huyện Yên Định, huyện Ngọc Lặc, huyện Bá Thước - là các mô hình để nhiều huyện trong tỉnh, nhiều địa phương trong nước, nhiều tổ chức quốc tế đến học tập kinh nghiệm; dấu ấn của các đề tài, dự án còn vang vọng đến hôm nay đối với hoạt động của Liên hiệp hội và đóng góp của Liên hiệp hội sự nghiệp KH&CN của tỉnh.

Ngay từ khi mới thành lập, mặc dù chưa có quy định cụ thể của Nhà nước nhưng với tinh thần trách nhiệm và hiểu biết của mình cán bộ, hội viên của Liên hiệp hội cũng đã chủ động, bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện một số chương trình, đề án cấp tỉnh, cấp ngành và để lại những dấu ấn tốt đẹp, đặt nền móng cho sự phát triển của công tác tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội ngày hôm nay. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 và Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho hệ thống Liên hiệp hội KH&KT từ Trung ương đến địa phương, thì hoạt động này được xác định là hoạt động chủ yếu của Liên hiệp hội Thanh Hóa. Từ đó đến nay, Liên hiệp hội và các hội thành viên đã thực hiện thành công hàng ngàn nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Giai đoạn 2019-2024, Liên hiệp hội đã đề xuất và được Chủ tịch UBND tỉnh giao phản biện 50 nhiệm vụ là các chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch, dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, KH&CN, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo vệ môi trường. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng các chương trình, đề án và những chính sách do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành; đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN tham gia đóng góp trí tuệ vào các chủ trương, chính sách và các chương trình, đề án lớn, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Liên hiệp hội còn tham gia góp ý, phản biện các đề án, dự thảo Luật, giúp UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có thêm thông tin, căn cứ, số liệu khi đóng góp các dự thảo Luật trong các kỳ họp và cử đại diện tham gia các Hội đồng thẩm định cấp tỉnh các đề án, dự án do các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố xây dựng.

Trong quá trình hoạt động Liên hiệp hội đã xác định rõ được vai trò và ý nghĩa của công tác truyền thống, phổ biến kiến thức; ban đầu do khó khăn về kinh phí nên hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức còn rất hạn chế mỗi năm chỉ tổ chức được 1-2 vấn đề. Nhờ sự quan tâm của tỉnh về kinh phí và sự cố gắng vươn lên của các hội thành viên, chính vì vậy mà hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức đến nay đã dần đi vào nền nếp, phát huy tác dụng tích cực trong công tác phổ biến kiến thức về KH&CN gắn với chuyên môn của Liên hiệp hội, các hội thành viên, tạo được nhiều kết quả nổi bật. Bám sát các sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh, hoạt động thông tin, truyền thông của Liên hiệp hội, các hội thành viên đã kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tiến bộ KH&KT trong nước và thế giới; phản ánh được các tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình hoạt động hội thiết thực và hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình làm giàu và xóa đói giảm nghèo trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, song song với việc duy trì phát triển ấn phẩm Đặc san Khoa học Thanh Hóa và các ấn phẩm truyền thông của các hội chuyên ngành, Liên hiệp hội và một số hội thành viên, trung tâm trực thuộc đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu kết quả hoạt động của hệ thống qua các Trang thông tin điện tử, qua đó tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Liên hiệp hội với các tổ chức, địa phương trong và ngoài tỉnh.

Liên hiệp hội đã chủ trì phối hợp với Sở KH&CN, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh và một số cơ quan liên quan đã đẩy mạnh phong trào quần chúng Nhân dân tham gia hoạt động sáng tạo KH&CN thông qua việc định kỳ tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, tham gia Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam. Các hoạt động trên ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng Nhân dân và trong đoàn viên, hội viên trong tỉnh.

Những năm đầu sau khi thành lập, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo Liên hiệp hội qua các thời kỳ cũng đã đặc biệt quan tâm đến hoạt động tôn vinh trí thức, đầu tiên là trong hệ thống Liên hiệp hội và dần dần được mở rộng thêm hình thức tôn vinh và thành phần đối với trí thức KH&CN trong tỉnh. Với nhận thức hoạt động tôn vinh trí thức là một giải pháp quan trọng để Liên hiệp hội phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN trong tỉnh. Gần đây, Liên hiệp hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu trí thức KH&CN tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa. Theo kế hoạch trong năm 2024 sẽ tổ chức tôn vinh và trao biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu cấp tỉnh lần thứ 2 (tổng số trí thức đạt danh hiệu trí thức KH&CN tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa là 20 trí thức); đó là những trí thức KH&CN đạt thành tích cao, có nhiều đóng góp cho hoạt động trên các lĩnh vực KH&CN trong tỉnh.

Tiếp nối truyền thống, bài học kinh nghiệm mà các thế hệ lãnh đạo Liên hiệp hội đã gây dựng lên, tìm cách khắc phục những hạn chế trong hoạt động hợp tác quốc tế một số năm trước, trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế của Liên hiệp hội được tổ chức lại và có được những kết quả bước đầu, nhờ đổi mới cách thức hoạt động và phương pháp tiếp cận nên Liên hiệp hội đã thu hút được sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Liên hiệp hội và các hội thành viên đã thực hiện thành công nhiều dự án trên quan điểm và tư duy mới. Trong 30 năm qua, cơ quan Liên hiệp hội, các hội thành viên đã phối hợp tổ chức thực hiện thành công 18 dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ với số tiền gần 55 tỷ đồng, 1 dự án được tài trợ đang triển khai thực hiện với số tiền 18 tỷ đồng. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau, đã thu được lợi ích và hiệu quả thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương nơi thụ hưởng dự án; đồng thời tạo thêm nguồn lực để Liên hiệp hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tập hợp đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Phần thưởng của Đảng và Nhà nước đối với Liên hiệp hội

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích hoạt động trong suốt 30 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Liên hiệp hội và một số hội thành viên nhiều phần thưởng cao quý, trong đó Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba; được tặng nhiều Cờ thưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Hướng trọng tâm nhiệm vụ và giải pháp những năm tới

Liên hiệp hội sẽ không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp sau đây:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để có thể tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN dưới mái nhà chung của Liên hiệp hội, nhất là trí thức trẻ, trí thức có trình độ chuyên môn cao, trí thức là người Thanh Hóa ở tỉnh ngoài (hiện nay số lượng trí thức tương đối đông đảo nhưng việc tập hợp còn hạn chế). Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực một cách có hiệu quả nhất.

Động viên, khích lệ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, hội viên, quần chúng Nhân dân tiến quân vào KH&CN, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN trong toàn hệ thống Liên hiệp hội. Phương thức tổ chức phát động phong trào trí thức KH&CN tham gia vào các chương trình, đề tài, đề án, dự án KH&CN các cấp.

Tích cực tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo; cơ chế, chính sách đãi ngộ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, sáng chế ứng dụng làm lợi trên các lĩnh vực, góp phần giải quyết các điểm nghẽn, các vấn đề bức xúc đặt ra trong đời sống xã hội một cách thỏa đáng.

Tham vấn các cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong Liên hiệp hội, đội ngũ trí thức KH&CN và quần chúng Nhân dân trong tỉnh nhằm tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo kỹ thuật có giá trị cao, nhiều giải pháp xứng tầm đoạt giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và toàn quốc; nhiều công trình KH&CN xuất sắc được lựa chọn tham gia Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam đạt giải cao được vinh danh; nhiều giải pháp kỹ thuật của thế hệ trẻ đoạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng các cấp. Tiếp tục đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội; đa dạng hình thức tổ chức diễn đàn KH&CN để thu hút trí thức, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh thúc đẩy hoạt động của Liên hiệp hội.

Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai có hiệu quả các Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức năm 2024.

Nguyễn Văn Phát

Bí thư Đảng đoàn

Chủ tịch LHHKH&KT Thanh Hóa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lien-hiep-cac-hoi-khoa-hoc-va-ky-thuat-thanh-hoa-30-nam-xay-dung-va-phat-trien-228510.htm