Liên hợp quốc 'phiền muộn' về cam kết của Taliban với phụ nữ

Theo Reuters, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã lên án các hành động của Taliban khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan trái với cam kết là bảo vệ quyền của phụ nữ.

Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet phát biểu trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, chỉ trích Taliban không giữ đúng cam kết về quyền phụ nữ. (Nguồn: Reuters)

Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet phát biểu trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, chỉ trích Taliban không giữ đúng cam kết về quyền phụ nữ. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 13/9, bà Michelle Bachelet cho biết Afghanistan đang ở trong một “giai đoạn mới và nguy nan”.

Nhiều phụ nữ, thành viên của các nhóm dân tộc và cộng đồng tôn giáo ở quốc gia Nam Á quan ngại sâu sắc về quyền lợi của họ.

Theo Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, trái với cam kết rằng Taliban sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ, trong ba tuần qua, "phụ nữ đã dần bị loại khỏi môi trường công”.

Bà Bachelet bày tỏ sự thất vọng khi thành phần trong bộ máy chính quyền mới của Taliban thiếu sự hiện diện của nữ giới và sự thống trị của dân tộc Pashtun.

Ngoài ra, Taliban cũng không thực hiện cam kết khác như ân xá cho cựu công chức và nhân viên an ninh có liên hệ với chính phủ cũ và cấm khám xét từng nhà.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar cho biết, nước này đã đề nghị Taliban tôn trọng quyền của phụ nữ khi đưa ra các ví dụ về các nước Hồi giáo mà phụ nữ đóng vai trò tích cực trong xã hội.

Tuần trước, theo bà Alison Davidian, đại diện tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tại Afghanistan, bà vẫn nhận được báo cáo hằng ngày cho thấy Taliban không thực hiện cam kết rằng quyền của phụ nữ sẽ được tôn trọng trong khuôn khổ luật Hồi giáo.

Một số dẫn chứng là phụ nữ vẫn bị cấm ra khỏi nhà nếu không trùm khăn (mahram) hoặc đi cùng đàn ông trong gia đình. Ở một số tỉnh, phụ nữ thậm chí còn không được phép đi làm.

Trước đó ngày 7/9, Taliban tuyên bố thành lập chính quyền mới gồm toàn bộ thành viên là nam giới và cũng là thành viên của phong trào Hồi giáo.

Trong phát biểu sau đó, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid nêu rõ: "Chính phủ này là lâm thời. Chúng tôi sẽ có những vị trí cho phụ nữ với sự tôn trọng luật Sharia".

Ông Mujahid gọi đây là "một sự khởi đầu, nhưng chúng tôi sẽ dành chỗ cho phụ nữ" và ở bước thứ hai, phụ nữ "có thể là một phần của chính quyền".

Hôm qua (ngày 12/9), người đứng đầu cơ quan giáo dục đại học Afghanistan Abdul Baqi Haqqani tuyên bố phụ nữ nước này sẽ được phép học đại học, với điều kiện là học tách biệt với nam giới.

Khi cầm quyền tại Afghanistan lần đầu tiên từ năm 1996-2001, Taliban đã hạn chế nhiều quyền của phụ nữ khiến họ gần như bị "cho ra rìa" các hoạt động ở những không gian công cộng.

Hiện nhiều phụ nữ Afghanistan và các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ trên toàn cầu đều bày tỏ lo ngại về việc Taliban khi lên nắm quyền có thể sẽ áp dụng trở lại chính sách hà khắc đối với phụ nữ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lien-hop-quoc-phien-muon-ve-cam-ket-cua-taliban-voi-phu-nu-158398.html