Liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Với tinh thần đổi mới, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã định hướng cho hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể, thông qua các mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ.

Mô hình “Tổ phụ nữ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế bằng nghề đan giường, ghế gấp” tại thôn Yên Trù, xã Yên Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Dương Chung

Mô hình “Tổ phụ nữ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế bằng nghề đan giường, ghế gấp” tại thôn Yên Trù, xã Yên Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Dương Chung

Tại thôn Yên Trù, xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường, từ năm 2011 đến nay, nghề đan giường, ghế gấp tuy là nghề phụ nhưng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình trong thôn. Tuy nhiên, việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm thị trường.

Để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội Phụ nữ xã Yên Bình đã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế bằng nghề đan giường, ghế gấp” tại Chi hội phụ nữ thôn Yên Trù với 30 thành viên tham gia.

Mô hình được thành lập nhằm tăng thêm tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật và giới thiệu, quảng bá sản phẩm để hỗ trợ gia đình hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo và hướng đến làm giàu chính đáng.

Là thành viên trong tổ, cũng là người đầu tiên đưa nghề làm giường, ghế, võng xếp về thôn Yên Trù, chị Nguyễn Thị Sáng, sinh năm 1986, chủ cơ sở sản xuất Thuận Sáng ở xã Yên Bình cho biết: "Trước đây, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, gia đình tôi phải xa quê đi làm ăn với nhiều nghề khác nhau. Năm 2011, gia đình tôi đã đem nghề đan giường, ghế gấp học được ở Sơn Đồng (Hà Tây cũ) về địa phương.

Với 200 triệu đồng tiền vốn ban đầu, gia đình tôi đã xây dựng xưởng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, cơ sở sản xuất giường gấp của gia đình đã mở rộng ra 2 cơ sở.

Các sản phẩm làm ra được phân phối tại thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. Với mức giá bán từ 130 nghìn đồng/sản phẩm, doanh thu trung bình của gia đình tôi đạt hàng tỷ đồng/năm.

Xưởng sản xuất đã tạo việc làm cho gần 50 lao động là những người dân trong và ngoài xã. Trong đó, 8 công nhân cơ khí làm việc thường xuyên và trực tiếp tại xưởng sản xuất, 40-50 thợ đan khoán theo sản phẩm với mức thu nhập từ 3-8 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, trong thôn có khoảng 300 dân tham gia làm nghề đan giường, ghế gấp".

Mô hình “Tổ phụ nữ hợp tác liên kết sản xuất chăn, ga, gối, đệm” tại thôn Gia, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc được thành lập từ năm 2017 với 15 thành viên tham gia. Sau hơn 5 năm hoạt động, mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất đã liên kết trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của địa phương; các thành viên hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các điều kiện, không gây ô nhiễm môi trường… Với những cách làm mới, nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm đã góp phần mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên.

Là hội viên “Tổ phụ nữ hợp tác liên kết sản xuất chăn, ga, gối, đệm” xã Yên Đồng, từ năm 1999, chị Tạ Thị Dung đã mạnh dạn vay vốn thành lập doanh nghiệp tư nhân Ngọc Dung chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm với thương hiệu USEUN. Hiện nay, với nhiều mặt hàng, mẫu mã đa dạng, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, các mặt hàng của gia đình chị đã khẳng định, đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, đổi mới công nghệ vào sản xuất, mỗi tháng, doanh nghiệp do chị Dung làm chủ sản xuất và tiêu thụ hơn 1.000 sản phẩm; doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương, trong đó nhiều hội viên phụ nữ có việc làm ổn định với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025”, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã vận động, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tham gia có hiệu quả vào các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội; chủ động tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm cải thiện đời sống; xây dựng được các mô hình tổ liên kết như “Tổ phụ nữ liên kết trồng bí đỏ” ở xã Vũ Di, "Tổ phụ nữ liên kết trồng hành an toàn" ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường; Tổ liên kết trồng rau an toàn, huyện Tam Dương; tổ liên kết sản xuất bánh gio, bánh chưng gù, huyện Bình Xuyên; Tổ liên kết trồng na dai, huyện Tam Đảo...

Các mô hình đã bước đầu giúp hội viên chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, cùng liên kết tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Qua đó, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Minh Thu

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/80880/lien-ket-ho-tro-phu-nu-phat-trien-kinh-te.html