Liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp - chuỗi giá trị mới

Thông qua các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, Lâm Đồng đã và đang hình thành và phát triển nhiều hình thức liên kết giữa hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra chuỗi giá trị mới gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Nuôi cá tầm tại xã Rô Men, huyện Đam Rông theo chuỗi liên kết tiêu thụ giữa HTX Nông nghiệp Gia Phát với các doanh nghiệp trong nước.

Nuôi cá tầm tại xã Rô Men, huyện Đam Rông theo chuỗi liên kết tiêu thụ giữa HTX Nông nghiệp Gia Phát với các doanh nghiệp trong nước.

Vài năm gần đây, thị trường nhiều khu vực trong nước bắt đầu quen thuộc với thương hiệu trứng cút, chim cút, cá tầm... của HTX Nông nghiệp Gia Phát tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm bởi giá cả cạnh tranh và chất lượng an toàn. Giám đốc HTX này, anh Vũ Duy Văn cho biết, HTX qua hơn 3 năm hoạt động với 25 thành viên phát triển 13 chuồng trại chăn nuôi chim cút và 45 hồ nuôi cá tầm với diện tích lần lượt 3.100 m2 và 2.000 m2 trên địa bàn huyện Bảo Lâm và huyện Đam Rông. Tính đến hết năm 2020, HTX đạt tổng quy mô chăn nuôi 153.000 con chim cút, 83.000 con cá tầm. Tương ứng với tổng sản lượng 28 triệu quả trứng và 72 tấn cá tầm thương phẩm. Lợi nhuận HTX khoảng 4,5 tỷ đồng/chu kỳ chăn nuôi 8 tháng.

Để đạt lợi nhuận nêu trên, HTX Nông nghiệp Gia Phát xây dựng chuỗi liên kết ổn định với các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Usfeed, Cargill, Ngọc Long... để cung ứng đầy đủ và kịp thời nguồn thức ăn chim cút, cá tầm cho 25 thành viên chăn nuôi cùng mức giá thấp hơn thị trường từ 10 - 15%. Ở khâu đầu ra, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm trứng cút, chim cút, cá tầm thương phẩm với giá cao hơn giá thị trường trên dưới 15%, sau đó phân phối đến hệ thống đại lý ở các thành phố Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng... Ngoài ra, HTX còn chế biến tại chỗ phân cút vi sinh để cung ứng giá rẻ cho thành viên sử dụng canh tác cây trồng.

“HTX hoạt động dịch vụ chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ cung cấp con giống, thức ăn đến quy trình kỹ thuật chăn nuôi và thu mua trứng cút, chim cút thương phẩm, cá tầm thương phẩm để cung cấp cho đại lý trong cả nước. Đồng thời, HTX thường xuyên tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi giữa các hộ trong và ngoài thành viên với nhau...”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phát Vũ Duy Văn chia sẻ.

Tương tự, HTX Dược liệu Như Ý ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương đã kết nối giao thương ổn định đầu ra sản phẩm dược liệu nguyên liệu và dược liệu chế biến đối với các đối tác Công ty Cổ phần Dược Nam Long, Công ty Cổ phần Traphaco Hưng Yên, hệ thống khách sạn và siêu thị lớn trong nước. Nhờ vậy HTX đã xây dựng chuỗi liên kết phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các loại cây dược liệu VietGAP trên diện tích 25 ha với 35 hộ nông dân từ huyện Đơn Dương sang huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Trong đó, HTX xây dựng nhà xưởng chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP, tổng doanh thu năm 2020 khoảng 8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân mỗi người lao động trong HTX đạt 6 triệu đồng/tháng. “Với vai trò tiên phong liên kết sản xuất dược liệu, chế biến các sản phẩm trà túi lọc đương quy, rượu đương quy, cao hà thủ ô mật ong..., HTX Dược liệu Như Ý luôn chú trọng lợi ích hộ thành viên và hộ nông dân liên kết thông qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật; cung cấp nguồn giống chất lượng cao, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất; bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá đảm bảo thu nhập khá hàng năm...”, đại diện lãnh đạo HTX Dược liệu Như Ý phát biểu tại hội thảo phát triển kinh tế hợp tác xã toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2020.

Theo Liên minh HTX Lâm Đồng, HTX Dược liệu Như Ý và HTX Nông nghiệp Gia Phát là 2 trong hơn 50 chuỗi liên kết tiêu biểu giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp và hộ sản xuất trên địa bàn.

Theo đó, thỏa thuận doanh nghiệp vừa cung ứng giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của HTX, THT và hộ sản xuất. Trách nhiệm HTX cung cấp tín dụng nội bộ phát triển sản xuất, mở rộng chế biến và cùng với hộ sản xuất phân công lao động, tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật; khai thác thị trường tiêu thụ. Tính chung giai đoạn năm 2018 - 2020, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ xây dựng mới hàng chục chuỗi liên kết trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tổng kinh phí 12 tỷ đồng.

Theo Chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021- 2025, hai bên tiếp tục “phối hợp xây dựng và phát triển mô hình HTX hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là liên kết cung ứng vật tư sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời thường xuyên tổ chức cho doanh nghiệp và HTX tiếp cận lẫn nhau, tạo điều kiện kết nối, hợp tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hai bên...”.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/lien-ket-hop-tac-xa-voi-doanh-nghiep-chuoi-gia-tri-moi-3038661/