Liên kết trồng cây ăn quả ở Mường Mươn

ĐBP - Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai tại xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) từ năm 2018. Thực hiện dự án, xã Mường Mươn đã liên kết với Công ty cổ phần Rau hoa quả Trung ương (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) để trồng và phát triển các loại cây ăn quả. Dù mới triển khai thực hiện, song tinh thần trách nhiệm từ phía người dân và doanh nghiệp đang hứa hẹn kết quả tốt đẹp trong liên kết và tiêu thụ cây ăn quả trên địa bàn.

Anh Lò Văn Vấn và cán bộ khuyến nông xã Mường Mươn kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây bưởi.

Chúng tôi cùng cán bộ khuyến nông xã Mường Mươn đến bản Mường Mươn 2 tham quan và kiểm tra tình hình phát triển của một số mô hình trồng bưởi. Sau 3 năm xuống giống, những cây bưởi của gia đình anh Lò Văn Vấn đều sinh trưởng phát triển tốt. Anh Vấn cho biết: Năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ 120 gốc bưởi giống và bắt đầu trồng tại khu bãi sau nhà. Từ khi nhận cây giống, gia đình tôi được cán bộ xã, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Rau hoa quả Trung ương rất quan tâm, từ khâu đào hố trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến việc bón phân, phun thuốc đều được hướng dẫn tỉ mỉ. Nhờ vậy mà cây bưởi phát triển tốt. Năm ngoái, một số cây đã bói quả song gia đình phải cắt bỏ để nuôi cây, chỉ để lại vài quả ăn thử thấy quả rất mọng nước và ngọt nữa. Có lẽ giống bưởi này cũng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Mường Mươn.

Với vai trò là một trưởng bản, anh Vấn còn cùng chính quyền địa phương lựa chọn các hộ trong bản để tham gia Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Năm 2018, cả bản Mường Mươn 2 có 20 hộ đăng ký tham gia trồng bưởi diễn và da xanh; trong đó, gia đình chị Lò Thị Tính là hộ tham gia trồng bưởi nhiều nhất bản với hơn 300 cây. Chị Tính cho biết: Trước đây, diện tích đất bãi ven suối, gia đình tôi trồng thập cẩm các loại cây nhưng không loại nào ra loại nào, hiệu quả cũng không cao. Vì vậy, khi biết Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn có hỗ trợ cây giống, tôi đăng ký tham gia trồng thử. Nhưng liên kết với doanh nghiệp, gia đình cũng lo vì theo quy trình chăm sóc của họ thì mình có làm được không và còn sợ khi cây có quả, doanh nghiệp không thu mua nữa hoặc giá thấp thì biết làm như thế nào. Nhưng sau hơn 3 năm trồng, phía doanh nghiệp liên kết rất quan tâm, thường xuyên thăm vườn cây, đồng thời hướng dẫn chi tiết về cách phòng trừ các loại sâu bệnh, chăm sóc cây theo từng giai đoạn… nên gia đình tôi cũng như bà con dân bản cũng yên tâm hơn.

Từ năm 2018 - 2020, xã Mường Mươn đã liên kết với Công ty CP Rau hoa quả Trung ương trồng khoảng 20ha cây ăn quả (bưởi, nhãn). Khi bắt đầu triển khai dự án và liên kết với doanh nghiệp, chính quyền xã đứng ra giám sát việc cung ứng giống, vật tư phân bón và sau này là việc bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Ông Lò Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn cho biết: Người dân trên địa bàn xã đã đăng ký tham gia trồng cây ăn quả trong 2 năm; trong đó năm 2018 trồng được 15ha và 5ha trồng năm 2020. Bà con tham gia trồng bưởi ở 3 bản (Mường Mươn 1, 2 và Púng Giắt); còn trồng nhãn ở 2 bản (Púng Giắt và Huổi Vang). Mở ra hướng đi cho xã trong việc liên kết, Công ty CP Rau hoa quả Trung ương đã ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Điều đó không chỉ thay đổi tư duy sản xuất của bà con mà còn tạo điều kiện đưa sản phẩm nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hàng hóa.

Anh Lê Văn Huấn, Công ty CP Rau hoa quả Trung ương cho biết: Mặc dù có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các mô hình trồng cây ăn quả nhưng do sản xuất manh mún, thiếu liên kết, thị trường tiêu thụ hạn chế nên việc trồng cây ăn quả ở một số địa phương thường rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”. Vậy nên ngoài xã Mường Mươn, hiện nay Công ty đang liên kết với người dân các xã của huyện Mường Chà, gồm: Na Sang, Ma Thì Hồ, Sa Lông, Pa Ham và Mường Tùng trồng và phát triển các loại cây ăn quả, tập trung chủ yếu là bưởi, nhãn, xoài. Để cây ăn quả phát triển tốt, cho sản phẩm đảm bảo chất lượng, chúng tôi đã cung cấp nguồn cây giống bảo đảm, chất lượng và sạch bệnh. Sau đó hướng dẫn bà con từ việc trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi cũng thường xuyên lên kiểm tra cây và hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh, điều chỉnh năng suất phù hợp với tuổi cây, sức cây, tránh khai thác quá mức dẫn đến kiệt cây, làm cây yếu và dễ nhiễm các đối tượng dịch hại. Ngoài việc thường xuyên hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, Công ty đã hợp đồng tiêu thụ nông sản cho bà con với giá có lợi nhất, giúp người nông dân từng bước nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất…

Liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở xã Mường Mươn cũng như một số địa phương khác trên địa bàn huyện Mường Chà, việc hợp tác, liên kết với doanh nghiệp chỉ mới ở bước đầu. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao tính chuyên nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình đảm bảo chất lượng nông sản. Ngoài ra, để sự hợp tác nông dân - doanh nghiệp có hiệu quả và bền vững, cả doanh nghiệp và người dân cùng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Bài, ảnh: Quang Hưng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186668/lien-ket-trong-cay-an-qua-o-muong-muon