Liên minh HTX Hải Phòng tổ chức lớp trồng hoa cây cảnh cho 50 học viên

Lớp học trồng hoa cây cảnh được tổ chức trong bối cảnh cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều diện tích hoa, cây cảnh tại các làng nghề tại Hải Phòng. Đây là cơ hội để nông dân và thành viên HTX học hỏi, tiếp thu kỹ thuật mới nhằm khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất và phát triển bền vững.

Sáng nay (27/9), tại Hội trường UBND xã Hồng Thái (huyện An Dương), Liên minh HTX TP Hải Phòng đã khai giảng lớp học trồng hoa và cây cảnh cho 50 học viên. Theo chia sẻ từ các học viên, mọi người đều rất mong đợi lớp học này được tổ chức sớm để có cơ hội tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm trong việc chăm sóc hoa, cây cảnh, đặc biệt sau khi bão số 3 càn quét, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều diện tích.

Theo UBND TP Hải Phòng, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về tài sản lên tới hơn 10.647 tỷ đồng (theo thống kê đến ngày 19/9). Trong đó, số lượng hoa, cây cảnh bị thiệt hại là 1.539.828 chậu, cây; diện tích cây trồng lâu năm hơn 3.292 ha; diện tích cây trồng hàng năm là 2.217 ha; và diện tích cây ăn quả tập trung bị ảnh hưởng lên tới 757 ha. Thiệt hại này chủ yếu nằm ở các làng nghề hoa, cây cảnh của TP Hải Phòng, trong đó có xã Hồng Thái.

Quang cảnh lớp học.

Quang cảnh lớp học.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hải Phòng, ông Nguyễn Hữu Đạo, cho biết: Nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống tại các làng nghề TP Hải Phòng, Liên minh HTX đã phối hợp với UBND xã Hồng Thái để triển khai nhiệm vụ được UBND TP giao.

Liên minh đã chỉ đạo Trung tâm Đào tạo Phát triển Kinh tế HTX và Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết, tuyển sinh, biên soạn giáo trình và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất tốt nhất cho học viên tham gia. Khóa đào tạo nghề trồng hoa và cây cảnh này dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 11/2024.

Sau bão, nhiều diện tích trồng đào của xã Hồng Thái đã bị úng nước và đang có dấu hiệu héo cây.

Sau bão, nhiều diện tích trồng đào của xã Hồng Thái đã bị úng nước và đang có dấu hiệu héo cây.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hải Phòng nhấn mạnh: "Lớp học lần này được tổ chức dựa trên khảo sát ý kiến của người dân về nhu cầu và mong muốn học hỏi kinh nghiệm trong việc chăm sóc các loại cây trồng. Ngoài việc phổ biến kiến thức về chăm sóc các loại cây hàng năm như đào, quất - những loại cây trồng có chu kỳ thu hoạch 1 lần/năm, lớp học còn trang bị kiến thức về trồng và chăm sóc các loại hoa ngắn ngày."

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Đạo, điều này giúp bà con nông dân có thể xen canh, tăng vụ để tăng thêm thu nhập. Sau khóa học, đề nghị Trung tâm Đào tạo tiến hành khảo sát lấy ý kiến của học viên về mức độ hài lòng đối với thời lượng giảng dạy, phương pháp truyền đạt, nội dung kiến thức và những điểm cần bổ sung.

Ông Bùi Xuân Khải, Bí thư xã Hồng Thái, cho biết thêm: Sau bão số 3, xã Hồng Thái là một trong ba địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong huyện ở lĩnh vực nông nghiệp, vì đây là địa phương có làng nghề hoa, cây cảnh. Làng Kiều Trung cũng là một trong ba làng nghề hoa, cây cảnh lâu đời của huyện An Dương.

Theo quy hoạch phát triển, đến cuối năm 2024, đầu năm 2025, huyện An Dương sẽ trở thành quận An Dương và xã Hồng Thái sẽ chuyển thành phường. Tốc độ đô thị hóa trong những năm tới sẽ rất lớn. Theo quy hoạch của thành phố và huyện, làng nghề hoa cây cảnh Kiều Trung sẽ được giữ lại và phát triển theo hướng sinh thái, công nghệ cao.

"Vì những lý do này, việc tổ chức lớp học lần này là vô cùng cần thiết, giúp bà con có thêm kiến thức chăm sóc cây trồng, đặc biệt là đào và quất, sau bão và góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho việc bảo tồn, phát triển làng nghề," ông Khải nói.

Hiện nay, bên cạnh việc trồng đào, quất, người dân trong xã còn trồng xen các loại hoa mẫu đơn, cây ngắn ngày để có thêm thu nhập.

Hiện nay, bên cạnh việc trồng đào, quất, người dân trong xã còn trồng xen các loại hoa mẫu đơn, cây ngắn ngày để có thêm thu nhập.

Ông Khải cũng đề nghị Liên minh HTX TP tiếp tục quan tâm và hỗ trợ địa phương mở thêm các lớp đào tạo chuyên sâu. Các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp khi tham gia giảng dạy cần thực hiện theo phương pháp "cầm tay chỉ việc," hướng dẫn cụ thể cho bà con. Đồng thời, nên dành thời gian tổ chức tham quan các mô hình, nhà vườn tại địa phương, hoặc trong huyện và thành phố. Đối với các học viên, lãnh đạo địa phương cũng nhấn mạnh việc tham gia khóa học đầy đủ và nghiêm túc là rất quan trọng. Học viên cần ghi chép cẩn thận và chia sẻ những kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh của mình để tất cả cùng học hỏi thêm kiến thức.

"Diện tích trồng hoa hồng cổ của xã đang giảm đáng kể. Tôi mong muốn bảo tồn nguồn gen của giống hoa hồng cổ quê mình. Vì vậy, bà con nên tiếp tục phát triển, chăm sóc loại hoa này, hoặc nếu không trồng, có thể cho địa phương xin lại để lưu giữ nguồn gen quý," lãnh đạo xã trăn trở.

Thanh Vân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/lien-minh-htx-hai-phong-to-chuc-lo-p-tro-ng-hoa-cay-ca-nh-cho-50-ho-c-vien-1102666.html