Liên tiếp những vụ trả thù tàn độc bằng axit
Hàng loạt các vụ trả thù bằng axit diễn ra trong thời gian qua đã gây xôn xao dư luận. Không ít nạn nhân đã bị axit hủy hại dung nhan, sức khỏe, mang theo nỗi ám ảnh kinh hoàng đến suốt cuộc đời. Mặc dù những kẻ thủ ác sẽ phải trả giá về hành vi tàn độc của mình, song dường như chế tài xử lý đối với chúng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe…
Những nỗi đau khủng khiếp từ axit
Mới đây, CAQ Hoàng Mai đã bắt giữ đối tượng Lê Văn Dương (28 tuổi), thường trú ở phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương về hành vi cố ý gây thương tích. Do căm tức vợ cũ đi xuất khẩu lao động, đối tượng này đã khủng bố nhắn tin đe dọa, thậm chí nhẫn tâm tạt axit dằn mặt vợ. Rất may khi Dương hắt axit đựng trong ca nhựa vào người, chị L – vợ cũ của Dương đã kịp thời quay lưng lại. Mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng chị L bị bỏng nặng phần lưng và cổ.
Còn tại TP Đà Nẵng, đối tượng Nguyễn Trương Nam Hải (24 tuổi,) đã tạt axit có nồng độ 78% lên mặt vợ sắp cưới Lê Thị Lan V (24 tuổi). Nguyên nhân là do khi V và Hải tổ chức đính hôn, hai người xảy ra mâu thuẫn nên V đề nghị chia tay. Cơn ghen nổi lên, Hải dùng axit tạt vào người vợ sắp cưới để trả thù khiến nạn nhân bị bỏng nặng, tổn hại sức khỏe đến 46%.
Trước đó, tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, chỉ vì mâu thuẫn dẫn đến to tiếng, cãi cọ, cô giáo Đặng Thị Thanh H (35 tuổi, ở huyện Gia Lâm) đã bị chồng cũ là Phạm Văn Thông (36 tuổi, quê Thái Bình) lấy can axit tưới khắp người. Hậu quả là cô giáo H bị bỏng nặng đến 29%, sang chấn tâm lý nghiêm trọng.
Không chỉ do mâu thuẫn tình cảm, một số đối tượng còn dùng axit để giải quyết những thù tức, hiềm khích cá nhân. Tại tỉnh Quảng Ngãi, anh Võ Duy Nghiêm (SN 1993, quê xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, định cư ở Canada) khi đang đi xe máy chở bạn gái đến khu du lịch sinh thái Thiên Đàng (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) chơi thì bị hai thanh niên đi xe máy ép sát từ phía sau hất axit vào mặt khiến anh Nghiêm bị bỏng nặng ở vùng mặt và tay, giảm thị lực. Sau đó , 2 đối tượng này còn tiếp tục dùng dao mang theo lao tới cắt 3 nhát vào khớp gối, gân chân anh Nghiêm khiến anh bị thương nặng.
Cần tăng nặng hình phạt
Có thế nói, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tạt axít là do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, trong làm ăn hay trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù đây là loại hóa chất nằm trong danh mục phải khai báo, nhưng việc mua và sử dụng axit khá dễ dàng do giá rẻ, lại được bày bán tràn lan trên thị trường.
Axit được xem là loại “vũ khí” gây sát thương cao, có thể tàn phá, gây biến dạng cơ thể, tạo nên các vết thương sâu trên da thịt rất khó có thể phục hồi nguyên trạng. Nạn nhân bị tạt axit không chỉ gánh chịu nỗi đau thể xác mà còn có thể bị khủng hoảng tâm lý trong thời gian dài.
“Dù hậu quả do axit gây ra là rất nặng nề song pháp luật hiện hành không quy định tội danh riêng cho hành vi dùng axit tạt vào người khác, mà chỉ quy định hành vi này trong Tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hịa cho sức khỏe người khác theo Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa phân tích.
Điểm b, khoản 1, điều 134 quy định, việc dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tùy thuộc vào mức độ tỷ lệ thương tật do hành vi tạt axit để lại, người phạm tội sẽ phải chịu mức hình phạt tương ứng. Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt tù từ 2-6 năm, cao hơn nữa sẽ bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Thời gian qua, hành vi tạt axit nếu không gây chết người thì chỉ có thể xử lý đối tượng thực hiện hành vi về Tội cố ý gây thương tích.
Tuy vậy, do axit thường để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nạn nhân, khiến không ít người “sống không bằng chết” nên nếu đối tượng phạm tội sử dụng axit là công cụ phạm tội thì cần bị áp dụng định khung tăng nặng hơn so với các công cụ khác hoặc cần có một tội danh riêng dành cho hành vi phạm tội này – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhấn mạnh.
Thậm chí, trong một số trường hợp dù nạn nhân còn sống vẫn có thể xử lý đối tượng thực hiện hành vi tạt axit về Tội giết người theo Điều 93 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là tử hình (nếu phạm tội với nhiều người, sử dụng hàm lượng axit lớn, đậm đặc…).
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ hơn về việc lưu hành axit trên thị trường nhằm ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra tiếp theo.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/lien-tiep-nhung-vu-tra-thu-tan-doc-bang-axit/825278.antd