Liên tiếp thu giữ nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, như linh kiện, phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamada, lưỡi cưa, lưỡi cắt giả mạo nhãn hiệu MAKITA…

Cụ thể, vừa qua, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Giang tiến hành khám phương tiện xe ô tô biển kiểm soát 34C-27697 do ông Vũ Quyết Tiến, sinh năm 1993 điều khiển.

Kiểm soát viên quản lý thị trường kiểm tra chi tiết hàng hóa

Kiểm soát viên quản lý thị trường kiểm tra chi tiết hàng hóa

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 423 sản phẩm là lưỡi cưa, lưỡi cắt, chổi than có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu MAKITA đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Chủ hàng hóa là ông Vũ Quyết Tiến, sinh năm 1993, nơi cư trú thôn Ninh Thanh 1, Ea Kmút, Ea Kar, Đắk Lắk. Qua đấu tranh bước đầu ông Tiến khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường đang được vận chuyển đi bán để kiếm lời, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.

Trong khi đó, tại tỉnh Lạng Sơn, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Lạng Sơn) đã phối hợp với Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Doanh tiến hành kiểm tra 3 cửa hàng phụ tùng xe máy trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Cụ thể: cửa hàng phụ tùng xe máy Hanh Hồng địa chỉ đường Chu Văn An, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn; cửa hàng phụ tùng xe máy Huy Hưởng địa chỉ đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn; cửa hàng phụ tùng xe máy Trịnh Văn Sơn địa chỉ số 79H, đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn.

Phát hiện nhiều linh kiện, phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha

Phát hiện nhiều linh kiện, phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha

Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện tại 3 cửa hàng có 834 loại hàng hóa là linh kiện, phụ tùng xe máy không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, tổng trị giá hàng hóa là: 33.960.000 đồng. Trong đó có 263 loại hàng mang nhãn hiệu Honda và Yamaha có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa của 3 của hàng trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã len lỏi khắp mọi nơi, từ thành phố lớn, đến hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Để bảo vệ thương hiệu của mình, cũng như góp phần lành mạnh hóa thị trường, một số doanh nghiệp lớn đã phối hợp với quản lý thị trường trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lien-tiep-thu-giu-nhieu-san-pham-co-dau-hieu-gia-mao-nhan-hieu-duoc-bao-ho-tai-viet-nam-161215.html