Liên Xô đã 'bảo mật' tối đa tổng công trình sư đưa người đầu tiên vào vũ trụ
60 năm trước, Yuri Gagarin là người đầu tiên đi vào không gian, từ đó trở thành một trong những người nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng tại sao sự tồn tại của bộ não đằng sau dự án - ông Sergei Pavlovich Korolyov - lại bị các nhà chức trách giấu nhẹm?
Tháng Tư năm 1961, Thiếu tá Yuri Gagarin của Không quân Liên Xô được cả hành tinh biết tới. Anh là con người đầu tiên đi vào vũ trụ và do đó được ghi danh trong trang sử nhân loại. Nhưng thế còn người đã đưa anh lên không gian? Thời điểm đó, chỉ một số ít người biết sự tồn tại của ông.
Tổng công trình sư chương trình vũ trụ của Liên Xô Sergei Pavlovich Korolyov là người đã làm nên kỳ tích của Yuri Gagarin, nhưng sự bí ẩn của ông hoàn toàn đối lập với danh tiếng của anh.
Gagarin, con trai một nhà nông, từ phi công chiến đấu thành phi hành gia, đã đi vòng quanh thế giới để gặp mặt những người đứng đầu của hơn 30 quốc gia, trong đó bao gồm Nữ hoàng Anh và Tư lệnh Cách mạng Fidel Castro - cũng như hàng nghìn người hâm mộ. Anh trở thành đại sứ cho cả chương trình vũ trụ lẫn vị thế quốc tế ngày càng lớn mạnh của đất nước anh.
Quỹ đạo của anh Gagarin quanh Trái đất kéo dài vỏn vẹn 108 phút vào ngày 12/4, và kết thúc bằng việc anh lao ra khỏi con tàu Vostok 1 của mình, sau khi cửa sập của nó nổ tung. Anh phải nhảy dù 7km cuối cùng xuống Trái đất, điều mà Liên Xô đã giữ bí mật.
Một điều nữa họ cũng giữ bí mật chính là danh tính nhà thiết kế, kỹ sư, nhà chiến lược và cũng là bộ não đứng sau dự án. Gần như mọi văn bản kể về cuộc đời của ông hoặc chương trình không gian của Liên Xô một thời gian dài nằm trong vòng tuyệt mật và người ta gọi ông là “bóng tối”. Theo một nghị quyết của Bộ Chính trị, tên đầy đủ của ông không nói ra trước công chúng. Lo sợ về khả năng xảy ra một vụ ám sát ông bởi đối thủ Mỹ, mọi dấu vết về ông bị xóa kỹ và chỉ giới lãnh đạo hàng đầu của Liên Xô biết rõ công việc của ông.
Những phi hành gia không hề biết về sự tồn tại của ông cho đến khi họ gặp trực tiếp, và kể cả khi đó họ cũng chỉ biết tên viết tắt của ông. Alexei Leonov, nhà du hành vũ trụ đầu tiên đi bộ trong không gian, cho biết: “Chúng tôi gọi ông ấy là “SP”. Chúng tôi không biết tên đầy đủ của ông. Nhưng không một ai có quyền lực cao hơn ông ấy. Những người xung quanh coi ông như một vị thần vậy”.
Trong các chương trình phát thanh về thành công của chương trình không gian, ông được gọi là “Tổng công trình sư”. Ông được ca ngợi, nhưng cái giá phải trả là trở thành vô hình ngay trong đất nước của mình. Khi Ủy ban giải Nobel hỏi liệu họ có thể thưởng cho người đã biến chuyến bay vũ trụ đầu tiên thành hiện thực, Điện Kremlin đã không phản hồi.
Sergei Pavlovich Korolyov sinh năm 1907. Ông chuyển đến Mátxcơva để theo học ngành hàng không, nhưng vào đầu những năm 1930, Korolyov đã chuyển trọng tâm, gia nhập GIRD - phòng nghiên cứu của Liên Xô về lĩnh vực chế tạo tên lửa, rồi cuối cùng trở thành giám đốc của nó.
Ông được tuyển dụng làm việc dưới quyền của Nguyên soái Mikhail Tukhachevsky, người chỉ đạo khám phá tiềm năng quân sự của tên lửa ở Leningrad (nay là thành phố St. Petersburg). Nhưng Tukhachevsky bị thanh trừng, Korolyov cũng bị vạ. Ông bị buộc phải thừa nhận tội phản quốc không có thật, và bị bắt lao động khổ sai ở mỏ vàng Kolyma Gulag ở Siberia. Đó không khác gì một bản án tử hình.
Sáu năm sau khi bị bắt, vào tháng 6 năm 1944, khi chiến thắng Thế chiến II nghiêng về Liên Xô và các đồng minh, Korolyov được trả tự do. Ông hiếm khi nói về quá khứ của mình, và luôn sống trong lo sợ bị bắt một lần nữa. Không biết có phải vì thế không mà ông đã dấn thân vào phụng sự nhà nước với niềm tin rằng nếu chứng minh được sự cần thiết của mình, họ sẽ bảo vệ ông.
Ông bắt đầu thiết kế loạt tên lửa đạn đạo R, lúc đầu dựa trên tên lửa V-2 thu được từ Đức Quốc xã sau chiến tranh. Đồng thời, tại Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Wernher von Braun, cựu chuyên gia tên lửa của Đức Quốc xã, một dự án tương tự cũng đang được tiến hành.
Liên Xô phóng thành công R-7, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên trên thế giới vào ngày 21/8/1957, nhanh hơn Mỹ tận 15 tháng. Đó là kết quả của sự khéo léo và quyết tâm của Korolyov. Chính tại thời điểm này, các nhà chức trách quyết định ẩn hoàn toàn danh tính của ông, lo ngại rằng tài sản trí tuệ cực kỳ quan trọng của họ có thể bị ám sát hoặc tệ hơn, bị bắt cóc.
R-7 là một tên lửa hai tầng. Từ lâu, Korolyov đã nhận ra rằng cần loại tên lửa nhiều tầng để có thể gửi con người vào không gian. Đến tháng 10/1957, ông đã làm cả thế giới kinh ngạc khi phóng thành công Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên, lên quỹ đạo. Sau sự kiện này, ông được lệnh đưa con người vào quỹ đạo trong thời gian sớm nhất.
Và vào 9 giờ 6 phút sáng ngày 12/4/1961, phi công Gagarin được đưa lên tàu Vostok 1, để rồi sớm trở thành con người được săn đón nhất thế giới. Mặc dù vậy, thời điểm đó, không ai biết đến Korolyov.
Sau thành tựu vang dội của chuyến bay vũ trụ đầu tiên của con người, Liên Xô liên tục thành công nối tiếp thành công, trong khi Mỹ chật vật tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ bị chậm chân. Vào ngày 16/6/1963, phi hành gia Liên Xô Valentina Tereshkova là người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, và hai năm sau, phi hành gia Xô Viết Leonov là người rời khỏi tàu không gian để bước đi ngoài vũ trụ lần đầu tiên. Kế hoạch tiếp theo là đưa con người lên mặt trăng, và Korolyov đã chuẩn bị sẵn bệ phóng tên lửa N-1 để đưa họ đến đó.
Tuy nhiên, vào tháng Một năm 1966, Korolyov qua đời sau khi gặp biến chứng sau phẫu thuật khối u ruột già. Thi hài của ông được đưa tới Đại sảnh đường ở Mátxcơva trước khi được hỏa táng. Anh hùng Gagarin là người viết bài điếu văn. Leonid Brezhnev, người đã thay thế Khrushchev làm lãnh đạo Liên Xô, phát biểu đất nước đã mất đi “người con ưu tú nhất”.
Bản cáo phó của Korolyov xuất hiện trên báo Đảng Pravda, lần đầu tiên tên ông xuất hiện trước công chúng và cuối cùng, mọi người bắt đầu biết tới Sergei Pavlovich Korolyov.
Korolyov là sự kết hợp đáng khâm phục giữa kỹ sư, quản lý và chiến lược gia. Di sản của ông vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Thiết kế tàu vũ trụ đa năng Soyuz dưới sự chỉ đạo của ông, bay lần đầu tiên vào năm 1966, thành công đến mức nó vẫn được sử dụng trong các dự án vũ trụ Nga ngày nay.
Với tầm nhìn và nhiệt huyết, ông đã góp phần lớn trong việc đổi mới Liên bang Xô viết, nhiều lần vượt qua Mỹ về mặt công nghệ vào thế kỷ XX. Và nếu không có Korolyov, 60 năm trước, Yuri Gagarin có lẽ đã không được bay ra ngoài vũ trụ. Thật đáng tiếc ông đã qua đời trước khi thế giới có cơ hội ca ngợi ông.