LienVietPostBank: Sẵn sàng minh bạch và lớn mạnh
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đang chuẩn bị những bước đi quyết liệt để nâng tầm quản trị theo cam kết với cổ đông là nâng cao hiệu quả hoạt động và chuyển sang niêm yết trên HOSE.
Năm 2019, LienVietPostBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II trước thời hạn.
Trong đó, Quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP) là một trong ba trụ cột quan trọng của chuẩn mực quốc tế Basel II về yêu cầu vốn tối thiểu, rà soát giám sát và nguyên tắc thị trường.
Thực tế cho thấy, mức độ quản trị của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay có sự chênh lệch lớn, điều này đòi hỏi tự thân các ngân hàng phải nâng cấp trong quá trình xây dựng ICAAP mới có thể đuổi kịp các ngân hàng trong khu vực đã áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel II.
Về phương diện quản lý rủi ro, việc triển khai Thông tư 41 là bước tiến quan trọng của LienVietPostBank trong nỗ lực hướng tới thông lệ quản trị rủi ro theo các chuẩn mực tiên tiến.
Đặc biệt, khi quy trình ICAAP được vận hành, Ngân hàng sẽ hoàn tất cả 3 trụ cột của chuẩn mực Basel II, qua đó tuân thủ toàn diện các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và đáp ứng các thông lệ quốc tế.
Do đó, LienVietPostBank và đối tác kiểm toán là KPMG đang tích cực triển khai ICAAP và phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2020.
Việc áp dụng ICAAP được kỳ vọng mang lại những lợi ích cụ thể cho LienVietPostBank. Qua đó, Ngân hàng sẽ xây dựng được khung quản lý vốn đầy đủ cho phép phân bổ nguồn lực hiệu quả để tối đa hóa lợi nhuận.
ICAAP giúp Ngân hàng thiết lập một chiến lược kinh doanh đảm bảo hài hòa giữa ba yếu tố lợi nhuận, rủi ro và quản lý vốn. Hơn thế, việc hoàn thành đầy đủ 3 trụ cột theo Basel II sẽ giúp tăng uy tín của LienVietPostBank và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông, cơ quan quản lý.
“Nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích của ICAAP, Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Ngân hàng đã quyết liệt chỉ đạo và tích cực tham gia vào quá trình triển khai ICAAP để đảm bảo dự án hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ”, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank chia sẻ.
Được biết, LienVietPostBank đã nộp hồ sơ niêm yết và được HOSE chấp thuận nguyên tắc, theo đó, tiến độ niêm yết cổ phiếu LPB có thể sớm hơn so với các ngân hàng khác từ 1 - 2 tháng và đảm bảo mục tiêu hoàn tất niêm yết trong năm 2020.
Niêm yết cổ phiếu trên HOSE không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của LienVietPostBank mà còn hướng đến mục tiêu cao hơn đó là nâng tầm hoạt động quan hệ nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tăng cường giao tiếp hai chiều giữa nhà đầu tư và Ngân hàng, đưa cổ phiếu LPB trở thành thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho các mục tiêu tăng trưởng trong tương lai. Đồng thời, đưa cổ phiếu LPB vào danh mục đầu tư của các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán.
Kết thúc tháng 8/2020, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt gần 214.000 tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt gần 175.000 tỷ đồng và cho vay thị trường 1 đạt gần 160.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong 8 tháng đầu năm của Ngân hàng đạt gần 1.500 tỷ đồng, tương đương 88% kế hoạch cả năm.
Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của LienVietPostBank đạt 541 điểm, trở thành ngân hàng cổ phần có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng sẽ mở mới thêm 15 phòng giao dịch đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nâng tổng số điểm giao dịch lên con số 556, hoàn thành việc phủ sóng tới tất cả các huyện tại 63/63 tỉnh, thành thành trên cả nước.
Quý I/2020, LienVietPostBank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 8.881 tỷ đồng lên 9.767 tỷ đồng. Trong quý II/2020, Ngân hàng tất toán trước hạn toàn bộ dư nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), giúp cải thiện chất lượng tài sản, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.