Liệu các nước châu Á có thay thế được làn sóng Hallyu của Hàn Quốc?

Hơn hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi văn hóa đại chúng Hàn Quốc được mở rộng ra khỏi biên giới châu Á để trở thành làn sóng quốc tế. Liệu công thức thành công từ làn sóng Hallyu của Hàn Quốc có được áp dụng ở các nước châu Á đang phát triển khác không?

Dàn sao Trái tim mùa Thu. Ảnh: Wiki

Dàn sao Trái tim mùa Thu. Ảnh: Wiki

Từ khi ra mắt nhưng siêu phẩm truyền hình như “Trái tim mùa Thu”, “Bản tình ca mùa Đông” hay “Giầy thủy tinh” vào đầu những năm 2000, Hàn Quốc đã tạo ra một làn sóng văn hóa mạnh mẽ đến toàn thế giới.

Từ việc yêu mến một diễn viên trong một bộ phim, người hâm mộ dần quan tâm đến văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử và ẩm thực của xứ sở kim chi. Văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã mở rộng ra khỏi biên giới châu Á để trở thành một hiện tượng toàn cầu, được thúc đẩy bởi sự ra đời của truyền thông xã hội, điện thoại thông minh và mạng xã hội. Liệu công thức thành công từ làn sóng Hallyu của Hàn Quốc có làn ra các nước châu Á đang phát triển khác không?

Theo số liệu chính thức công bố năm 2023, hoạt động xuất khẩu nội dung văn hóa của Hàn Quốc – được định nghĩa là bất kỳ thứ gì từ âm nhạc đến kịch, phim, trò chơi, hoạt hình và webtoon – đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 12,4 tỷ USD vào năm 2021.

Con số này chiếm 1,92% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 644,5 tỷ USD của Hàn Quốc. Con số này cao hơn so với thiết bị gia dụng ở mức 8,7 tỷ USD và pin sạc cũng ở mức 8,7 tỷ USD.

Các nhà quan sát cho rằng làm việc chăm chỉ, đầu tư khôn ngoan, tiếp thị hiệu quả và đổi mới không ngừng nghỉ của cả ngành và chính phủ là những yếu tố giúp cho làn sóng văn hóa Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ

Làm thế nào mà văn hóa Hàn Quốc, quốc gia có 51,7 triệu dân, lại trở nên phổ biến đến vậy?

Ông James Kang, Giám đốc điều hành Mode Entertainment của Singapore, công ty quản lý nghệ sĩ và tổ chức các buổi hòa nhạc, đã mô tả làn sóng K là một “câu chuyện thành công về bản sắc”.

“Chiến lược thống trị thế giới của Hàn Quốc là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự chuẩn bị tỉ mỉ, kiên trì, tham vọng và làm việc chăm chỉ,” người phụ trách quảng bá cho ca sĩ hàng đầu Hàn Quốc BoA và các nhóm nhạc pop Big Bang và Shinee, cho biết.

Ông Kang lưu ý rằng làn sóng Hàn Quốc không phải là sự sao chép hay lấy mẫu của văn hóa Mỹ. “K-pop phần lớn vẫn được hát bằng tiếng Hàn, do người Hàn sản xuất với âm hưởng độc đáo, vũ đạo cách điệu mạnh mẽ mà phương Tây chưa từng trải nghiệm”.

Giáo sư Jin Dal-yong của Đại học Simon Fraser ở Canada cho rằng làn sóng Hàn Quốc là nhờ các nhà sản xuất, đạo diễn, nhà văn và nhà soạn nhạc tài năng và tận tâm, sự phát triển kịp thời của cơ sở hạ tầng cần thiết và các chính sách văn hóa hỗ trợ của chính phủ.

Giáo sư Jin, người viết sách về làn sóng Hàn Quốc, nói với The Straits Times rằng ngành công nghiệp giải trí cũng có thể tiếp tục tạo ra các động lực tăng trưởng mới để vượt qua tình trạng trì trệ và suy thoái.

Ông Jin chỉ ra cách K-pop xuất hiện khi phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu trở nên bão hòa. Và webtoon (truyện tranh Hàn Quốc) giờ đây cũng trở thành một cơn sốt mới.

Giáo sư xã hội học Shin Gi-wook của Đại học Stanford, người đã viết sách về Hàn Quốc, cho biết: “Thời điểm phù hợp cũng đóng một vai trò quan trọng".

Poster bộ phim "Squid game". Ảnh: Alamy

Poster bộ phim "Squid game". Ảnh: Alamy

Ông nhấn mạnh rằng phim truyền hình Hàn Quốc bắt đầu nở rộ trên nền tảng phát trực tuyến Netflix ngay trước đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Khi khán giả trên khắp thế giới bị mắc kẹt ở nhà và tìm kiếm các lựa chọn giải trí, họ đã phát hiện ra Squid Game, một bộ phim độc đáo- câu chuyện về một nhóm người tuyệt vọng tham gia thử thách sinh tồn bí ẩn để giành được hàng tỷ won.

Bộ phim do đạo diễn phim Hwang Dong-hyuk thực hiện và phát hành vào tháng 9/2021 và kể từ đó đã trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix với 2,2 tỷ giờ tính đến tháng 7/2023. Tác phẩm này đã làm nên lịch sử khi trở thành bộ phim truyền hình nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành chiến thắng giải thưởng cao nhất tại American Emmy Awards năm 2022. Hwang giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim truyền hình dài tập và nam diễn viên Lee Jung-jae giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim truyền hình dài tập.

Giáo sư Shin cho biết: “Các công ty giải trí và chính phủ Hàn Quốc từ lâu đã nhắm đến khán giả toàn cầu bằng kế hoạch và quản lý phức tạp, nhưng họ cũng được hưởng lợi từ thời điểm may mắn”.

HIỆU ỨNG NETFLIX

Netflix ngập tràn những bộ phim Hàn. Ảnh: K-drama

Netflix ngập tràn những bộ phim Hàn. Ảnh: K-drama

Netflix, gã khổng lồ phát trực tuyến của Mỹ, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng phạm vi toàn cầu của phim truyền hình Hàn Quốc, hiện được chiếu ở 190 quốc gia.

Giáo sư Jin cho biết: “Bằng cách sản xuất, phân phối và cung cấp công cụ để tiêu thụ nội dung văn hóa Hàn Quốc, Netflix đã nhanh chóng trở thành một phần của làn sóng Hàn Quốc”.

Vào tháng 5, Netflix tuyên bố sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD để sản xuất nội dung gốc của Hàn Quốc trong 4 năm tới. Con số này cao hơn gấp đôi số tiền họ bỏ ra khi bắt đầu phát trực tuyến trong nước vào năm 2016.

Những tựa phim lãng mạn như Crash Landing On You (2019) và Hometown Cha-Cha-Cha (2021) đã thúc đẩy tình yêu dành cho phim Hàn và “tình cảm này không có dấu hiệu phai nhạt”, người phát ngôn của Netflix nói với The Straits Times, đồng thời cho biết lượng người xem toàn cầu cho những tựa phim như vậy trên Netflix đã tăng gấp ba lần từ năm 2018 đến năm 2022.

“Cách kể chuyện hấp dẫn và sáng tạo của Hàn Quốc, ví dụ như phim bộ phim báo thù The Glory, đang bắt đầu trở nên phổ biến và webtoon sẽ tiếp tục đóng vai trò là nguồn nguyên liệu sáng tạo tuyệt vời cho phim truyền hình Hàn Quốc, với cốt truyện độc đáo và các khái niệm đã được chứng minh”, đại diện của Netflix nói.

Trợ lý giáo sư nghiên cứu Hàn Quốc Areum Jeong của Đại học bang Arizona cho biết phim truyền hình Hàn Quốc có thể gói gọn các vấn đề văn hóa xã hội theo cách giải trí và mang thông điệp phổ quát gây được tiếng vang với khán giả toàn cầu. “Mặc dù phim truyền hình Hàn có thể đề cập đến những vấn đề cụ thể về văn hóa của xã hội Hàn Quốc, nhưng thông điệp phổ quát có thể thu hút khán giả quốc tế”, cô Areum chia sẻ.

Ông Kang cho rằng phim truyền hình Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu nếu Netflix tiếp tục đầu tư mạnh vào các chương trình chất lượng cao. Ông mô tả Netflix là “nền tảng hoàn hảo” để phim truyền hình Hàn vươn ra toàn cầu khi chúng được đặt cạnh các chương trình nổi tiếng của Mỹ và điều này thu hút người tiêu dùng phương Tây xem thứ gì đó của châu Á.

KHỞI ĐẦU KHIÊM TỐN

Vậy mọi chuyện đã bắt đầu như thế nào? Quay lại tháng 5/1994, khi báo cáo tổng thống, các cố vấn lần đầu tiên đề xuất rằng chính phủ Hàn Quốc cần phát triển ngành nghe nhìn như một chiến lược quốc gia cho thế kỷ 21.

Báo cáo chỉ ra rằng bộ phim Hollywood Công viên kỷ Jura, bộ phim đã cách mạng hóa việc sử dụng hiệu ứng đặc biệt của máy tính trong phim, đã thành công vang dội trên toàn cầu và tạo ra doanh thu tương đương với khoảng 1,5 triệu chiếc xe ô tô Hyundai.

Báo cáo cho biết: “Một bộ phim được làm tốt có thể có giá trị hơn hai năm xuất khẩu ô tô của Huyndai”, đồng thời lưu ý rằng Huyndai khi đó đã bán được 640.000 ô tô ra nước ngoài mỗi năm.

Báo cáo này đã mở đường cho các đạo luật thúc đẩy đầu tư vào ngành giải trí vốn bị bỏ quên cho đến thời điểm đó. Và từ đó bắt đầu cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn lớn.

Ông Chun Byong-geuk, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trích dẫn việc ban hành các luật nhắm vào các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa vào năm 1999 và thúc đẩy ngành công nghiệp âm nhạc vào năm 2006. Những nỗ lực này nhằm hỗ trợ sự phát triển có hệ thống của ngành và tạo ra một môi trường bảo vệ quyền của người sáng tạo và nhà sản xuất.

Ông cho biết cũng có các chính sách nhằm tài trợ cho các nỗ lực mở rộng ra nước ngoài cho nội dung văn hóa Hàn và cho phép phân phối nội dung này trên toàn thế giới.

Năm 1997, What Is Love trở thành bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Bộ phim hài về hai gia đình xung đột khi họ trở thành vợ chồng đã được phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

Trong vòng hai năm, nhu cầu ngày càng tăng đối với nội dung do Hàn Quốc sản xuất đã khiến giới truyền thông Trung Quốc đặt ra thuật ngữ “hallyu”, có nghĩa là Làn sóng Hàn Quốc.

Làn sóng này tấn công Singapore vào năm 2001 với phim truyền hình Hàn trở thành xu hướng chủ đạo trên kênh Channel U mới ra mắt.

K-pop là làn sóng tiếp theo, với những ca sĩ, nhóm nhạc tiên phong như BoA, Shinee, 2PM và Wonder Girls thực hiện các chuyến lưu diễn ở châu Á từ khoảng năm 2008.

Thế giới bắt đầu chú ý sau khi bản hit Gangnam Style của ca sĩ kiêm rapper Psy và điệu nhảy ngựa của nó lan truyền trên YouTube vào năm 2012, tiếp theo là thành tích lịch sử của nhóm nhạc pop BTS khi trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đạt No.1 trên YouTube và bảng xếp hạng Billboard Hot 100 năm 2018.

Điệu nhảy ngựa "huyền thoại" của SPY. Ảnh: Daily Motion

Điệu nhảy ngựa "huyền thoại" của SPY. Ảnh: Daily Motion

FAN CỨNG

Những fan hâm mộ của các nhóm nhạc Hàn Quốc. Ảnh: BBC

Những fan hâm mộ của các nhóm nhạc Hàn Quốc. Ảnh: BBC

Tạo sức mạnh cho làn sóng Hallyu là những người hâm mộ cuồng nhiệt và chi rất nhiều tiền.

Cô Puti Desianti, 40 tuổi, đến từ Indonesia, ước tính rằng cô đã chi ít nhất 30.000 USD cho niềm đam mê K-pop của mình trong 14 năm qua, bao gồm cả việc bay tới Singapore để xem buổi hòa nhạc của các nhóm như 2PM và Super Junior, mua album và mua quà cho thần tượng của mình.

Cô nói: “Những nền tảng truyền thông xã hội này cũng có thể giúp tạo ra ảo giác về sự thân mật và gần gũi. Những cảm xúc như vậy có thể giúp người hâm mộ gắn bó với thần tượng và khuyến khích người hâm mộ tham gia nhiệt tình hơn vào các hoạt động của fandom”.

Nhiều nghệ sĩ K-pop đã thành thạo nghệ thuật thu hút người hâm mộ ngay từ đầu, và sử dụng mạng xã hội để xây dựng mối quan hệ lâu dài với người hâm mộ.

Giao diện ứng dụng Bubble. Ảnh: Bubble

Giao diện ứng dụng Bubble. Ảnh: Bubble

Cô Ho, một fan của nhóm nhạc pop Winner, đã vào ứng dụng trả phí Bubble, cho phép thần tượng trò chuyện với người hâm mộ và thực hiện mong muốn của họ. Mặc dù việc này được thực hiện thông qua trò chuyện nhóm nhưng nó trông giống như một cuộc trò chuyện riêng tư.

“Bạn thấy nam diễn viên Lee Dong Wook gửi cho bạn một tin nhắn như ‘Bạn đã ăn gì chưa?’. Bạn tìm được món đồ thú vị ở đâu thế? Người nổi tiếng tại Hàn Quốc thực sự biết cách liên tục đổi mới để tìm ra những điều mới mẻ nhằm giữ chân người hâm mộ của mình”, cô nói.

Giáo sư Jeong cho biết người hâm mộ trên Bubble biết rằng đây là cuộc trò chuyện nhóm, mặc dù giao diện của ứng dụng tạo ảo giác về cuộc trò chuyện một đối một nhưng nó vẫn khiến họ vui vì nó “cho thấy thần tượng quan tâm đến người hâm mộ của mình”.

Có một mặt tối cho tất cả điều này. Mặc dù việc tương tác tích cực trên mạng xã hội có thể giúp “tăng cường sự gắn bó và lòng trung thành của người hâm mộ” với thần tượng nhưng nó có thể phản tác dụng nếu người hâm mộ quá nhiệt tình và trở nên vô lý hoặc thậm chí thù địch.

Giáo sư Jeong cho biết: “Một số người hâm mộ sẽ bắt nạt thần tượng trên mạng để bày tỏ sự không hài lòng, chẳng hạn như nếu nghệ sĩ đó trông luộm thuộm hoặc có màn trình diễn không đạt yêu cầu. Nhưng khi được thực hành một cách lành mạnh, các mối quan hệ cận xã hội có thể giúp người hâm mộ không chỉ chuyển đổi cá nhân mà còn thay đổi xã hội”.

HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHÚ

Những đại diện của làn sóng Hàn. Ảnh: The Warrior online

Những đại diện của làn sóng Hàn. Ảnh: The Warrior online

Làn sóng Hallyu ngày nay đã vượt ra ngoài lĩnh vực giải trí để tiến vào các lĩnh vực như mỹ phẩm và thực phẩm. Doanh số bán kim chi do Hàn Quốc sản xuất ra nước ngoài đạt mức cao kỷ lục 159,9 triệu USD vào năm 2021, trong khi xuất khẩu ramen (mì ăn liền) đạt mức cao mới 446,2 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2023.

Với lượng khách du lịch quay trở lại sau đại dịch, chính phủ Hàn Quốc tiếp tục quảng bá các địa điểm quay phim là điểm thu hút khách du lịch đồng thời cố gắng tìm kiếm thị trường mới cho văn hóa phẩm Hàn Quốc.

Thứ trưởng Chun tiết lộ rằng chính phủ đã phân bổ 1,17 nghìn tỷ won vào năm 2023 để nuôi dưỡng ngành công nghiệp văn hóa Hàn. Con số này cao hơn gấp đôi ngân sách năm 2013. Ngân sách bao gồm 123,5 tỷ won cho phát sóng và video, 72,9 tỷ won cho phim và 30 tỷ won cho các hoạt động hậu kỳ như lồng tiếng, hiệu ứng hình ảnh và dịch thuật.

Bộ Văn hóa Hàn Quốc cũng điều hành K-Culture Expo, một chương trình giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường cho nội dung K và đa dạng hóa xuất khẩu. Sự kiện này được tổ chức tại London vào tháng 7 và giới chức Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch quảng bá tại Hoa Kỳ, Mexico, Bỉ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11/2023 một K-expo riêng nhằm thu hút sự quan tâm ngày càng tăng đối với thực phẩm và hàng tiêu dùng Hàn Quốc, trong khi Mexico đang chuẩn bị cho Mokkoji Korea, một sự kiện văn hóa và phong cách sống, vào tháng 10, sau khi diễn ra thành công ở Uzbekistan và Malaysia vào năm 2022.

Ông Chun cho biết: “Nhiều người tiêu dùng trên toàn thế giới yêu thích văn hóa Hàn bị thu hút bởi những câu chuyện hấp dẫn, tính thẩm mỹ, hình ảnh và sự kết hợp của các công nghệ tiên tiến. Trong tương lai, chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa danh tiếng và sự nổi bật của huyền thoại Hàn thông qua các chính sách tinh tế hơn”.

LÀN SÓNG TỪ THÁI LAN VÀ TRUNG QUỐC

Trong khi phần còn lại của thế giới đang tham gia vào K-drama và K-pop, thì một số người ở châu Á lại cảm thấy mệt mỏi sau hai thập kỷ và đang tìm kiếm những giải trí mới mẻ ở nơi khác.

Với Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) đang yếu dần trong lĩnh vực văn hóa đại chúng và không tạo được nhiều đột phá ngoại trừ những bộ phim ăn khách không thường xuyên. Hai thị trường mới nổi đáng chú ý hiện tại là: Thái Lan và Trung Quốc.

Cả hai nước đều được biết đến với những nhà sản xuất âm nhạc, thần tượng và phim truyền hình chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu hướng Hàn Quốc nhưng vẫn mang đến điều gì đó độc đáo cho nền văn hóa của họ.

Phim truyền hình tiên hiệp của Trung Quốc, dựa trên thần thoại Trung Quốc về sự cùng tồn tại của sáu cõi – bao gồm cả ma quỷ, thần thánh và con người – đã càn quét khắp Đông Nam Á và chinh phục những người hâm mộ bỏ lỡ những ngày xưa tươi đẹp của phim truyền hình TVB Hồng Kông.

Bộ tiên hiệp "Tam sinh tam thế" gây cơn sốt một thời. Ảnh: Yan

Bộ tiên hiệp "Tam sinh tam thế" gây cơn sốt một thời. Ảnh: Yan

Những bộ phim tình cảm lãng mạn của Trung Quốc như Hidden Love mới kết thúc gần đây cũng đang nhận được sự chú ý và thu hút người hâm mộ đến các địa điểm quay phim trên khắp cả nước.

Cô Caitrin Moh, 49 tuổi, một nhà tổ chức sự kiện Hàn Quốc, hiện đang say mê các chương trình tạp kỹ do Trung Quốc tổ chức sau nhiều năm xem các bộ phim Hàn.

Cô nhận thấy các chương trình giải trí Trung Quốc là “một luồng gió mới” và khen ngợi giá trị sản xuất, diễn viên, trang phục, trang điểm và khung cảnh hấp dẫn. Cô cũng bị cuốn hút bởi cách các chương trình tìm kiếm tài năng thực tế của Trung Quốc giới thiệu.

Cô nói: “Nội dung của họ rất phong phú và đa dạng, và họ cố gắng quảng bá văn hóa Trung Quốc mà không cần cố gắng quá nhiều”.

Các sản phẩm Netflix gốc của Thái Lan – chẳng hạn như phim kinh dị Hunger và Girl From Nowhere, đều có cách kể chuyện hấp dẫn và hình ảnh tuyệt đẹp của đạo diễn Sitisiri Mongkolsiri – cũng đã thu hút được người hâm mộ.

Ca sĩ Jeff Satur. Ảnh: VOI

Ca sĩ Jeff Satur. Ảnh: VOI

Các thần tượng nhạc pop Thái Lan đang thực hiện các chuyến lưu diễn nước ngoài, trong đó nam diễn viên kiêm ca sĩ Jeff Satur biểu diễn một buổi hòa nhạc cháy vé ở Singapore vào tháng 2 và với mức giá 498 USD cho một chiếc vé, ngang bằng với các nghệ sĩ K-pop. Mode Entertainment đã tổ chức buổi hòa nhạc và ông Kang cho biết ông đang cố gắng đi tiên phong trong xu hướng nhạc pop Thái Lan.

Bà Desianti, đại diện Mode Entertainment, cho rằng Làn sóng Thái có thể là làn sóng lớn tiếp theo ở châu Á, đặc biệt là vì các thần tượng Thái Lan rất quan tâm đến người hâm mộ của họ. Bà nói: “Văn hóa lịch sự, tử tế và luôn mỉm cười của người Thái khiến người hâm mộ cảm thấy gần gũi hơn với họ”.

Giáo sư Shin của Đại học Stanford nói rằng để nền văn hóa đại chúng của một quốc gia trở nên nổi bật, quốc gia đó cần phải tìm được chỗ đứng riêng chứ không chỉ đơn giản là cố gắng bắt chước những gì Hàn Quốc đã làm.

Giáo sư Jeong của Đại học Bang Arizona cho biết chìa khóa thành công là “có sự tự do và môi trường để tạo ra nội dung”, trong khi Giáo sư Jin của Đại học Simon Fraser nhấn mạnh những nỗ lực phối hợp từ khu vực công và tư nhân để “phát triển một số hình thức văn hóa và hội tụ các công nghệ kỹ thuật số và phổ biến văn hóa” để tạo nên làn sóng Hàn Quốc thứ hai”.

Trong khi Làn sóng Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và chất lượng sản xuất của Trung Quốc đang được cải thiện theo cấp số nhân cũng như nhận được sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ, ông Kang cho biết vẫn có những giới hạn về mức độ phát triển của làn sóng này. “

Về Làn sóng Thái tiềm năng, ông Kang cho biết văn hóa Thái Lan đã xâm nhập mạnh mẽ vào toàn cầu với thương hiệu giải trí riêng nặng về tính linh hoạt về giới tính. “Tuy nhiên, việc kiểm duyệt ở nhiều nước vì lý do tôn giáo có thể cản trở sự phát triển của nó. Người Thái sẽ phải tìm cách sử dụng sức hút hiện tại của mình để mở rộng hơn nữa ảnh hưởng văn hóa của họ”.

VƯỢT TRỘI HƠN MỸ?

Nếu công thức Hallyu thực sự có thể được nhân rộng thì sẽ có thêm nhiều nền văn hóa châu Á có thể tỏa sáng trên trường quốc tế. Nhưng liệu một thế giới bị ảnh hưởng của phương Tây thống trị có sẵn sàng đón nhận một châu Á mạnh mẽ về văn hóa đang mở rộng quyền lực mềm của mình khi nước này cũng trỗi dậy về mặt kinh tế?

Giáo sư Shin lưu ý rằng khán giả toàn cầu dường như ngày càng dễ tiếp thu các nền văn hóa đại chúng khác nhau và sự trỗi dậy của K-pop đóng vai trò thúc đẩy hơn nữa sự chấp nhận này. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ rất khó để văn hóa đại chúng châu Á có thể thống trị văn hóa đại chúng phương Tây, ít nhất là ở phương Tây.

Ông Jin cũng cho rằng văn hóa đại chúng phương Tây sẽ tiếp tục thống trị thế giới. Mặc dù vậy, theo ông thì “làn sóng Hàn Quốc đã làm thay đổi mạnh mẽ dòng chảy nội dung văn hóa, không chỉ từ Tây sang Đông mà còn từ Đông sang Tây. Điều đó không có nghĩa rằng nó đã xóa bỏ hoàn toàn hiện trạng, mà chỉ chứng tỏ tiềm năng”.

"Tuy nhiên nếu Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể hợp tác cùng nhau trong các sản phẩm chung, điều đó có thể củng cố vai trò của Đông Á trên thị trường văn hóa toàn cầu", giáo sư Jin kết luận.

Nhật Linh/Báo Tin tức (theo Straits Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/lieu-cac-nuoc-chau-a-co-thay-the-duoc-lan-song-hallyu-cua-han-quoc-20231016152133164.htm