Liệu châu Âu có đối mặt với khủng hoảng khí đốt?
Với việc thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine đã chấm dứt, liệu 'lục địa già' có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng mới hay không?
Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn nhận được một lượng nhỏ khí đốt xuất khẩu của Nga, nhưng liệu một cuộc khủng hoảng mới có xảy ra ở lục địa này vào cuối năm nay hay không? Điều gì đang đe dọa đến an ninh năng lượng châu Âu và những quốc gia nào sẽ gặp rủi ro?
Dòng chảy khí đốt từ Nga vẫn được duy trì
Theo trang money.it, nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua Ukraine hiện tương đối nhỏ. Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt qua tuyến đường này vào năm 2023, tương đương 8% lượng khí đốt vận chuyển vào thời kỳ cao điểm từ Nga sang châu Âu trong năm 2018-2019.
Cụ thể, đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod thời Liên Xô cũ vận chuyển nhiên liệu từ Siberia qua thành phố Sudzha ở vùng Kursk của Nga, sau đó chảy vào Ukraine và đến Slovakia. Tại đây, đường ống chia thành các nhánh dẫn đến Cộng hòa Czech (Séc) và Áo. Áo là quốc gia vẫn nhận phần lớn khí đốt qua Ukraine, trong khi Nga chiếm khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Hungary.
Hầu hết các tuyến đường ống dẫn khí đốt khác của Nga đến châu Âu đều bị đóng cửa, bao gồm tuyến Yamal-châu Âu qua Belarus và Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic. Các tuyến đường ống khác còn hoạt động, dẫn khí đốt từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ là Dòng chảy Xanh và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Cần lưu ý rằng, trên thực tế, việc khí đốt qua đường ống Yamal-châu Âu và Dòng chảy phương Bắc hiện đã biến mất, trong khi các tuyến qua Ukraine và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hoạt động nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vẫn hoạt động.
Hiện tại, các nước thành viên EU phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Ukraine đều mua được khí đốt của Nga với mức giá thấp nhất có thể mà không phụ thuộc vào trung gian bán lại với giá cao hơn. Loại bỏ hoàn toàn tuyến đường vận chuyển này có nghĩa là họ phải ký hợp đồng mới, lên kế hoạch cho các tuyến đường mới, cho cả LNG ngoài khơi và những đường ống từ các quốc gia khác để thay thế nguồn cung bị mất của Nga. Trong cả hai trường hợp, chi phí sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, Ukraine đã từ chối đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga và các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Azerbaijan. Vẫn còn lo ngại về việc liệu Azerbaijan có thể sản xuất đủ khí đốt để thay thế hoàn toàn Nga hay liệu nước này sẽ chỉ đóng vai trò trung gian, đổi tên “khí đốt của Nga” thành “khí đốt của Azerbaijan” trước khi vận chuyển qua đường ống của Ukraine.
Châu Âu có đối mặt với khủng hoảng?
Những thay đổi đáng kể về nguồn cung ở châu Âu
Kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine, hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu đã thay đổi đáng kể. Các nước ven biển đã phát triển khả năng nhập khẩu LNG chủ yếu từ Mỹ khi các hợp đồng mới được ký kết. Đến năm 2023, khí đốt qua đường ống của Nga chỉ chiếm 8% lượng năng lượng nhập khẩu của EU, giảm từ mức hơn 40% vào năm 2021.
Các nhà phân tích của Viện Brookings lưu ý rằng, “trong khi khí đốt tự nhiên được nhập khẩu từ Nga qua đường ống bắt đầu giảm vào mùa hè năm 2021, khối lượng LNG của Nga đến châu Âu cho đến nay vẫn không thay đổi”. Trong khi đó, vai trò của Mỹ đã trở nên quan trọng.
Ngay cả những quốc gia liên quan nhiều nhất đến việc Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine cũng đã tìm kiếm giải pháp thay thế. Slovakia và Áo đã tìm được các nguồn khí đốt khác thông qua những thỏa thuận với các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Hungary có thể hoãn vấn đề này và tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt của Nga thông qua Serbia.
Sự bất ổn về an ninh năng lượng ở châu Âu vẫn chưa hoàn toàn biến mất và cũng không có nguy cơ tăng giá đột ngột. Trên thực tế, một loạt yếu tố cần xem xét nhằm đảm bảo nguồn cung vẫn còn phức tạp và cho thấy châu Âu cần các nước khác để có được lượng khí đốt cần thiết.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lieu-chau-au-co-doi-mat-voi-khung-hoang-khi-dot/351781.html