Liệu Nga và NATO có thể đi đến một 'thỏa thuận hòa bình'?

Nga đã nhiều lần yêu cầu NATO không mở rộng ảnh hưởng quân sự về phía đông. Liệu điều này có thể được chấp thuận?

Trong tháng trước, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công chiến lược nhằm ngăn chặn sự mở rộng của NATO sang phía Đông. Moscow đang cố gắng hoàn thành những gì họ đã bắt đầu vào năm 2014 ở Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TQ

Bài liên quan

Hơn 10.000 binh sĩ Nga rút về căn cứ sau cuộc tập trận gần Ukraine

Lãnh sự quán Nga ở Ukraine bị tấn công bom xăng

Hình ảnh vệ tinh Mỹ ‘tố’ Nga đang tăng cường lực lượng gần Ukraine

Lính đánh thuê Nga triển khai tới miền đông Ukraine

Chiến dịch bắt đầu vào ngày 18/11, khi Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp của các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và kêu gọi “những đảm bảo lâu dài nghiêm túc nhằm đảm bảo an ninh của Nga”.

Vào ngày 1/12, ông Putin đã nói cụ thể hơn.

“Trong khi tham gia đối thoại với Mỹ và các đồng minh, chúng tôi sẽ kiên quyết xây dựng các thỏa thuận cụ thể nhằm loại trừ bất kỳ sự mở rộng nào về phía đông của NATO và việc triển khai các hệ thống vũ khí gây ra mối đe dọa cho chúng tôi ở gần lãnh thổ của Nga. Chúng tôi đề nghị nên bắt đầu các cuộc nói chuyện thực chất về chủ đề này. Tôi đặc biệt muốn lưu ý rằng chúng tôi cần những đảm bảo chính xác về mặt pháp lý, bởi vì các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi đã không thực hiện đúng cam kết bằng lời nói mà họ đã đưa ra trước đó", ông nói.

Có vẻ như Moscow đã bắt đầu xem xét lại “sự kiên nhẫn chiến lược” của mình trong quan hệ với phương Tây và Ukraine sau khi NATO quyết định trao cho Ukraine quy chế Đối tác Cơ hội Nâng cao vào tháng 6/2020. Kiev đã có cuộc nói chuyện về việc đạt được vị thế Quốc gia lớn không thuộc NATO. Việc trở thành đồng minh sẽ loại bỏ hầu như tất cả các hạn chế trong hợp tác quân sự với Mỹ.

Điều này, kết hợp với các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, sự thiếu tiến bộ trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine và việc đóng băng các công cụ của Nga để gây ảnh hưởng chính trị Ukraine, được coi là dấu hiệu đáng báo động về việc Ukraine tiến vào quỹ đạo an ninh phương Tây.

Ngay cả khi các thỏa thuận Minsk được thực hiện theo cách mà Moscow muốn, điều đó vẫn không giúp Nga đạt được các mục tiêu chiến lược là giữ Ukraine trong quỹ đạo ảnh hưởng của riêng mình.

Việc tái hợp nhất khu vực ly khai thân Nga Donbass vào hệ thống chính trị của Ukraine sẽ không mang lại cho Nga quyền phủ quyết đối với chính sách đối ngoại hoặc quốc phòng của Ukraine. Kiev sẽ vẫn có thể loại bỏ các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng, giống như Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã làm với nhà tài phiệt thân Nga Viktor Medvedchuk, đảng chính trị của ông và các kênh truyền hình.

Việc thực hiện các thỏa thuận Minsk có thể gây bất ổn cho Ukraine trong ngắn hạn, nhưng Kiev sẽ thích ứng nhanh chóng và khi đó, lộ trình của NATO vào Ukraine sẽ rộng mở. Sự cố chấp của Moscow đối với các thỏa thuận Minsk đã ngăn cản nước này giải quyết các vấn đề khác trong mối quan hệ với Ukraine và khiến mối quan hệ của Nga với phương Tây lâm vào bế tắc.

Giờ đây, Moscow đang tìm cách thoát khỏi bế tắc bằng cách cố gắng đạt được một thỏa thuận trực tiếp với phương Tây rằng NATO sẽ dứt khoát chấm dứt sự bành trướng của mình. Để làm được điều này, Moscow cần tạo ra một đòn bẩy ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo phương Tây khiến họ không thể gạt bỏ những lo ngại về Nga.

Đòn bẩy đó được cung cấp bởi sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga xung quanh Ukraine trong năm nay. Phương Tây tin rằng giới lãnh đạo Nga hiện có khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự hạn chế chống lại Ukraine có thể buộc Kiev phải chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận một lần và mãi mãi để chấm dứt cuộc xung đột âm ỉ ở miền đông đất nước trong gần 8 năm nay.

Moscow đã sử dụng cuộc biểu dương sức mạnh quân sự này để thảo luận trực tiếp với Mỹ trong chương trình nghị sự của mình. Cùng với lời hứa rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO, Nga cũng muốn đảm bảo rằng sẽ không có cơ sở hạ tầng hoặc cơ sở quân sự nào của NATO xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine, ngay cả khi nước này không chính thức gia nhập liên minh.

Moscow đã công khai các yêu cầu của mình và nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán nên bắt đầu càng sớm càng tốt.

Thật khó để tưởng tượng các đối tác của liên minh đồng ý với bất kỳ điều gì như vậy, đặc biệt là trong một hình thức ràng buộc pháp lý, điều mà ở Mỹ cần phải được Thượng viện phê chuẩn. Trong mọi trường hợp, các yêu cầu của Moscow và thông báo công khai của họ đã khiến phương Tây nghi ngờ rằng chúng chỉ đơn giản là một hoạt động che đậy cho một quyết định mang tính quân sự trong thời gian tới.

Moscow cũng không đề xuất bất kỳ nhượng bộ nào của mình để đổi lấy những hạn chế về quân sự và chính trị mà họ muốn áp đặt đối với các nước NATO và Ukraine, ngoài việc lặp lại sáng kiến cũ về việc tạm hoãn triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu.

Tuy nhiên, có thể giả định rằng mối đe dọa quân sự ở biên giới Ukraine sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận trong NATO về việc ngừng mở rộng khối này, đặc biệt nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đích thân đưa ra vấn đề này. Tại Hoa Kỳ, khả năng này đã được thảo luận ở cấp độ các chuyên gia. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đưa ra quyết định như vậy theo cách phù hợp với cả hai bên và không yêu cầu sửa đổi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Vậy có một định dạng thực tế nào cho một chủ trương chính trị không mở rộng NATO đến biên giới của Nga không?

Có hai lựa chọn khả thi. Đầu tiên là đưa một điểm tương ứng vào tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022 tại Madrid nêu rõ rằng liên minh sẽ không mở rộng thêm về phía đông và tuyên bố chính trị này hủy bỏ tất cả các tuyên bố trước đó. Điều đó sẽ cho phép NATO từ chối tuyên bố từ hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, nơi hứa hẹn rằng Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên của NATO, trong khi vẫn duy trì chính sách mở cửa được nêu trong hiệp ước thành lập của khối. Bản thân Nga cũng đã đề xuất theo hướng này.

Lựa chọn thứ hai là một điểm tương tự trong khái niệm chiến lược mới của NATO, dự kiến sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh Madrid hoặc kết hợp cả hai định dạng này. Điều này sẽ không cung cấp các đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý: khái niệm chiến lược của NATO và các tuyên bố về hội nghị thượng đỉnh của khối là các tài liệu chính trị và có thể được xem xét lại. Nhưng tuyên bố như vậy ở cấp cao nhất sẽ cho phép Nga tự tin một cách hợp lý rằng sự mở rộng của khối sẽ dừng lại.

Cam kết chính trị được NATO đưa ra với ông Mikhail Gorbachev vào năm 1990 rằng họ sẽ không mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của mình trên lãnh thổ của Đông Đức cũ chưa bao giờ bị phá vỡ. Điều đó tốt hơn là một lời hứa không chấp nhận Ukraine gia nhập NATO trong 10 năm nữa.

Nếu ngoại giao là nghệ thuật của những điều có thể xảy ra, và chúng ta cần chờ xem các nghệ sĩ sẽ hành động ra sao.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lieu-nga-va-nato-co-the-di-den-mot-thoa-thuan-hoa-binh-post174305.html