Liều thuốc giảm đau

Các quốc gia nghèo nhất và các nước đang phát triển đang hứng chịu 'cú sốc kinh tế' và tình trạng y tế khẩn cấp chưa từng có, cần sự trợ giúp để tránh nguy cơ sụp đổ của cả hệ thống y tế lẫn nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), cùng nhiều nước đã đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp, như 'liều thuốc giảm đau' giúp các nước nghèo bị tổn thương do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Khoảng 25 quốc gia nghèo nhất thế giới, theo xếp hạng của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc WB, là những nước dễ tổn thương nhất, khi phải chống chọi đại dịch trong điều kiện hết sức khó khăn. Theo nhận định của Chủ tịch WB D.Malpass, nhiều nước hiện rơi vào tình trạng nợ nần và khó khăn chồng chất, không đủ sức đối phó trên cả phương diện kinh tế lẫn y tế. Hàng trăm triệu người sống trong tình trạng thiếu nước sạch, trong khi mật độ dân cư đông đúc ở các đô thị gây khó khăn cho việc thực hiện giãn cách xã hội, tạo thách thức lớn đối với các nước nghèo. Sự đứt quãng hoặc sụp đổ hoàn toàn của các hệ thống chăm sóc y tế ở các nước này đã được các nhà khoa học cảnh báo. Nhiều nước trong số đó nằm ở phía nam sa mạc Sahara của châu Phi. Dịch bệnh có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tại châu Phi, với sản lượng lương thực được dự báo giảm 2,6%, thậm chí có thể tới 7%, do giao thương bị phong tỏa.

Ðại dịch đang thử thách giới hạn chịu đựng của các xã hội và các nền kinh tếtrên khắp thế giới, nhất là các nước nghèo. Trước nguy cơ sụp đổ về kinh tế và y tế, WB và IMF, cùng các thể chế tài chính khu vực đang đẩy nhanh cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các nước nghèo. Các thể chế cũng kêu gọi Trung Quốc, Mỹ và các chủ nợ tạm thời giãn nợ cho các quốc gia nghèo nhất, trong đó có hoãn ngay lập tức việc thanh toán nợ của 69 quốc gia nghèo đến hết năm 2020. Chiến dịch trợ giúp này cần được thực thi không kèm các điều kiện về chính sách kinh tế, nhất là biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

IMF hiện cấp 50 tỷ USD trích từ các quỹ tài chính khẩn cấp và WB cũng phê duyệt gói tài chính ứng phó Covid-19, trị giá 14 tỷ USD, giúp các nước nghèo ở châu Phi. IMF còn lên kế hoạch hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 25 nước nghèo nhất và dễ tổn thương nhất thế giới. Các khoản tiền này gồm một phần thanh toán nợ cho IMF trong sáu tháng, phần còn lại dành cho cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế. Quỹ hỗ trợ và ứng phó thiên tai (ARC Trust Fund) cho biết, hiện Quỹ chuẩn bị sẵn khoảng 500 triệu USD, trong đó có 185 triệu USD mà Vương quốc Anh cam kết tài trợ và 100 triệu USD do Nhật Bản cung cấp. IMF thông báo, Trung Quốc và Hà Lan cũng cam kết đóng góp một khoản đáng kể.

Trong bối cảnh đại dịch hiện nay có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng những thành tựu kinh tế - xã hội và phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đảo ngược tiến trình xóa đói, giảm nghèo và đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng tuyên bố tăng gấp ba lần quy mô gói ứng phó dịch Covid-19, lên 20 tỷ USD, đồng thời thông qua các biện pháp nhằm tạo điều kiện linh hoạt cho việc triển khai các khoản hỗ trợ, giúp các thành viên đang phát triển đối phó tác động từ dịch bệnh. Trong đó, ADB dành 2,5 tỷ USD cho các khoản vay ưu đãi và viện trợ. Trong khi đó, giới chuyên gia Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) khuyến cáo các ngân hàng trung ương ở khu vực Mỹ latinh và Caribe áp dụng thêm những biện pháp "phi truyền thống", để tránh hậu quả của "cú sốc kinh tế lịch sử" do dịch bệnh.

Với các nước nghèo đang phải vật lộn với những khó khăn chồng chất hiện nay, các gói tài chính khẩn cấp có thể là "liều thuốc giảm đau". Song, sự hỗ trợ vẫn chỉ như "muối bỏ bể" trước nhu cầu lớn cả về tài chính lẫn trang thiết bị y tế. Ðể các gói cứu trợ hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các thể chế tài chính, các tổ chức quốc tế và mỗi quốc gia, nhằm huy động, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ một cách hợp lý.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44083502-lieu-thuoc-giam-dau.html