Linh Trường khai thác thế mạnh kinh tế rừng

Xác định rõ thế mạnh là phát triển trồng rừng kinh tế, những năm qua, xã Linh Trường (Gio Linh) luôn quan tâm đến phát triển rừng trồng bằng việc đưa ra nhiều chủ trương, kế hoạch, giải pháp tích cực trong phát triển trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; tích cực vận động người dân khai hoang trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng cây tràm…; phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong việc hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho người đồng bào Vân Kiều.

 Người dân xã Linh Trường chăm sóc rừng trồng - Ảnh: H.A

Người dân xã Linh Trường chăm sóc rừng trồng - Ảnh: H.A

Chủ tịch UBND xã Linh Trường Hồ Văn Hầu cho biết, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các chương trình, dự án và của huyện Gio Linh về xây dựng cơ sở hạ tầng, các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các lớp đào tạo nghề, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn ưu đãi… đã giúp người dân Vân Kiều có nhiều chuyển biến từ nhận thức đến hành động, thay đổi tập quán sản xuất. Về phía chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên xã Linh Trường đã tích cực tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân tập trung phát triển kinh tế vùng gò đồi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, trong đó xác định rõ cây trồng chủ lực để giúp người dân thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ trồng rừng.

Để người dân phát triển kinh tế rừng đạt hiệu quả cao, xã Linh Trường tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm về trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, tổ chức bảo vệ, khai thác đi đôi với trồng rừng mới... cho người dân địa phương. Với những sự trợ lực về mọi mặt đó, người Vân Kiều mạnh dạn đầu tư kinh phí, công sức vào phát triển trồng rừng, hướng đến mục tiêu là làm giàu từ rừng, góp phần làm cho miền Tây Gio Linh ngày càng khởi sắc.

Ông Hồ Văn Loan, Trưởng thôn Khe Me cho biết, trước đây cuộc sống người dân bản Khe Me gặp rất nhiều khó khăn khi chưa xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế rừng, toàn thôn đã tích cực, chủ động khai hoang trồng rừng; tập trung chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng rừng. Đặc biệt, trong khoảng 15 năm trở lại đây, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi rất nhiều, trong đó có nhiều người giàu lên từ rừng. Hiện nay toàn thôn có 60 hộ, 238 nhân khẩu sở hữu 180 ha rừng tràm, bình quân 1 năm khai thác 45 ha rừng tràm, thu về hơn 2 tỉ đồng. Bên cạnh trồng rừng, thôn Khe Me còn phát triển hơn 45 ha cây cao su; 16 ha lúa, cây ăn quả hơn 10 ha; phát triển đàn bò hơn 150 con, đàn lợn 500 con, đàn dê hơn 600 con…; thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 28 triệu đồng/người/năm.

Ông Hồ Biên, một điển hình trong phát triển rừng ở thôn Khe Me cho hay, rừng đã mang lại sự đổi thay cho cuộc sống người dân Vân Kiều nơi đây. Trước đây, khi nói đến chuyện trồng rừng, nhiều người dân không mấy mặn mà vì không biết kỹ thuật, cách bảo vệ, chăm sóc, khai thác, tiêu thụ... Cán bộ địa phương vận động mãi người dân mới bắt đầu trồng tràm. Đến khi rừng cho thu hoạch, có giá trị kinh tế cao hơn các cây trồng khác thì người dân bắt đầu tin tưởng và bắt tay trồng rừng. Với ông Hồ Biên, từ hơn 3 ha rừng tràm ở thôn Khe Me và đi thuê thêm đất ở nhiều nơi khác để trồng rừng; thu mua gỗ rừng, hằng năm, thu nhập bình quân của ông trên 300 triệu đồng; giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Hồ Văn Quyết, thôn Ba De chia sẻ: “Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, gia đình tôi đã đầu tư khai hoang, phát triển rừng trồng và một cây trồng khác. Đến nay, gia đình tôi đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp với 4 ha rừng trồng, 2 ha cao su, 2 ha sắn…, cho thu nhập bình quân hằng năm trên 170 triệu đồng. Cuộc sống gia đình tôi ngày càng khấm khá và có điều kiện thuận lợi để giúp đỡ người dân nghèo trong thôn cùng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt hơn”.

Ông Hồ Văn Hầu cho biết thêm, hiện nay, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn xã có khoảng 16.320 ha, trong đó, đất rừng phòng hộ có diện tích khoảng 11.960 ha, đất rừng sản xuất khoảng 4.360 ha; tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 60%. Với sự quan tâm đầu tư bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, rừng đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng rừng.

Năm 2021, xã Linh Trường đã trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác được gần 800 ha; đồng thời tiếp tục vận động người trồng rừng chuyển đổi qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Ngoài thế mạnh về trồng rừng, xã Linh Trường chú trọng phát triển cây cao su với diện tích 620,23 ha, trong đó, đưa vào khai thác 578 ha và phát triển nhiều loại cây trồng khác; đẩy mạnh phát triển hiệu quả chăn nuôi, từ đó đã nâng cao đời sống người dân, góp phần làm cho bộ mặt xã Linh Trường ngày thêm khởi sắc…

Hoài An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=170350&title=linh-truong-khai-thac-the-manh-kinh-te-rung