Livestream dạy học khi chưa có bằng không ai cấm, hiệu quả thì hồi sau mới rõ

Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, việc livestream dạy học hút lượng người xem cao có đạt chất lượng hay không thì phải đợi một thời gian mới rõ.

Hàng trăm nghìn lượt xem, hàng chục nghìn lượt bình luận trước livestream của nữ sinh trường đại học sư phạm ở Hà Nội dạy Vật lý trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn trước việc nữ sinh này chưa tốt nghiệp (do quên đăng ký một tín chỉ), mà lại xưng “cô” với nhiều người xem, khiến dư luận băn khoăn.

Bên cạnh đó, trong buổi livestream dạy Vật lý của nữ sinh này, người xem nhận định việc dạy kiến thức thì ít, còn “chém gió” và bình luận game thì nhiều, điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi chất lượng giảng dạy như vậy có đạt hay không?

Nhận định về sự việc trên, trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ, hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều kênh chia sẻ kiến thức về học tập như Youtube, Tiktok… nên nhiều học sinh tiếp cận dễ hơn so trong việc học.

Thầy Ngọc cho rằng, việc nữ sinh giảng dạy miễn phí và công khai trên mạng xã hội, đã thu hút được lượng người xem lớn như vậy là thành công bước đầu và có năng khiếu trong việc giảng dạy.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. (Ảnh: CTV)

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. (Ảnh: CTV)

Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả của việc giảng dạy trên thì phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, xem lượng người xem có bị giảm đi hay không. Bởi lẽ thường thì mạng xã hội “hot trend” cái gì đó chỉ được một thời gian.

Về nhận định cho rằng nữ sinh dạy kiến thức thì ít, “chém gió” thì nhiều, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, đây có thể là lộ trình của “cô”, bởi việc livestream sẽ có lượng người xem lớn, hàm lượng kiến thức ít sẽ dễ tiếp cận với nhiều người.

“Để đánh giá được hiệu quả của việc dạy học online của nữ sinh viên này thì cần có một quá trình dài, chỉ qua một, hai buổi livestream thì chưa thật thỏa đáng, bởi biết đâu chỉ một, hai buổi livestream là cách thu hút nhiều học sinh và trong buổi học tiếp theo sẽ giảng dạy với kiến thức nhiều hơn”, thầy Ngọc nhận định.

Thầy Ngọc cũng nhận định do đây là buổi dạy học miễn phí nên khó mà khiếu nại về kiến thức giảng dạy của “cô giáo”.

“Nếu như hoạt động dạy online trên có thu phí mà không đáp ứng được nhu cầu của người học, thì chi phí của người học bỏ ra thì lúc đó mới bàn đến chuyện là khiếu nại, bức xúc… Còn đây là buổi livestream giảng dạy miễn phí, vô thưởng vô phạt”, thầy Ngọc nhận định.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng nhận định, việc nữ sinh xưng hô “cô” dù chưa tốt nghiệp trường Đại học sư phạm, thì cũng là điều bình thường.

“Người Việt Nam có câu là một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, thực tế có nhiều bạn sinh viên đi làm gia sư không phải là sinh viên sư phạm, cũng chưa tốt nghiệp, thì vẫn là thầy là cô của các em đó.

Quan trọng ở đây là sự chấp nhận của người nghe, học sinh cảm thấy điểu đó là thoải mái, chấp nhận được và thực sự có thể học được những điều nhất định từ thầy cô”, thầy Ngọc nói.

“Rất nhiều người học sư phạm ra nhưng lại không có đi dạy học. Nếu như mình mang lại được kiến thức cho người nghe và người nghe cảm thấy thoái mái, và họ xưng cô hay là thầy thì chuyện đó là bình thường”, thầy Ngọc chia sẻ.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng cho rằng, trong buổi livestream công khai của “cô giáo” trên, sẽ có những bình luận khiếm nhã, thì cũng khó tránh khỏi. Bởi vậy, người giảng dạy cần phải tiết chế về mặt “liều lượng” và có những rào cản không được phép vượt qua như là đùa cợt nhả.

Chia sẻ thêm về sự việc trên, thầy giáo Việt Hoàng (dạy môn Vật Lý tại trường chuyên Cấp 3 ở Hà Nội) cho biết, việc "cô giáo" trong clip livestream dạy Vật lý chưa có bằng tốt nghiệp đại học thì về pháp lý không có ai cấm.

"Pháp luật chỉ có quy định là đứng lớp để dạy các trường công lập thì phải có bằng cấp, bây giờ tôi thấy dạy online nhan nhản và không có bằng cấp bao giờ", thầy Hoàng chưa sẻ.

Theo thầy Hoàng, việc giảng dạy online nếu chất lượng không đảm và có vấn đề thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý.

Bên cạnh đó, thầy Hoàng cho hay, với lượng người xem livestream trên lớn nhưng cũng có nhiều người không phải xem để học, mà là họ xem cho vui và giải trí. Lượng xem lớn cũng giúp nhân vật nổi tiếng và đúng là cũng có lợi cho họ về nhiều mặt.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/livestream-day-hoc-khi-chua-co-bang-khong-ai-cam-hieu-qua-thi-hoi-sau-moi-ro-post219830.gd