LLVT Quân khu 9: Chủ động ứng phó hiệu quả với thời tiết cực đoan
Những năm qua, nhiều hoạt động quân sự, quốc phòng của LLVT Quân khu 9 đã bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, nước biển xâm nhập, sạt lở, thiếu nguồn nước ngọt... Trước tình hình đó, LLVT Quân khu 9 đã triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Sớm nhận diện nguy cơ
Rút kinh nghiệm từ đợt hạn hán kéo dài, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền trong mùa khô 2015-2016 và những hiện tượng cực đoan của thời tiết trong mùa khô 2019-2020 vừa qua, hiện nay, các đơn vị thuộc Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đều chủ động tích trữ, sử dụng hợp lý nguồn nước cho sinh hoạt và tăng gia sản xuất. Cùng với đó, các đơn vị còn đầu tư mua sắm trang thiết bị chứa nước, củng cố, xây dựng công trình dự trữ nước ngọt, bảo đảm không bị bất ngờ trước diễn biến khó lường của thời tiết trong mùa khô 2020-2021 đã và đang tới.
Theo dự báo của ngành chức năng và thực tế diễn ra cho thấy: Năm 2020 tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy của sông Mê Công ngay trong mùa nước nổi năm nay về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thấp hơn các năm trước. Nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập vào các tháng mùa khô năm 2020-2021 được dự báo ở mức cao đến nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Về lâu dài, tác động của BĐKH, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH, Đại học Cần Thơ, cảnh báo: Tại ĐBSCL, nước ở tầng nông đã bị khai thác cạn kiệt, nhiều nơi bị ô nhiễm; các tầng nước sâu được khai thác phổ biến để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt nhưng khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt, do đó dễ dẫn đến rủi ro cạn kiệt. Hiện trạng tổng lượng nước ngầm khai thác hơn 2 triệu mét khối/ngày được đánh giá là quá mức, có thể dẫn tới sụt lún ở ĐBSCL.
Bộ tư lệnh Quân khu 9 nhận định: Về lâu dài, tình trạng BĐKH, nước biển dâng sẽ gây nên nhiều tác động tiêu cực, làm cho thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc (trên bờ, trên biển và ven biển) cùng nhiều cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ của quân khu và các địa phương vùng ĐBSCL có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sớm nhận diện những nguy cơ, thách thức, hiện nay, các mặt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của LLVT Quân khu 9 đang được điều chỉnh phù hợp với các hiện tượng cực đoan của thời tiết; các kế hoạch, nội dung huấn luyện của LLVT quân khu cũng được rà soát, bổ sung, bảo đảm cho công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả. Quân khu 9 cũng đã xây dựng kịch bản BĐKH và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho toàn LLVT quân khu.
Chủ động ứng phó
Theo báo cáo của cơ quan chức năng Quân khu 9, đến nay, quân khu đã đầu tư xây dựng gần 30 công trình dự trữ, cung cấp nước cho các đơn vị, địa phương, trong đó có nhiều công trình lớn, nổi bật là hai công trình chứa nước tại xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) và xã đảo Tiên Hải (Hà Tiên, Kiên Giang). Hai công trình này được Quân khu 9 đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019.
Công trình hồ chứa nước tại xã đảo Thổ Châu có diện tích 23.800m2, dung tích 250.000m3, bảo đảm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân trên đảo. Cả đời binh nghiệp gần như gắn bó với các đơn vị đứng chân trên xã đảo, Đại tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 (Quân khu 9), chia sẻ: Việc xây dựng công trình hồ chứa nước thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quân khu 9 đối với các đơn vị và người dân trước những diễn biến bất thường của BĐKH. Có hồ chứa nước này, chính quyền và người dân xã đảo đều cảm thấy an tâm khi hạn hán kéo dài.
Tại xã Tiên Hải (được mệnh danh là quần đảo Hải Tặc), nước ngầm hầu như không có, vì vậy, người dân luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt do không dự trữ đủ nước mưa. “Những năm gần đây, lượng khách du lịch ra đảo ngày càng tăng, tạo thêm áp lực về nguồn nước. Nhờ có hồ chứa nước dung tích 50.000m3 do Quân khu 9 xây dựng, cộng thêm hồ chứa có dung tích tương đương của địa phương, chúng tôi cũng bớt nỗi lo tình trạng thiếu nước. So với xã Thổ Châu, xã Tiên Hải có dân số đông hơn (420 hộ với khoảng 2.000 nhân khẩu), về lâu dài, xã cũng cần thêm nhiều công trình chứa nước khi mùa khô ngày càng khắc nghiệt”, ông Phan Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải nói.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Đức, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 (Quân khu 9), cho biết: Thực hiện chỉ đạo của quân khu về công tác chủ động ứng phó với BĐKH, nhất là tình hình mùa khô kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt, Sư đoàn 4 đã xây dựng nhiều công trình chứa nước và hệ thống lọc nước hợp vệ sinh. Đến nay, nguồn nước của đơn vị khai thác bảo đảm cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ và hỗ trợ người dân khi có tình huống thiếu nước xảy ra trên địa bàn. Cùng với việc bảo đảm nước sinh hoạt, Sư đoàn 4 cũng đã tích trữ lượng nước đầy đủ dưới tán của hơn 2.570ha rừng do đơn vị quản lý, phục vụ tốt cho công tác phòng, chống cháy rừng vào mùa khô.
Không chủ quan trước những hiện tượng cực đoan của thời tiết, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL, Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và bộ CHQS các tỉnh, thành phố trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt để triển khai giải pháp ứng phó cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh; trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập nghiêm trọng thì các cơ quan, đơn vị cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân.