LLVT tỉnh Hà Tĩnh: Huấn luyện kỹ năng thực hành phòng, chống thiên tai

Hà Tĩnh là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, bão lũ. Do vậy, công tác huấn luyện kỹ năng phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho các lực lượng tại chỗ, xung kích đi đầu của LLVT luôn được đặc biệt chú trọng, phù hợp thực tế nhằm đáp ứng hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ.

Tăng cường luyện tập

Tháng 10-2024, chúng tôi có mặt tại khu vực cảng Hộ Độ, thuộc xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh để tham quan một buổi thực hành huấn luyện nội dung “Kỹ thuật lái tàu, xuồng cứu hộ, cứu nạn” do Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Tham gia buổi huấn luyện là các đồng chí nhân viên lái tàu, xuồng cứu hộ, cứu nạn thuộc Trung đội Vận tải, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật và ban CHQS 13 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Nội dung huấn luyện tập trung về lý thuyết cấu tạo, tính năng của các loại tàu, xuồng cứu hộ, cứu nạn; thực hành các kỹ thuật lái tàu, xuồng qua những chướng ngại vật, qua vòng cua hẹp, cắt sóng; kỹ thuật vớt, cấp cứu người bị nạn...

Thực hành bài tập kỹ thuật lái xuồng cao tốc vượt các loại chướng ngại vật.

Thực hành bài tập kỹ thuật lái xuồng cao tốc vượt các loại chướng ngại vật.

Dưới sự điều hành của Trung tá Tống Trần Hùng, Trợ lý cứu hộ, cứu nạn, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, từng cá nhân xoay vòng đổi tập các động tác kỹ thuật lái tàu, xuồng vượt chướng ngại vật, kỹ thuật tiếp cận ứng cứu người, tài sản... được thục luyện sát thực tế. Với kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN, nay lại được “sát hạch” để nâng cao trình độ, kỹ năng, nên các nhân viên đã nắm vững lý thuyết, nhuần nhuyễn các kỹ thuật trong PCTT-TKCN. Trung tá Tống Trần Hùng cho biết: “Huấn luyện PCTT-TKCN là nội dung khó. Vì vậy, chúng tôi kết hợp sưu tầm tài liệu liên quan với vận dụng kinh nghiệm từ thực tiễn để soạn giáo án lên lớp. Thông qua huấn luyện nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng PCTT-TKCN cho các lực lượng cơ động đi đầu, thực sự là lực lượng nòng cốt khi bão lụt xảy ra”.

Được xem là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện PCTT-TKCN cho các cơ quan, đơn vị, nhất là các lực lượng tại chỗ, nòng cốt, lực lượng cơ động đi trước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc vì chương trình huấn luyện PCTT-TKCN theo quy định hiện nay còn có nội dung chưa phù hợp; tài liệu phục vụ huấn luyện chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình thực tế. Để khắc phục hạn chế này, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chú trọng kết hợp giữa huấn luyện lý thuyết với tăng cường luyện tập các phương án xử lý tình huống nhằm nâng cao kỹ năng thực hành của phân đội và từng cá nhân. Theo đó, đối với lực lượng chuyên trách được tập trung huấn luyện về kỹ thuật lái tàu, xuồng, xe thiết giáp trong mọi loại địa hình, thời tiết. Đối với các lực lượng khác, tập trung huấn luyện động tác bơi, kỹ thuật sử dụng các phương tiện có trong biên chế và kỹ năng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn trong mọi điều kiện phức tạp, nguy hiểm.

Sát thực tế, địa hình

Xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn là địa bàn trọng điểm lũ lụt; dân quân cơ động là lực lượng đi đầu trong nhiệm vụ PCTT-TKCN của địa phương. Vì vậy, cùng với việc chuẩn bị đầy đủ vật chất phòng, chống lụt bão, Ban CHQS xã chú trọng huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ, dân quân cơ động nắm và thuần thục kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng xử trí khi có tình huống xảy ra. Đồng chí Phạm Trường, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tân Mỹ Hà cho biết: "Đối với trung đội dân quân cơ động, nội dung huấn luyện tập trung vào bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động di dời nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; kỹ thuật cứu hộ đê, kè, đập; cơ động ứng cứu người bị nạn trong bão lũ... Đối với cá nhân, tập trung huấn luyện kỹ thuật bơi, sử dụng phao và các thiết bị chuyên dụng tiếp cận ứng cứu người, tài sản bị ngập lụt, trôi trên sông và cách sơ cứu ban đầu...".

Cùng với việc tăng cường huấn luyện, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh luôn coi trọng rà soát, bổ sung các lực lượng nòng cốt đi đầu trong PCTT-TKCN. Đối với lực lượng thường trực gồm: Trung đoàn 841, Đại đội 17 Công binh, Đại đội Trinh sát cơ giới, Đại đội 18 Thông tin, 1 đội quân y thuộc Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh và 1 đội tàu gồm 19 chiếc. Cấp huyện, thị xã, thành phố chọn các trung đội dân quân cơ động; cấp xã chọn trung đội dân quân cơ động; mỗi xã, phường chọn từ 1 tổ đến 1 tiểu đội dân quân cơ động xung kích đi đầu, sẵn sàng xử lý, ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Thượng tá Dương Ngọc Tiệp, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh thông tin: “Chúng tôi kết hợp huấn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng với xây dựng bản lĩnh, tâm lý cho bộ đội trước mọi tình huống phức tạp của thiên tai, thảm họa. Vì vậy, đến nay, 100% cán bộ, nhân viên chuyên trách và các lực lượng xung kích cơ động đi đầu thuộc các cơ quan, đơn vị đã biết bơi và sử dụng thành thạo những phương tiện, vật chất có trong biên chế”.

“Chủ động về phương án, thuần thục kỹ năng ứng cứu, cơ động nhanh, xử lý có hiệu quả khi có tình huống xảy ra” được xem là phương châm xuyên suốt trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN của LLVT tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua. Vì vậy, đối với các lực lượng cơ động đi đầu, cùng với việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về biến đổi khí hậu, công tác PCTT-TKCN trong Quân đội, Bộ CHQS tỉnh chú trọng hướng dẫn xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với bão mạnh; đặc điểm các hình thái thiên tai ở từng địa bàn cụ thể và các biện pháp phòng, chống; hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền, vận động di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm... Đặc biệt, các đơn vị tập trung huấn luyện phương pháp cứu hộ đê, kè, hồ đập, sạt lở đất đá; phương pháp cứu vớt và cấp cứu người bị đuối nước; cách lắp ghép bè, mảng bằng vật liệu tại chỗ...

Đại tá Hoàng Anh Tú, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Để nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN, công tác huấn luyện phải được tiến hành tỉ mỉ; nội dung, hình thức phải sát với tình hình thực tế trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều loại địa hình phức tạp. Quá trình huấn luyện phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa trang bị lý thuyết với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn để các lực lượng sẵn sàng xử lý, ứng cứu hiệu quả khi có tình huống xảy ra”.

Bài và ảnh: XUÂN LIỆU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/llvt-tinh-ha-tinh-huan-luyen-ky-nang-thuc-hanh-phong-chong-thien-tai-797511