Lo nhiều 'gánh nặng', doanh nghiệp thủy sản đề xuất không tăng lương tối thiểu

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đơn vị đại diện cho doanh nghiệp thủy sản trong nước - đề nghị không tăng lượng tối thiểu trong năm 2020 và đồng thời giãn thời gian tăng lương tối thiểu 2 đến 3 năm/lần, thay vì hàng năm.

 Doanh nghiệp thủy sản - những đơn vị sử dụng lượng lớn lao động - không muốn tăng lương tối thiểu trong năm 2020 vì cho rằng đang phải chịu áp lực lớn. Ảnh: Trung Chánh

Doanh nghiệp thủy sản - những đơn vị sử dụng lượng lớn lao động - không muốn tăng lương tối thiểu trong năm 2020 vì cho rằng đang phải chịu áp lực lớn. Ảnh: Trung Chánh

Nội dung nêu trên có trong công văn số 68/2019/CV - VASEP được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP ký gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị về việc tăng lương tối thiểu trong các năm tới.

Phúc đáp đề nghị của VCCI về kiến nghị tăng mức lương tối thiểu trong năm 2020, sau khi tập hợp ý kiến từ các doanh nghiệp hội viên, VASEP đề xuất không tăng lương tối thiểu trong năm 2020.

Đồng thời, đơn vị này cũng đề xuất, giãn thời gian tăng lương tối thiểu lên 2 đến 3 năm/lần, thay vì hàng năm như hiện nay. Bởi, mỗi lần tăng lương tối thiểu, bên cạnh việc tăng chi phí, các doanh nghiệp còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động, gây tốn kém nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Được biết, Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới đây cũng đã có phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5% so với năm 2019.

Theo đó, với mức tăng như nêu ở trên, năm 2020 lương tối thiểu vùng 1 tăng từ 4,18 lên 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 tăng từ 3,71 lên 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 và 4 lần lượt tăng từ 3,25 lên 3,43 và 2,92 lên 3,07 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu như nêu ở trên được các doanh nghiệp trong ngành thủy sản cho rằng sẽ tạo áp lực rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, nhất là trong bối cảnh ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Trao đổi với TBKTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, khi lương tối thiểu mới được áp dụng, tức các khoản phí mà doanh nghiệp phải đóng cũng sẽ tăng lên.

“Trong khi đó, thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu thủy sản nói chung, mà cụ thể là với ngành tôm và cá tra liên tục gặp khó. Vì vậy, nếu chúng tôi tiếp tục phải chịu thêm gánh nặng về chi phí, thì bắt buộc phải tính lại kế hoạch sản xuất”, ông cho biết và nói thêm rằng, khi đó nhân công lao động có thể bị mất việc.

Còn trong phân tích kiến nghị của VASEP cũng chỉ ra rằng, việc tăng lương tối thiểu có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay.

VASEP cho biết, mức lương tối thiểu hiện nay đang tăng quá cao, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, mà cụ thể doanh nghiệp sẽ bị tăng chi phí và nguy cơ lao động Việt Nam mất việc ngày càng cao. “Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực”, VASEP cho biết.

Đặc biệt, trong bối cảnh ngành thủy sản đang phát triển chậm lại, mà cụ thể trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,19 tỉ đô la Mỹ, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái cũng như doanh nghiệp đang phải gánh chịu các chi phí quá lớn do điện tăng giá từ tháng 3-2019, giá xăng dầu luôn đứng ở mức cao… Vì vậy, việc doanh nghiệp thủy sản - những đơn vị có số lượng công nhân lớn - phải chịu thêm áp lực tăng lương tối thiểu, dù một tỷ lệ nhỏ cũng làm chi phí của họ cũng tăng lên đáng kể.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291399/lo-nhieu-ganh-nang-doanh-nghiep-thuy-san-de-xuat-khong-tang-luong-toi-thieu.html