Lỗ quý I, Masan MEATLife vẫn đặt lợi nhuận tăng đột biến năm nay
Với doanh thu thuần dao động từ 16.000 đến 18.000 tỷ đồng, ban lãnh đạo Masan MEATLife kỳ vọng lợi nhuận cả năm 2020 của cổ đông công ty sẽ dao động trong khoảng 200-500 tỷ đồng.
Công ty CP Masan MEATLife (MML) mới đây đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 để thông qua hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh năm nay.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo nhà sản xuất thịt mát này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu dao động từ 16.000 tỷ cho tới 18.000 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận ròng sau thuế thuộc về cổ đông công ty sẽ dao động trong khoảng 200-500 tỷ đồng.
Trong năm liền trước (2019), công ty này ghi nhận 14.575 tỷ đồng doanh thu và 370 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tuy nhiên, phần lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty chỉ là 115 tỷ đồng.
Nếu được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh nói trên, mức doanh thu năm nay của Masan MEATLife sẽ tăng khoảng 10-23%, trong khi lợi nhuận ròng sau thuế của cổ đông công ty tối thiểu sẽ tăng 74% và tối đa tăng 335% so với số thu về thực tế năm liền trước.
Ban lãnh đạo cũng dự kiến tăng tỷ trọng doanh thu đóng góp từ mảng thịt lên 20% tổng doanh thu thuần hợp nhất. Phần còn lại sẽ đến từ tăng trưởng của mảng thức ăn chăn nuôi và ngành hàng khác.
Đáng chú ý, kế hoạch kinh doanh nói trên được ban lãnh đạo Masan MEATLife đưa ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh quý I kém tích cực.
Cụ thể, trong quý I vừa qua, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu bán hàng tăng hơn 6%, đạt 3.589 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hàng loạt chi phí tăng cao từ chi phí lãi vay, chi phí bán hàng… khiến lợi nhuận ròng sau thuế Thu nhập doanh nghiệp giảm 2,5 lần, đạt gần 14 tỷ đồng. Trong đó, phần lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty trong quý I ghi nhận số âm 31 tỷ đồng do tăng đầu tư cho chuỗi cung ứng ngành thịt.
Theo lãnh đạo công ty, trong những tháng đầu năm, thương hiệu thịt mát MEATDeli đang phải mở rộng quy mô hoạt động đáng kể. Điều này kéo theo khoản đầu tư lớn để mở rộng chuỗi cung ứng, tăng nhận diện thương hiệu đã dẫn đến khoản lỗ thuần cổ đông công ty.
Bên cạnh đó, việc giá heo hơi tăng vọt cũng khiến biên lợi nhuận gộp của mảng thịt chịu tác động tiêu cực.
Cũng tại đại hội cổ đông lần này, Masan MEATLife sẽ trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức năm 2019.
Trên bảng cân đối kế toán đến cuối năm 2019, phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp này đang là 140 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại đại hội, ban lãnh đạo nhà sản xuất thịt lợn này cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với tổng số lượng phát hành dự kiến tối đa đạt 0,8% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành, tương ứng gần 2,6 triệu cổ phiếu.
Giá phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian dự kiến phát hành trong năm 2020 hoặc trước tháng 5/2021.
Toàn bộ số tiền thu về từ đợt phát hành sẽ được công ty sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MML của Masan MEATLife đang được giao dịch với giá 50.200 đồng (chốt phiên 23/6), cao gấp 5 lần mệnh giá dự kiến phát hành cho cán bộ nhân viên.
Masan MEATLife tiền thân là Masan Nutri - Science, công ty con thuộc Tập đoàn Masan chuyên lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi.
Cùng với tái cơ cấu thành Masan MEATLife để gia nhập mảng phân phối thịt mát, ban lãnh đạo công ty này cũng đặt kỳ vọng đến năm 2022 sẽ là nhà sản xuất, phân phối thịt mát đóng gói có thương hiệu lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam, với doanh thu khoảng 2-3 tỷ USD (50% trong đó đến từ thịt heo) và lợi nhuận sau thuế khoảng 200-450 triệu USD.
Doanh nghiệp mới nhất trong hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hiện cũng nắm trong tay chuỗi giá trị hoàn chỉnh theo mô hình 3F (từ nông trại đến bàn ăn) với 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (công suất 3 triệu tấn/năm), trang trại chăn nuôi (230.000 con/năm) và tổ hợp chế biến thịt (công suất 1,4 triệu con/năm).