Loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, chuyên săn sư tử con

Vũ khí lợi hại bậc nhất của loài chim này là bộ móng nhọn và sắc như dao với khả năng sát thương rất lớn.

Đại bàng Martial (tên khoa học: Polemaetus bellicosus) là một loài đại bàng lớn có nguồn gốc từ châu Phi cận Sahara, thuộc phân họ Aquilinae.

Loài chim này nổi bật với bộ lông màu xám-nâu ở phần trên, bụng trắng có đốm đen, và một cái mào nhỏ trên đầu.

Kích thước của một con đại bàng Martial trưởng thành có thể đạt từ 78 đến 96 cm, cao 85 cm, nặng khoảng 4 kg và sải cánh dài gần 2m. Đây là một trong những loài đại bàng lớn nhất trên thế giới.

Đặc biệt chúng sở hữu thị lực cực kỳ nhạy bén, gấp từ 3 - 3,6 lần thị lực con người, dù kích thước tròng mắt của chúng là tương đương. Nhờ vậy, đại bàng có thể phát hiện con mồi tiềm năng từ một khoảng cách rất xa, lên tới 5 km.

Vũ khí lợi hại bậc nhất của đại bàng Martial là bộ móng nhọn và sắc như dao, với khả năng sát thương rất lớn.

Bộ vuốt sắc nhọn này kết hợp với những cú bổ nhào đạt vận tốc lên tới 250 km/h có thể giết chết các con mồi cỡ nhỏ như cáo, thỏ, lợn rừng hay thậm chí là cả chó sói hay sư tử con.

Dù sư tử được biết đến là chúa tể của đồng cỏ nhưng nhiều trường hợp được ghi nhận cho thấy sư tử châu Phi (Panthera leo) không phải luôn đứng đầu chuỗi thức ăn. Trên thực tế, đại bàng martial (Polemaetus bellicosus) nhiều khả năng săn sư tử non khi có cơ hội.

Những con đại bàng thường tấn công vào cột sống của con mồi, khi chúng bỏ chạy. Sau đó, nó chộp lấy con mồi bằng 3 móng vuốt trước của mình.

Dù vậy trong những cuộc săn sư tử, đại bàng martial thường có nguy cơ bị phản đòn. Trong một trường hợp thất bại, đại bàng martial sà xuống bắt sư tử con ở ngay cạnh mẹ nó. Sư tử cái phát hiện nguy hiểm tới gần và chồm lên để tấn công đại bàng. Con đại bàng né đòn tấn công và không bắt được sư tử non, thậm chí có thể bị thương.

Hiện đại bàng Martial được ghi nhận là giống loài bị đe dọa cấp độ 2 (EN), nằm trong diện cần được lưu ý bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Giống như các loài chim săn mồi lớn khác ở châu Phi, chúng bị mất môi trường sống, săn trộm, điện giật và ngược đãi.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loai-chim-quy-hiem-bac-nhat-the-gioi-chuyen-san-su-tu-con-204241010200513395.htm