Loài chó cổ xưa có 'tiếng hát' giống y cá voi tưởng đã tuyệt chủng suốt nửa thập kỷ nay vẫn còn đang phát triển ngoài tự nhiên
Có nhiều điểm tương đồng với hậu duệ của loài chó biết hát New Guinea, những con chó hoang cao nguyên này được xem là cứu cánh cho các nhà khoa học trong công cuộc phục hồi và bảo tồn loài động vật có tiếng hát đặc biệt này.
Loài chó "biết hát" New Guinea là một giống quý hiếm, được biết tới với những âm thanh tru tréo đặc biệt và ví như tiếng kêu của loài cá voi lưng gù. Theo CNN, giống chó này đã biến mất bên ngoài tự nhiên kể từ nửa thế kỷ nay. Hiện trong các khu bảo tồn hay vườn thú vẫn còn khoảng 200 cá thể chó biết hát nhưng đã bị lai tạp đi rất nhiều và không còn giữ được sự thuần chủng.
Mãi tới năm 2016, một nhóm thám hiểm đã định vị và nghiên cứu khoảng 15 con chó hoang sống tại vùng cao nguyên phía tây New Guinea, hay còn gọi là Papua ở Indonesia. Đến năm 2018, một nhóm khác đã quay trở lại nơi này để thu thập mẫu vật sinh học chi tiết nhằm xác minh liệu giống chó hoang ở đây có thực sự là hậu duệ của loài chó biết hát hay không.
Qua đối chiếu ADN trên mẫu máu thu thập từ 3 con chó khác nhau cho thấy bộ gen của chúng khá tương đồng nhau và có mối liên kết chặt chẽ với nhau hơn những loài còn lại, theo nghiên cứu được đăng tải trên tờ PNAS vào hôm thứ 2 (31/08).
Mặc dù bộ gen không đồng nhất nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng đây chính là con cháu bên ngoài tự nhiên thuần chủng nhất của chó biết hát New Guinea. Sự khác biệt của chúng có lẽ đến từ quá trình lai tạp với các giống chó khác trong nhiều thập kỷ qua.
Elaine Ostrander, nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Quốc gia, tác giả của bài viết nói trên cho biết: "Chúng là hậu duệ của 8 con chó được đưa tới Mỹ vào rất nhiều năm về trước và có sự liên quan nhiều nhất đến quần thể chó biết hát New Guinea được bảo tồn." Tác giả nói thêm rằng 8 con chó ban đầu được đưa đến Mỹ đã giao phối qua nhiều năm và sinh sản nhiều thế hệ bị lai tạp, mất đi sự đa dạng di truyền học.
Ostrander nói thêm rằng loài chó hoang cao nguyên này có tới 70% di truyền trùng lặp với các cá thể được nuôi nhốt, sự khác biệt cơ bản chỉ đến từ những phần nguyên thủy đã bị mất đi của giống chó được con người lai tạo.
Mẫu vật đầu tiên được phát hiện vào năm 1897 trên độ cao 2.100m tại Papua New Guinea, nhiều người lo ngại loài chó biết hát đã biến mất do môi trường sống bị thu hẹp và sự lai tạp với loài chó trong làng. Tuy nhiên, nhờ nhóm thám hiểm năm 2016 đã vô tình xây dựng được một khu bảo tồn giúp loài chó cao nguyên này sinh sôi phát triển.
Nhóm thám hiểm do James McIntyre, một nhà nghiên cứu chuyên sâu và cũng là người sáng lập Quỹ bảo tồn chó biết hát New Guinea phụ trách. Hai năm sau đó, một nhóm thám hiểm khác đã quay lại để thu thập các mẫu vật. Nhóm này cũng đã đeo vòng cổ GPS cho 2 con chó để nghiên cứu thêm về thói quen di chuyển cũng như lãnh thổ của chúng.
Theo Sở thú San Diego, loài chó biết hát là một chủng cực kỳ linh hoạt, có thể leo trèo và nhảy như mèo. Kết quả siêu âm cũng cho biết loài chó này có tiếng kêu tương đồng với những âm thanh mà cá heo lưng gù phát ra.
"Loài chó biết hát New Guinea là rất hiểm, chúng độc đáo và có giọng ca tuyệt đẹp. Vì thế mà nếu chúng biến mất trong tự nhiên thì sẽ là một điều cực kỳ không hay. Chúng tôi không muốn thấy loài vật này biến mất." - Ostrander cho biết. Các nhà nghiên cứu cũng hi vọng sẽ có thể lai tạo giống chó hoang cao nguyên này với loài chó biết hát New Guinea để tái tạo lại quần thể chó biết hát New Guinea thực sự.