Loại vaccine ra đời 100 năm trước được dùng để đối phó virus corona

Một nghiên cứu đang chờ xét duyệt cho thấy vaccine lao, ra đời cách đây gần 100 năm có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị Covid-19.

Trong quá trình chống lại đại dịch Covid-19, giới khoa học đang tìm mọi cách để ngăn ngừa virus lây lan. Việc sử dụng loại vaccine ra đời cách đây 99 năm là một trong những ví dụ.

Nhân viên y tế tại Melbourne từ cuối tháng 3 bắt đầu thử nghiệm sử dụng vaccine phòng ngừa bệnh lao (BCG) để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ phơi nhiễm virus corona.

 Bác sĩ Philip Supply, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), làm việc với ống thí nghiệm chứa vi khuẩn gây bệnh lao đã được làm yếu đi để điều chế vaccine BCG. Ảnh: AFP.

Bác sĩ Philip Supply, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), làm việc với ống thí nghiệm chứa vi khuẩn gây bệnh lao đã được làm yếu đi để điều chế vaccine BCG. Ảnh: AFP.

Loại vaccine với hàng loạt công dụng

Vaccine phòng ngừa virus lao BCG (Bacillus Calmette-Guerin) được sử dụng rộng rãi trong gần 100 năm nay. Khoảng 130 triệu trẻ sơ sinh trên toàn thế giới mỗi năm được tiêm phòng bệnh lao bằng BCG.

Ngoài phòng ngừa vi khuẩn lao, nhiều nghiên cứu cho thấy vaccine BCG còn tăng cường hệ miễn dịch, cũng như giảm nguy cơ nhiễm virus.

"Vaccine này có thể thúc đẩy hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể hiệu quả hơn trước nhiều loại bệnh nhiễm trùng, nhiều loại virus và vi khuẩn khác nhau một cách tổng quát", Nigel Curtis, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm chuyên khoa nhi, đồng thời là Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia tại thành phố Melbourne, Australia nhận định.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên medRxiv, chuyên trang về nghiên cứu y tế chờ công bố, có sự liên hệ giữa các quốc gia bắt buộc tiêm phòng lao và khả năng giảm thiểu trường hợp tử vong từ Covid-19.

 Vaccine BCG được đưa vào sử dụng lần đầu tiên năm 1921, và đến nay vẫn tiêm phòng cho hàng trăm triệu trẻ em mỗi năm để ngừa bệnh lao. Ảnh: Getty.

Vaccine BCG được đưa vào sử dụng lần đầu tiên năm 1921, và đến nay vẫn tiêm phòng cho hàng trăm triệu trẻ em mỗi năm để ngừa bệnh lao. Ảnh: Getty.

Gonzalo Otazu, giáo sư tại Đại học Công nghệ New York và là đồng tác giả nghiên cứu trên cho biết ông bắt đầu tìm hiểu khi nhận ra số trường hợp nhiễm ít đáng ngạc nhiên của Nhật Bản, mặc dù đây là một trong những quốc gia đầu tiên xác nhận có người nhiễm Covid-19.

Otazu cho biết ông đã đọc nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của vaccine BCG với các bệnh truyền nhiễm, không chỉ riêng bệnh lao. Do vậy nhóm nghiên cứu của Otazu bắt đầu tìm kiếm sự liên hệ giữa việc sử dụng vaccine BCG và số người tử vong vì Covid-19.

"Chúng tôi so sánh một loạt quốc gia có chính sách bắt buộc tiêm vaccine BCG và sự liên quan tới tỷ lệ tử vong vì Covid-19. Chúng tôi nhận ra các quốc gia không tiêm phòng lao bắt buộc như Mỹ, Italy, Hà Lan bị thiệt hại nhiều hơn so với các quốc gia tiêm chủng bắt buộc trong thời gian dài.

 Mũi tiêm phòng lao thường để lại một vết sẹo trên cánh tay. Ảnh: Reuters.

Mũi tiêm phòng lao thường để lại một vết sẹo trên cánh tay. Ảnh: Reuters.

Chúng tôi cũng nhận thấy việc tiêm chủng BCG giúp giảm số lượng ca mắc Covid-19 công bố ở các quốc gia. Việc giảm cả tỷ lệ nhiễm và tử vong cho thấy vaccine BCG có thể là một công cụ để chống lại Covid-19", phần kết luận của nghiên cứu cho hay.

Hiện nay nghiên cứu này chưa được đưa ra cho hội đồng thẩm định, do vậy chưa thể công bố. Hội đồng thẩm định là khâu quan trọng nhất nhằm kiểm nghiệm độ xác tín của một nghiên cứu khoa học.

"Tôi cho rằng cần phải nhận xét kết quả của nghiên cứu này một cách rất cẩn trọng", Eleanor Fish, giáo sư truyền nhiễm tại Đại học Toronto nói với Bloomberg.

Hàng loạt quốc gia thử nghiệm lâm sàng

Theo Bloomberg, đã có 6 quốc gia thử nghiệm sử dụng vaccine BCG cho nhân viên y tế chống dịch và người cao tuổi để kiểm nghiệm khả năng chống virus corona.

Quá trình thử nghiệm tại Australia sẽ kéo dài trong 6 tháng, với sự tham gia của gần 4.000 nhân viên y tế. Bắt đầu từ ngày 30/3, họ được chọn tiêm phòng ngẫu nhiên các loại vaccine chống cúm mùa và bệnh lao, hoặc chỉ được tiêm vaccine cúm.

 Vaccine BCG đang được thử nghiệm ở nhiều nước để kiểm tra khả năng phòng chống Covid-19. Ảnh: iStockphoto.

Vaccine BCG đang được thử nghiệm ở nhiều nước để kiểm tra khả năng phòng chống Covid-19. Ảnh: iStockphoto.

Một nghiên cứu tương tự đang được tiến hành ở Hà Lan. Trong một phỏng vấn ngày 28/3, Curtis cho biết ông đang thảo luận khả năng thử nghiệm tại nhiều thành phố khác ở Australia và thành phố Boston của Mỹ.

Nếu thử nghiệm cho kết quả tích cực, biện pháp phòng ngừa này có thể áp dụng trên nhiều nhóm đối tượng. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là các nhân viên y tế, vốn chịu rủi ro lây nhiễm virus corona cao hơn do trực tiếp điều trị bệnh nhân và thường xuyên tiếp xúc với người mang mầm bệnh.

"Chúng ta cần cân nhắc mọi phương án khả thi để bảo vệ nhân viên y tế", Curtis cho biết ủy ban giám sát dữ liệu của cuộc nghiên cứu sẽ đánh giá kết quả lần một sau 3 tháng tới.

Tại sao vaccine ngừa Covid-19 mất đến 18 tháng nữa để dùng rộng rãi? Khi số người chết vì virus corona tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới, WHO cho biết phải mất 12-18 tháng mới có thể sử dụng vaccine rộng rãi.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loai-vaccine-ra-doi-100-nam-truoc-duoc-dung-de-doi-pho-virus-corona-post1068116.html