Loạt câu hỏi thuộc lĩnh vực Toán học tưởng chừng dễ nhưng thí sinh Olympia lại trả lời sai
Những câu hỏi thuộc lĩnh vực Toán học trong chương trình 'Đường Lên Đỉnh Olympia' tưởng chừng khá đơn giản nhưng các thí sinh vẫn trả lời sai, thậm chí có câu hỏi thuộc kiến thức toán Tiểu học.
Đường Lên Đỉnh Olympia là sân chơi trí tuệ thu hút sự quan tâm của mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn học sinh THPT. Trong các gói câu hỏi, phía BTC chương trình thường đan xen nhiều nội dung khác nhau để tìm kiếm được thí sinh có kiến thức toàn diện nhất.
Bên cạnh những câu hỏi khó thì có một số câu hỏi ở mức khá đơn giản kiểm tra kiến thức và sự nhanh trí của thí sinh. Tuy nhiên, đứng ở trường quay cộng thêm tâm lý hồi hộp, nhiều thí sinh đã "bó tay" với câu hỏi được đánh giá là khá đơn giản.
Cụ thể, trong cuộc thi tuần 1, tháng 3, quý I của Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 16, có một câu hỏi tương đối đơn giản nhưng cả 4 thí sinh đều không đưa ra được đáp án chính xác.
Câu hỏi có nội dung như sau: "Có bao nhiêu số có ba chữ số chia hết cho 5 tạo thành từ các số 0,1,2? Đó là những số nào?".
Đề bài yêu cầu rất rõ là lập các số có 3 chữ số chia hết cho 5 từ các số 0; 1; 2; vì vậy chỉ cần áp dụng nguyên tắc chia hết cho 5 và đảo các số sao cho thỏa mãn điều kiện là ra ngay đáp án. Tuy nhiên, cả 4 thí sinh đều không trả lời đúng câu hỏi này.
Đáp án cho câu hỏi này là có 6 số, bao gồm: 100; 110; 120; 200; 210; 220.
Theo quy tắc chia hết cho 5, ta có: Nếu chữ số cuối cùng là 0 hoặc 5, thì toàn bộ số đó chia hết cho 5. Vì vậy, trong 3 số cho trước, chỉ cần đặt số 0 ở hàng đơn vị và đảo 3 chữ số ở hàng trăm và hàng chục là có thể liệt kê đầy đủ các số thỏa mãn điều kiện. Đối với số hàng trăm có hai cách chọn là 1 và 2, số hàng chục có 3 cách chọn là 0, 1, 2 còn hàng đơn vị chỉ có chữ số 0 => có 6 số thỏa mãn yêu cầu đề bài.
Thêm một câu hỏi ở lĩnh vực Toán học trong Đường Lên Đỉnh Olympia 17, Tuần 3, Tháng I, Quý II có nội dung như sau: "Hiện nay tổng số tuổi của 4 anh em Kiệt, Thảo, Dũng, Hà kém mẹ 15 tuổi. Hỏi sau bao nhiêu năm nữa, tổng số tuổi của 4 anh em sẽ bằng tuổi của mẹ?".
Theo dữ kiện trong đề bài, số tuổi chênh lệch giữa tổng tuổi của 4 anh em so với tuổi của mẹ là 15, yêu cầu thí sinh tìm ra số năm để 2 dữ kiện bằng nhau. Đáp án của câu hỏi là: 5 năm.
Đối với bài toán này, thí sinh chỉ cần áp dụng các phép tính đã học ở Tiểu học, rất tiếc thí sinh Olympia đã không đưa ra được đáp án chính xác.
Cụ thể, sau mỗi năm, tổng số tuổi của 4 anh em sẽ tăng lên 4, tuổi của mẹ tăng lên 1, chênh lệch giữa 2 dữ kiện này là 3. Vì vậy, để rút ngắn khoảng cách 15 năm, lấy 15 chia 3 sẽ ra đáp số là 5 (năm). Khá đơn giản phải không nào?
Trong cuộc thi Tuần 1, Quý III Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 16 có một câu hỏi như sau: "Dãy số gồm 9 chữ số tự nhiên khác nhau có tổng là 45, số tự nhiên lớn nhất trong dãy là số mấy?".
Đây là một câu hỏi trong gói 40 điểm của một cuộc thi tuần nên tương đối đơn giản. Nhưng có vẻ như thí sinh phải chịu áp lực của phần thi Về đích nên hết thời gian suy nghĩ, thí sinh vẫn chưa đưa ra được đáp án đúng.
Theo đáp án mà BTC đưa ra, dãy số cần tìm là dãy từ 1 đến 9. Dãy số này sẽ có tổng bằng 45. Do vậy số lớn nhất trong dãy thỏa mãn điều kiện này là 9.