Loay hoay bài toán nguyên phụ liệu
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gặp khó khăn, do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu (NPL) đầu vào. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn, nếu tình trạng phụ thuộc nhập khẩu NPL kéo dài, khả năng cạnh tranh của các ngành hàng, DN cũng sẽ bị suy giảm.
Nhiều rủi ro phụ thuộc nhập khẩu
Dệt may là một trong những ngành thuộc Top có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam, nhưng NPL dùng để sản xuất các ngành hàng này chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành dệt may rơi vào tình thế khó khăn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt hơn 35,2 tỷ USD, nhưng nhập khẩu NPL cũng lên tới gần 21,4 tỷ USD. Đáng chú ý, trong số 4 thị trường cung cấp NPL dệt may chủ yếu vào Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ thì Trung Quốc là thị trường cung cấp chiếm tỷ trọng lớn nhất, với trên 50,6%.
Tương tự, ngành gỗ và lâm sản cũng có tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 5 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành này cũng đặt mục tiêu năm 2021 xuất khẩu đạt 15 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay nguồn nguyên liệu gỗ trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp chưa chặt chẽ. Vì vậy, để đạt được con số xuất khẩu 15 tỷ USD, ngành gỗ và lâm sản phải giải quyết được vấn đề về nguồn nguyên liệu, nhất là nguồn gỗ nhập khẩu phải có tính hợp pháp theo quy định.
Ngoài ra, một số ngành công nghiệp chủ lực khác như: Điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, thép... cũng đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp NPL, linh kiện nhập khẩu. Do đó, khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng, những ngành này cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam đều đang vấp phải rào cản về nguồn nguyên liệu. Trong khi yêu cầu của các thị trường xuất khẩu hiện nay về nguyên liệu không đơn thuần như trước đây, phải thỏa mãn những tiêu chuẩn về môi trường, sinh học, an sinh xã hội.
Gỡ nút thắt bằng cách nào?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc không chủ động được NPL trong nước mà phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các DN. Nhất là trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực đang tạo cơ hội lớn cho các DN mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, muốn tận dụng được ưu đãi, đòi hỏi DN phải chủ động được nguồn NPL, đáp ứng yêu cầu xuất xứ cấu thành nên sản phẩm. Đơn cử như, với ngành dệt may, phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi đối với CPTPP và từ vải trở đi đối với EVFTA. Hay ngành gỗ, muốn xuất khẩu bền vững vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ thì nguyên liệu sản xuất phải có chứng chỉ rừng.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu chia sẻ, nút thắt của ngành dệt may nằm ở khâu sản xuất dệt, nhuộm hoàn tất. Việc đầu tư vào các dự án dệt, nhuộm hoàn tất là bài toán khó đối với các DN vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ nhân lực cao nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi đó đầu tư vào sợi, may gia công cần vốn ít, quay vòng thu hồi vốn nhanh. Đây là nguyên nhân khiến nhiều DN không mấy mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực NPL, nhất là khi Việt Nam chưa thể cạnh tranh về giá và quy mô so với các DN Trung Quốc hay các DN FDI.
Để giải bài toán phụ thuộc nhập khẩu NPL, một trong những giải pháp cấp thiết là phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn hạn chế, hiệu quả thấp. Mặc dù, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng số DN tiếp cận được chính sách rất ít. Do đó, mong mỏi của các DN xuất khẩu hiện nay là cùng với đổi mới chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ cần đầu tư các cảng hàng không, đường thủy, hệ thống kho vận... nhằm thu hút các nhà đầu tư. Chỉ như vậy, các DN mới thoát khỏi tình trạng phụ thuộc nhập khẩu NPL, từng bước làm chủ các công đoạn sản xuất, tạo ra nguồn NPL chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo số liệu tổng hợp của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam đang nhập khẩu 60% vải nguyên liệu từ Trung Quốc; 42% linh kiện điện tử từ Hàn Quốc; hơn 64% phụ tùng, linh kiện ô tô nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/loay-hoay-bai-toan-nguyen-phu-lieu-419764.html