Loay hoay bài toán thiếu giáo viên

'So với nhu cầu thực tế, năm học 2021-2022 toàn tỉnh thiếu 1.902 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Để giải quyết vấn đề này, Sở GD&ĐT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố tiến hành điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu (khoảng 586 người); đồng thời, tiếp tục thẩm định bổ sung biên chế cho các địa phương theo tổng biên chế được giao' - ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD&ĐT nêu giải pháp cho bài toán thiếu giáo viên hiện nay.

Hiện nay, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thiếu giáo viên, gây khó khăn cho hoạt động dạy học. Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường tiểu học Trương Định, xã ĐắK Ơ, huyện Bù Gia Mập năm học 2020-2021

Chật vật dồn lớp, tăng số tiết

Năm học này, Trường tiểu học Tân Xuân B, TP. Đồng Xoài có 1.139 học sinh/30 lớp, tăng 4 lớp và 132 học sinh so với năm học trước. Hiện trường có 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 37 giáo viên đứng lớp. Cô Vũ Thị Lương, Hiệu trưởng trường cho biết: Để đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp với 23 tiết/tuần/giáo viên, trường thiếu 9 giáo viên, gồm 2 Thể dục, 1 tiếng Anh, 1 Tin học, 1 Mỹ thuật và 4 giáo viên chuyên ngành tiểu học. Đó là chưa kể 1 giáo viên làm tổng phụ trách đội (theo quy định trường hạng 1, tổng phụ trách đội không phải đứng lớp), 1 giáo viên chuyên trách thư viện, thiết bị kiêm văn thư nhưng vẫn phải ra đứng lớp trong năm học này và 1 giáo viên sắp nghỉ sinh nên không thể phân công dạy.

Hiện Trường tiểu học Tân Xuân B có 30 lớp thì phân công 30 giáo viên tiểu học làm chủ nhiệm và dạy các môn: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Kỹ năng sống. Các môn còn lại do giáo viên chuyên ngành đảm trách. Tuy nhiên, bài toán khó hiện nay là giáo viên chuyên thiếu quá nhiều nên trường không biết xoay xở ra sao. Để giải quyết tình trạng này, trường tạm thời tăng số tiết đối với mỗi giáo viên, nhưng theo luật lao động không được quá 200 tiết/năm/giáo viên, vì quá số tiết sẽ không được trả tiền thêm giờ. Ngoài ra, trường còn đề xuất phương án giảm từ 10 buổi/tuần còn 9 buổi/tuần nhưng cũng không khả thi, vì ảnh hưởng đến việc đưa đón học sinh bán trú của phụ huynh. Để công tác dạy học diễn ra bình thường, trước mắt vận động giáo viên dạy miễn phí rồi tính sau.

Tương tự, để đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp theo quy định, Trường tiểu học Tân Thiện, TP. Đồng Xoài cũng thiếu 9 giáo viên, phần lớn là môn Thể dục, Tin học, Mỹ thuật. Nhiều năm qua, trường bố trí giáo viên chủ nhiệm dạy kiêm nhiệm, riêng môn Tin học thì học sinh chưa được học dù trường đã có phòng máy 3 năm nay. “Để giải quyết bài toán này, trường đề nghị bổ sung giáo viên dôi dư từ các huyện, thị xã khác về. Mặt khác, thuận chủ trương cho trường hợp đồng theo thời vụ hoặc xã hội hóa dạy một số môn chuyên theo nhu cầu của phụ huynh. Còn nếu dạy thêm tiết thì không được vì vượt quá số tiết so với quy định” - thầy Nguyễn Bá Cường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Thiện nêu giải pháp.

So với quy định, năm học 2020-2021 Trường TH&THCS Lê Văn Tám, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành thiếu 10 giáo viên, nhân viên. Để giảm áp lực, năm học này trường không nhận học sinh lớp 1 ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (có cha mẹ làm công nhân tại Khu công nghiệp Chơn Thành) và dồn học sinh khối 8 từ 4 lớp thành 3 lớp, trung bình 52 học sinh/lớp. Với giải pháp đó, năm nay trường còn 1.295 học sinh/32 lớp, giảm 2 lớp, giảm 30 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa được giải quyết.

Theo biên chế số học sinh/lớp thì Trường TH&THCS Lê Văn Tám cần 57 giáo viên đứng lớp mới đảm bảo quy định nhưng hiện chỉ có 41 giáo viên, thiếu 16 giáo viên. Khó khăn còn chồng chất hơn khi năm học này kế toán nghỉ việc, 2 giáo viên đang thời kỳ nghỉ sinh, 1 giáo viên sắp nghỉ hưu.

Cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Tân Xuân B trong lễ khai giảng năm học 2021-2022

Cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Tân Xuân B trong lễ khai giảng năm học 2021-2022

…và những giải pháp tình thế

Bà Dương Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Đồng Xoài cho biết: Để giải bài toán thiếu giáo viên, phòng đề nghị các trường tập trung bố trí giáo viên dạy đủ số tiết theo quy định. Đối với những tiết ở buổi 2 thiếu giáo viên thì thỏa thuận với phụ huynh để xã hội hóa, nhất là với các môn như Toán, Tiếng Việt và một số môn chuyên ngành, dưới sự quản lý của ban giám hiệu các trường. Hoặc việc học buổi 2 chỉ tổ chức khi phụ huynh có nhu cầu, đề nghị nhà trường thực hiện và kinh phí do phụ huynh chi trả.

Ở bậc tiểu học, hầu hết đã bố trí số học sinh/lớp vượt so với quy định, nhưng bậc học này vẫn thiếu 80 giáo viên/tổng 160 giáo viên và 5 nhân viên của toàn thành phố thiếu trong năm nay. Để bổ sung đủ số biên chế này là rất khó, vì hiện tỉnh chưa có chủ trương. Các trường cũng không được cấp kinh phí để hợp đồng với giáo viên bên ngoài. Vì vậy, trước mắt các trường phải đảm bảo đủ giáo viên lớp 1, 2 để dạy 2 buổi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bà DƯƠNG THỊ THẢO, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Đồng Xoài

Cũng như TP. Đồng Xoài, bổ sung đầy đủ biên chế giáo viên cho các trường trên địa bàn huyện Chơn Thành lúc này là cực kỳ nan giải. Để giải bài toán thiếu giáo viên cho năm học mới này, Trường TH&THCS Lê Văn Tám, huyện Chơn Thành đề ra 3 phương án. Đó là dồn các lớp có số học sinh chưa tới 40 em/lớp; tham mưu UBND huyện hợp đồng thêm giáo viên và chưa triển khai dạy Tin học đối với lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là trong thời gian học trực tuyến…

Ông Nguyễn Văn Diễn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Chơn Thành cho biết: Toàn huyện đang thiếu 74 giáo viên. Để giải bài toán này, trước mắt huyện lập tờ trình xin Sở Nội vụ cho tăng hợp đồng ngoài biên chế. Đồng thời tiến hành dồn lớp, chấp nhận không đảm bảo theo quy định về số học sinh/lớp. Giải pháp nữa là giảm số lớp ở bậc mầm non để san sẻ biên chế cho tiểu học và THCS… Tuy nhiên, thiếu giáo viên là áp lực lớn, những giải pháp nêu trên chỉ là tạm thời.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 429 trường/8.159 lớp, nhóm với gần 259 ngàn học sinh các cấp. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 2 và lớp 6. Cơ sở vật chất trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học, không có phòng học tạm, mượn. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn thiếu 1.316 giáo viên. Đây là “bài toán” cần sớm được giải quyết để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/126775/loay-hoay-bai-toan-thieu-giao-vien