Loay hoay phát triển kinh tế đêm

Phát triển kinh tế đêm góp phần tạo điểm đến hấp dẫn, giúp du lịch vượt khó và bứt phá. Tuy nhiên, đến nay, các tỉnh, thành trên cả nước vẫn chưa thực sự có 'kinh tế đêm' đúng nghĩa.

Khám phá TP Hồ Chí Minh trên xe bus 2 tầng là một hoạt động trải nghiệm về đêm được du khách yêu thích. (Ảnh: VGP/Giang Vũ)

Khám phá TP Hồ Chí Minh trên xe bus 2 tầng là một hoạt động trải nghiệm về đêm được du khách yêu thích. (Ảnh: VGP/Giang Vũ)

Chưa khai thác hết tiềm năng

Theo thống kê, chi phí du khách tiêu vào ban đêm tại TP HCM chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một tour du lịch. Các chuyên gia kinh tế nhận định, TP HCM hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm như dân số trẻ, sôi động, đông đúc; tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; thời tiết ban đêm dễ chịu...

Hiện nay TP HCM đang có các tour ban đêm như khám phá trung tâm thành phố (city tour), trải nghiệm xe buýt hai tầng, đi thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn hoặc đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc, tập trung vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đêm Bùi Viện, phố đêm chợ Bến Thành, hồ Con Rùa... Tuy nhiên, so với tiềm năng của TP HCM và nhu cầu của du khách thì những hoạt động vui chơi ban đêm này còn quá là ít ỏi, sơ sài. Cạnh đó, thời gian các hoạt động, vui chơi giải trí tại TP HCM đóng cửa là khoảng 22 - 23h đêm, quá sớm so với một thành phố đông dân và sôi động, khiến du khách phương xa “hụt hẫng”.

Hiện nay, để phát triển kinh tế đêm, TP HCM đang tập trung xây dựng các tuyến phố đi bộ về đêm tại các quận trung tâm gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, mua sắm. Nhiều khu phố ẩm thực mới được mở trên các con đường như Nguyễn Thượng Hiền ở quận 3, đường Phan Xích Long ở quận Phú Nhuận nhằm tạo không gian giải trí tham quan, vui chơi, mua sắm cho người dân trên địa bàn và khách du lịch.

Về mặt ẩm thực về đêm, TP HCM đã tạm đáp ứng. Nhưng ở mảng giải trí - nghệ thuật, lĩnh vực rất quan trọng trong phát triển kinh tế đêm thì còn rất ít ỏi. Hiện du khách đến TP HCM cũng chỉ có thể đi xem múa rối nước hoặc thi thoảng thưởng thức vở kịch xiếc “À Ố show” khi tổ chức công chiếu. Ngoài ra, có một số tụ điểm âm nhạc biểu diễn trong thành phố, còn lại hầu như “không có gì” để xem, nghe về đêm.

Nhiều chuyên gia “hiến kế”, TP HCM có tiềm năng lớn để đầu tư các chương trình nghệ thuật đêm vì dân số đông, quy tụ nhiều tài năng nghệ thuật. TP nên đầu tư xây dựng những tiết mục giải trí, nghệ thuật mang đặc thù bản sắc vùng đất, kết hợp với các màn trình diễn ứng dụng công nghệ hoành tráng, công phu để tạo nên điểm nhấn về đêm tại TP như show áo dài, show biểu diễn trên sông, du thuyền...

Về điều này, mới đây, tỉnh Khánh Hòa đã có những kế hoạch hoạt động nghệ thuật khá hấp dẫn để phát triển kinh tế đêm, như việc xây dựng thử nghiệm chương trình nghệ thuật sân khấu bán thực cảnh "Trăng soi bóng tháp" diễn ra lần đầu vào ngày 27/12 tại di tích Tháp Bà Ponagar. Du khách tham gia theo lộ trình nhất định do Ban Tổ chức xây dựng nhằm tìm hiểu văn hóa Champa, về vùng đất Khánh Hòa xưa và quần thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar bằng hình thức thuyết minh trực tiếp, sân khấu hóa. Khách được trải nghiệm biểu diễn văn hóa nghệ thuật như múa “Huyền thoại Ponagar”, hòa tấu nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm, múa truyền thống dân gian Chăm: múa lu, múa quạt... Chương trình được người dân địa phương và du khách rất quan tâm, đây cũng là một thí điểm đáng để TP HCM và các địa phương nghiên cứu, học hỏi.

Những thành phố “đi ngủ sớm”

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đề án này cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.

Đồng thời, đến năm 2025, các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Tuy nhiên, đến nay, tốc độ xây dựng kinh tế đêm của các địa phương vẫn còn khá “eo sèo”. Hầu hết các tỉnh, thành vẫn loay hoay chưa biết khai thác tiềm năng của mình như thế nào. Nhiều tỉnh, thành khu vực miền Tây Nam Bộ vẫn còn được gọi là “thành phố đi ngủ sớm”, chưa có dấu hiệu phát triển kinh tế đêm. Ngay cả Đà Lạt, một địa phương du lịch nổi tiếng, tỉ lệ du khách đông hàng đầu cả nước nhưng vẫn “đóng cửa ngủ sớm”.

Phát triển kinh tế đêm là một xu hướng quan trọng trong quản lý đô thị và phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, giúp tăng cường hoạt động kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, quảng bá phát triển du lịch. Để khai thác hết tiềm năng của các địa phương ở nước ta, cần rất nhiều bước, từ việc quy hoạch đô thị, xây dựng thêm các chương trình văn hóa, giải trí, ẩm thực, mua sắm cho đến tạo ra các chính sách và quy định để hỗ trợ các doanh nghiệp đêm, hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật, tạo ra môi trường ban đêm an toàn... Điều này cần có sự đồng hành từ Chính phủ, cơ quan quản lý chuyên môn doanh nghiệp, người làm nghệ thuật... nhằm tạo ra một môi trường đêm thú vị, sôi động, hấp dẫn, đủ sức khiến người dân phải “tiêu tiền”, du khách phải lưu luyến.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/loay-hoay-phat-trien-kinh-te-dem-post500285.html