Loay hoay tìm giải pháp giải tỏa lồng bè ở Vũng Rô

Cán bộ Phòng Kinh tế TX Đông Hòa phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Rô kiểm tra, thống kê số lượng lồng, bè nuôi thủy sản tại Vũng Rô. Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, TX Đông Hòa đã xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngoài quy hoạch tại vịnh Vũng Rô, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai được. Địa phương gặp một số khó khăn về thủ tục pháp lý và đang kiến nghị các sở, ngành giúp gỡ vướng, đồng thời kiến nghị tỉnh gia hạn thời gian thực hiện.

Phát sinh nhiều vấn đề

Theo Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, qua kiểm tra thực tế tại khu vực vịnh Vũng Rô, hiện có 388 bè NTTS với khoảng 16.780 ô lồng, tăng so với năm 2019 khoảng 9.500 ô lồng. Nguyên nhân tăng là do số chủ bè nuôi chung trước đây tách riêng và một số bè nuôi từ địa phương khác kéo đến vào ban đêm nên không kiểm soát được. Địa phương đang thực hiện gắn biển số cho các bè nuôi để thuận tiện trong công tác theo dõi và xử lý.

Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, cho biết: Địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý việc phát sinh lồng bè NTTS tại Vũng Rô. Năm 2020, địa phương phát hiện 3 bè NTTS từ nơi khác kéo vào khu vực Vũng Rô. Địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các tàu lai dắt 3 bè này với số tiền 10 triệu đồng và yêu cầu kéo 3 bè này ra khỏi khu vực. Từ năm 2021 đến nay, phát hiện 8 bè NTTS ở địa phương khác kéo vào vịnh Vũng Rô, UBND TX Đông Hòa đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 200 triệu đồng, buộc kéo các bè nuôi ra khỏi khu vực.

Theo UBND TX Đông Hòa, hiện nay tại khu vực Vũng Rô có 21 bè nổi kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó tại Bãi Hương 12 bè, Bãi Chùa 4 bè và Bãi Ngà 5 bè. Trước đây, các hộ dân chỉ NTTS, sau đó tự phát chuyển sang bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong những năm qua, công tác quản lý bè nổi kinh doanh ẩm thực của địa phương còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã giao TX Đông Hòa xây dựng phương án và phối hợp với các sở, ngành liên quan sắp xếp, lập quy hoạch chi tiết khu dịch vụ ẩm thực bè nổi liền bờ tại khu vực Vũng Rô.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, cho biết: Địa phương đã xây dựng phương án khu du lịch ẩm thực tại Vũng Rô với quy mô diện tích gần 13,3ha, trong đó diện tích đất trên bờ gần 2,6ha, diện tích mặt nước là 10,7ha. Giai đoạn 1, với diện tích 8,8ha sẽ sắp xếp cho 21 bè nổi có từ năm 2018 trở về trước. Giai đoạn 2, thực hiện phần diện tích còn lại, với điều kiện phải di dời dân đang sinh sống tại khu vực Bãi Ngà. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số vướng mắc, UBND tỉnh chưa có văn bản chính thức cho phép hoạt động kinh doanh ẩm thực bằng bè nổi tại Vũng Rô.

Có phương án nhưng khó triển khai

Theo UBND TX Đông Hòa, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đến tháng 10/2021 không còn lồng bè NTTS tại vịnh Vũng Rô, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm phát sinh, tổ chức thống kê, ký cam kết và vận động các chủ bè tự di dời, giải tỏa sau khi hết vụ nuôi. Đồng thời, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa, tuy nhiên vẫn chưa triển khai được vì gặp phải một số vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Hồng cho biết thêm: Việc xây dựng phương án cưỡng chế lồng bè NTTS đang gặp khó khăn trong công tác xử lý tài sản (tôm, cá sống...). Số lượng tôm, cá nuôi rất lớn, nhiều kích cỡ nên rất khó kiểm tra, kiểm đếm và không có phương tiện trông giữ, bảo quản theo quy định. Vấn đề này, Sở Tư pháp cũng có văn bản xin ý kiến nhưng đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và chỉ ghi nhận sẽ kiến nghị với Chính phủ. Mặt khác, nếu tổ chức cưỡng chế bằng hình thức kéo lồng bè NTTS khỏi khu vực Vũng Rô ra biển Đông thì không có vị trí neo đậu, sẽ bị sóng đánh vỡ bè, trôi mất tài sản của người dân. Đa số các hộ dân tại thôn Vũng Rô tham gia NTTS lồng bè, thu nhập chính dựa vào nghề NTTS, không có nghề phụ nào khác nhưng hiện nay chưa chuyển đổi được nghề phù hợp để thay thế.

Theo Sở NN-PTNT, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quy hoạch NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2018 theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến nay đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giải tỏa toàn bộ lồng bè NTTS trên vịnh Vũng Rô là rất khó, không đảm bảo thời gian như tỉnh đã yêu cầu. Nguyên nhân là việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển để NTTS cho các hộ dân đủ điều kiện theo các quy định vẫn còn vướng mắc, các địa phương còn chờ vào quy hoạch tỉnh được duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, các quy định về cưỡng chế đối với thủy sản nuôi tại Nghị định 166 ngày 12/11/2013 của Chính phủ và các nghị định về xử lý vi phạm hành chính chưa được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, do đó các địa phương gặp vướng mắc, khó khăn trong công tác cưỡng chế, di dời lồng bè vi phạm do không đảm bảo được kinh phí, công cụ, phương tiện kỹ thuật và việc kiểm đếm, trông giữ, bảo quản tài sản như quy định. Việc hỗ trợ cho các hộ nuôi sau khi sắp xếp, giải tỏa lồng bè đòi hỏi kinh phí rất lớn, trong khi các hộ dân bị giải tỏa đều là nuôi tự phát, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển, giấy phép NTTS nên khó thực hiện việc hỗ trợ. Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét kéo dài thêm thời gian thực hiện việc giải tỏa toàn bộ lồng bè NTTS ngoài quy hoạch trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực vịnh Vũng Rô.

Việc tháo dỡ và di dời lồng bè ra khỏi khu vực vịnh Vũng Rô cần nột khoản kinh phí rất lớn, theo dự toán khoảng 10,5 tỉ đồng, trong khi nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn. UBND TX Đông Hòa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan hướng dẫn quy trình thực hiện cưỡng chế lồng bè NTTS, nhất là xử lý tôm, cá sống; hỗ trợ việc làm cho các hộ thu nhập chính dựa vào nghề NTTS ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa Nguyễn Văn Hồng

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/280249/loay-hoay-tim-giai-phap-giai-toa-long-be-o-vung-ro.html