Lộc Bình: Tạo sinh kế giúp người dân giảm nghèo

Những năm gần đây, UBND huyện Lộc Bình đã triển khai có hiệu quả dự án 2 'Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, qua đó, đã góp phần giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn có thêm sinh kế để từng bước ổn định cuộc sống.

Gia đình ông Tô Văn Sạch ở thôn Bản Mới, xã Thống Nhất có 6 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2023, từ nguồn vốn dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, gia đình ông được hỗ trợ 2 con bò vàng thuộc mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng cỏ voi. Sau một thời gian chăm sóc, vừa qua một con bò cái của gia đình ông đã sinh bê. Hiện ông đang tích cực chăm sóc để bê phát triển khỏe mạnh, từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi nhằm tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông Tô Văn Sạch, thôn Bản Mới, xã Thống Nhất chăm sóc đàn bò của gia đình

Ông Tô Văn Sạch, thôn Bản Mới, xã Thống Nhất chăm sóc đàn bò của gia đình

Ông Sạch chia sẻ: Được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò giống, tôi thấy vui lắm vì có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. Hiện tôi đang tập trung chăm sóc, phấn đấu sau 3 năm, đàn bò của tôi sẽ phát triển thêm mấy con nữa để gia đình có sinh kế ổn định, thoát nghèo bền vững.

Theo ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, thực hiện dự án 2, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 - 2024, xã triển khai 3 mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng cỏ voi với 29 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, mỗi hộ dân được hỗ trợ 2 con bò. Để mô hình triển khai hiệu quả, trong quá trình thực hiện, ngoài việc các hộ dân được tập huấn kiến thức chăn nuôi, mỗi mô hình xã lựa chọn 1 hộ dân làm kinh tế giỏi cùng tham gia để các hộ này chia sẻ cách làm cho các hộ trong dự án. Hiện nay, mô hình chăn nuôi bò vàng đã có 3 con sinh sản, bước đầu tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế gia đình.

Cũng là một trong những xã được thụ hưởng dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, năm 2023, xã Hữu Lân có 32 hộ nghèo tham gia mô hình chăn nuôi ngựa và chăn nuôi dê sinh sản với tổng số vốn trên 1,2 tỷ đồng. Theo đó, các hộ được hỗ trợ 152 con giống, thức ăn, vắc – xin và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.

Ông Nông Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hữu Lân cho biết: Khi triển khai dự án, chúng tôi thành lập tổ chăn nuôi cộng đồng, có sự tham gia của trưởng thôn nơi triển khai dự án. Các trưởng thôn vừa chia sẻ khoa học kỹ thuật, vừa đôn đốc, giúp đỡ các hộ tham gia thực hiện dự án. Nhờ đó, các mô hình phát triển ổn định, một số con dê đang bước vào giai đoạn chuẩn bị sinh sản.

Đây chỉ là 2 trong nhiều xã của huyện Lộc Bình triển khai có hiệu quả nguồn vốn dự án 2, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo của UBND huyện Lộc Bình, trong năm 2022 – 2023, từ nguồn vốn dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế”, huyện đã triển khai 15 mô hình chăn nuôi gia súc sinh sản tại 7 xã đặc biệt khó khăn, tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Trong đó, có 3 mô hình chăn nuôi ngựa; 9 mô hình chăn nuôi bò; 1 mô hình chăn nuôi dê; 2 mô hình chăn nuôi trâu với tổng số 140 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, được hỗ trợ 376 con giống.

Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chúng tôi ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn, tập trung nguồn lực đầu tư vào đúng đối tượng, không dàn trải. Để các mô hình chăn nuôi phát triển hiệu quả, trong quá trình triển khai, chúng tôi đã chỉ đạo các xã thành lập tổ cộng đồng, trong đó có 1 người giữ vai trò quản lý, đôn đốc các hộ dân tham gia dự án. Nhờ đó, các mô hình chăn nuôi đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, một số con trâu, bò, ngựa đang bước vào giai đoạn sinh sản. Hiện nay, các con bò theo mô hình tại các xã Thống Nhất, Tĩnh Bắc, Tam Gia đã sinh sản được gần 30 con bê, từng bước tạo sinh kế để người dân phát kinh tế và nhân rộng mô hình chăn nuôi trên địa bàn.

Với cách làm sáng tạo, huyện Lộc Bình được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá là 1 trong 5 huyện của tỉnh triển khai có hiệu quả dự án 2, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, góp phần giúp người dân các xã đặc biệt khó khăn có thêm sinh kế để từng bước giảm nghèo bền vững.

Năm 2024, UBND huyện tiếp tục triển khai 10 mô hình chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản và chăn nuôi vịt cổ xanh ở 8 xã trên địa bàn với 85 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện 4,1 tỷ đồng, số con giống hỗ trợ cho các hộ là 133 con trâu, bò, ngựa và 2.800 con vịt. Đến nay, đàn vật nuôi trong mô hình đang sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian tới, UBND huyện Lộc Bình sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát các xã trong quá trình thực hiện, đảm bảo các đối tượng được thụ hưởng dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả.

Hoàng Hương

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/loc-binh-phat-trien-chan-nuoi-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-5022086.html