Lộc Hà tập trung phòng dịch bệnh, phát triển đàn vật nuôi

Các cấp, ngành và người chăn nuôi ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) luôn quan tâm đến công tác phòng ngừa các loại dịch bệnh, xem đây là nền tảng để ổn định sản xuất, phát triển chăn nuôi.

 Người chăn nuôi ở Hồng Lộc phun tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại cho đàn bò lai nuôi nhốt.

Người chăn nuôi ở Hồng Lộc phun tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại cho đàn bò lai nuôi nhốt.

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế tối đa các ổ dịch cũ tái phát, nhất là trong thời điểm chuyển mùa, ngành NN&PTNT cùng các địa phương đang tập trung triển khai tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi đợt 2/2024.

Để đợt tiêm phòng đạt kết quả cao, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin và phân công cán bộ phụ trách địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, tăng tiến độ thực hiện.

 Tiêm phòng dịch lở mồm long móng cho đàn trâu ở xã Thạch Mỹ.

Tiêm phòng dịch lở mồm long móng cho đàn trâu ở xã Thạch Mỹ.

Ông Phan Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà thông tin: “Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi định kỳ đợt 2/2024 trên địa bàn đạt hiệu quả, đúng thời gian, vượt kế hoạch được giao, chúng tôi đã tập trung vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm. Nhờ vậy, từ ngày 1/10 đến nay, các địa phương đã tiêm phòng lở mồm long móng 2.000 liều/3.564 con phải tiêm, tụ huyết trùng trâu bò 1.900 liều/3.564 con, cúm gia cầm 70.000 liều/129.034 con, vắc-xin cho đàn lợn mỗi loại gần 8.000 liều/9.340 con và đang phấn đấu trong tháng 10 này sẽ hoàn thành công tác tiêm phòng”.

 Đàn bò ở xã Hồng Lộc được tiêm phòng tụ huyết trùng.

Đàn bò ở xã Hồng Lộc được tiêm phòng tụ huyết trùng.

Cũng theo ông Phan Văn Thanh, những năm gần đây, các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Lộc Hà luôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nên có nhiều chuyển biến tích cực. Năm nào trên địa bàn cũng triển khai tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi 2 đợt với tỷ lệ tiêm khá cao: lở mồm long móng trên đàn trâu bò thường đạt khoảng 95%, tụ huyết trùng trâu bò đạt khoảng 80%, tụ huyết trùng và dịch tả trên đàn lợn đạt 100%, cúm gà vịt đạt 71%...

 Tiêm phòng dịch cúm cho đàn gia cầm ở thị trấn Lộc Hà.

Tiêm phòng dịch cúm cho đàn gia cầm ở thị trấn Lộc Hà.

Tại xã Phù Lưu, theo chị Phạm Thị Thắm – cán bộ thú y xã: "Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình chăn nuôi, tăng cường ngăn chặn dịch bệnh, quyết liệt trong tiêm phòng theo chỉ đạo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân về việc tiêm phòng định kỳ, triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động kiểm soát và ngăn chặn các loại dịch bệnh… nên chăn nuôi ngày càng phát triển.

Do được tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên nên ý thức phòng ngừa dịch bệnh và tiêm phòng dịch cho đàn vật nuôi của người dân được nâng lên. Anh Nguyễn Đức Thích ở thôn Lương Trung (xã Ích Hậu) cho biết: “Chúng tôi luôn duy trì khoảng 500 con vịt đẻ và khoảng 2-3 nghìn vịt thịt/lứa. Vào những thời điểm gối vụ như thế này, chúng tôi thả cho vịt đi kiếm ăn tự do trên vùng đồng rộng khoảng 250 ha nên nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh rất lớn. Để đảm an toàn trong chăn nuôi, ngoài vệ sinh chuồng trại, cho ăn uống đủ chất, chúng tôi cũng luôn tiêm phòng dịch định kỳ”.

 Anh Nguyễn Tiến Dũng – cán bộ kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cơ sở giết mổ xã Phù Lưu kiểm tra gia súc trước khi đưa vào lò mổ để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Anh Nguyễn Tiến Dũng – cán bộ kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cơ sở giết mổ xã Phù Lưu kiểm tra gia súc trước khi đưa vào lò mổ để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Công tác phòng ngừa dịch bệnh qua kiểm soát hoạt động giết mổ, mua bán vật nuôi đã được lực lượng kiểm dịch phối hợp cùng công an, chính quyền địa phương thực hiện tốt, nhất là trong các thời điểm trên địa bàn có dịch.

Anh Nguyễn Tiến Dũng – cán bộ kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cơ sở giết mổ xã Phù Lưu chia sẻ: “Mỗi ngày ở cơ sở này giết thịt 7-12 con trâu bò, 12-15 con lợn (dịp lễ tết tăng gấp 3 lần) đến từ các xã Bình An, Phù Lưu, Tân Lộc, Thạch Mỹ.... Nhằm hạn chế các loại dịch bệnh có thể xâm nhập vào lò mổ và lây lan ra ngoài trên diện rộng, chúng tôi thường xuyên tăng cường hoạt động kiểm soát trước, trong và sau giết mổ, kiểm tra nguồn gốc động vật nhập vào và yêu cầu chủ cơ sở phải vệ sinh sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng hằng ngày…”.

 Đảm bảo an toàn dịch bệnh là yếu tố quyết định để anh Nguyễn Đức Thích ở xã Ích Hậu duy trì và phát triển đàn gia cầm.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh là yếu tố quyết định để anh Nguyễn Đức Thích ở xã Ích Hậu duy trì và phát triển đàn gia cầm.

Việc chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tài sản của Nhân dân và duy trì sản xuất ổn định, đưa giá trị ngành chăn nuôi tăng lên. Được biết, toàn huyện Lộc Hà hiện có gần 11 nghìn con trâu bò (tăng 5-7% mỗi năm), 10.500 con lợn (tăng 1-2% mỗi năm), gần 300 nghìn con gia cầm (duy trì ổn định) cho giá trị sản xuất khoảng 330 tỷ đồng/năm, tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 30% của ngành nông nghiệp.

Tiến Dũng

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/loc-ha-tap-trung-phong-dich-benh-phat-trien-dan-vat-nuoi-post275542.html