Logistics chuyển mình đón đầu cơ hội
Năm 2023, chỉ số hiệu quả logistic (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14 - 16%/năm, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những điều kiện tương trợ phát triển ngành dịch vụ logistics thời gian qua phải kể đến vai trò của ngành thương mại điện tử.
"Việt Nam hiện là quốc gia có tỉ lệ người dân mua sắm điện tử cao nhất Đông Nam Á khoảng 43 triệu người, điều này cho thấy dịch vụ logistics đã đáp ứng được nhanh chóng nhu cầu ngành thương mại điện tử. Xu hướng chuyển đổi số thay đổi hành vi mua sắm và các yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử trở thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua".
Cũng theo ông Hải, để dịch vụ logistics ngày càng "chuyển mình" đón đầu cơ hội thì yêu cầu "liên kết vùng" rất quan trọng. Tính đến nay, cả nước có 45 tỉnh, thành đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics (triển khai theo Quyết định 200/221 của Thủ tướng Chính phủ).
Về các cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ logistics, ông Hải cho biết, Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý.
Dự kiến, Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Bộ Công Thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2024.