Lợi bất cập hại vì… sợ bùn đất
'Quần áo lấm bẩn có thể giặt sạch. Phòng bừa bộn có thể dọn nhưng nếu trẻ mất khả năng chủ động tìm kiếm kiến thức và học hỏi vì sợ bẩn thì lợi bất cập hại'...
Đó là quan điểm chia ra thành nhiều trường phái đối lập của một số cha mẹ “Tây và ta” trong vấn đề cho con nghịch bẩn hay không.
Nghịch bẩn – đừng ngại!
“Nào, đừng nghịch bẩn” hoặc “đừng chơi trò làm bẩn quần áo”, “đừng đi chân đất”… là những câu nói khá quen thuộc của nhiều cha mẹ. Trong cuộc sống hiện đại, phụ huynh thường hay sợ con chơi bẩn, lấm lem bùn đất cát… Trong khi đó, nghịch bẩn chính là một trò vui của nhiều trẻ em nước ngoài. Bởi cha mẹ chúng cho rằng, việc ấy rất tốt cho sự phát triển cả cơ thể và tâm hồn của trẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhựt – Kỹ sư cao cấp, hiện đang sinh sống và làm việc tại Copenhagen, Đan Mạch đã nhiều năm định cư ở nước ngoài. Khi có con, ông thường xuyên tìm hiểu các phương pháp giáo dục trẻ của nước bạn với mong muốn trẻ được học tập văn hóa, hòa nhập với xứ sở Đan Mạch.
Điều đặc biệt nhất, ông thường xuyên lắng nghe các tư vấn của bác sĩ, chuyên gia tâm lý về cách dạy trẻ thích nghi với môi trường sống để có được sức khỏe tốt. Một trong số đó là việc để con thoải mái nghịch bẩn.
TS Nguyễn Thành Nhựt chia sẻ: Khi con còn nhỏ, tôi vẫn quen với nếp sống ở Việt Nam. Ông bà, cha mẹ tôi rất giữ gìn con cháu. Ở nhà, người lớn thường dặn trẻ không được nghịch bẩn, không được đi chân đất… Lý do thường là sợ trẻ bị ốm, hay nhiễm khuẩn, giun sán… Tuy nhiên, khi áp dụng điều này với con gái. Người dân bản địa đã mỉm cười và nói với vợ chồng tôi rằng, hãy để con được “sống cùng với bùn đất”.
Sau đó, chúng tôi gặp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Họ khuyên rằng, sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào vi khuẩn mà chúng ta thu nhận và sự phát triển khả năng miễn dịch khi còn nhỏ. Tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn khác nhau sẽ huấn luyện cho hệ thống miễn dịch phân biệt được loại vi khuẩn nào là tốt, xấu và vô hại.
Đồng thời, sức khỏe của bạn được kết nối với các vi sinh vật bạn mang theo bên ngoài và bên trong cơ thể, và càng tiếp xúc nhiều với chúng, đặc biệt là khi còn nhỏ, thì bạn sẽ càng có khả năng trở nên khỏe mạnh khi trưởng thành.
Suốt thời gian đó, TS Nguyễn Thành Nhựt đã tìm hiểu rất nhiều sách và thoải mái để con được lấm bẩn. Nhờ đó, trẻ được tự do đi chân đất nếu muốn, được trồng cây, chăm sóc vật nuôi mà không ngại làm bẩn quần áo.
TS Nguyễn Thành Nhựt cho rằng: “Quần áo bẩn có thể giặt sạch, phòng bừa bộn có thể dọn dẹp nhưng nếu trẻ mất khả năng chủ động tìm kiếm kiến thức và học hỏi vì sợ bẩn thì lợi bất cập hại”.
Nói rõ về vấn đề này, ông giải thích: Nếu bố mẹ luôn dặn rằng không được chạm vào cái này, đừng động đến cái kia, trẻ như bị giam cầm. Từ đó, con không dám chủ động chạm tay vào “thế giới” sáng tạo đầy thú vị. Những đứa trẻ như vậy không những không hạnh phúc mà còn mất đi tính chủ động khám phá cuộc sống.
Sự sáng tạo của trẻ luôn vượt qua sức tưởng tượng của người lớn. Nhưng trẻ phải được sáng tạo sáng tạo một cách mạnh dạn và tự do mà không bị bố mẹ gò bó.
Vì thế, nếu trẻ khỏe mạnh, hãy để con thoải mái nghịch bùn hay đào giun đất, bắt dế mèn… Trẻ sẽ có những kỷ niệm đẹp về thời thơ ấu của mình. Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng bùng nổ đã khiến trẻ thiệt thòi khi giam mình trong nhà với thiết bị điện tử. Dần dần, trẻ không còn khả năng phát triển tình yêu thiên nhiên, vươn mình ra cuộc sống thực tế bên ngoài…
Việc nghịch bẩn không chỉ giúp trẻ có cơ hội duy trì hệ vi sinh vật và hệ miễn dịch khỏe mạnh mà còn giúp trẻ tự lập, vui vẻ, hạnh phúc và chủ động trong cuộc sống.
TS Nguyễn Thành Nhựt cũng chia sẻ: Ở Việt Nam, một số cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con không được làm việc này, chạm vào thứ kia. Nhiều khi, vì sợ con ăn uống rơi vãi gây bẩn, thậm chí khi con đã học tiểu học vẫn được cha mẹ đút cơm ăn.
Nhiều đứa trẻ vì sợ la mắng mà không dám vẽ bậy lên tường… Cha mẹ không biết rằng, sự cấm cản của mình sẽ khiến trẻ trở nên thiếu nhiệt tình và ít quan tâm tới mọi việc. Thậm chí, còn khiến chúng trở lên nhút nhát, ngại va chạm và luôn sợ sệt.
Ở Đan Mạch và một số quốc gia trên thế giới, trẻ thường rất tự tin, vui vẻ và nhanh hòa đồng. Chúng có thể ngủ riêng khi mới sinh ra, biết xúc ăn từ rất sớm, mạnh dạn làm những điều mình thích... Khi con cái chơi bẩn với đất cát tự nhiên đem lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của cả trẻ em và người lớn.
Cha mẹ hãy đừng vội quát mắng khi thấy con nghịch đất ngoài vườn bằng đôi chân trần. Không đi dép cũng thúc đẩy tinh thần sảng khoái, hạnh phúc hơn và mang lại sức khỏe toàn diện cho trẻ. Hơn thế, người lớn hãy nhìn những lúc trẻ được “chạm tay” vào để khám phá mọi thứ xung quanh. Chúng sẽ vô cùng thích thú khi được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ.
Mỗi lúc chơi đùa không bị quát mắng, chúng luôn vô tư và rất sảng khoái. Nụ cười đó hãy để trẻ được lặp lại nhiều hơn mỗi ngày. Nếu theo dõi trẻ nghịch bẩn, cha mẹ còn phát hiện ra rất nhiều khả năng sáng tạo của con để phát triển các kỹ năng khác trong cuộc sống. Vì thế, nghịch bẩn - đừng ngại.
Cùng con lấm bẩn mỗi ngày
Ở Việt Nam, nhiều mẹ thích con vui chơi để phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng ngược lại, nhiều phụ huynh cũng rất e ngại cho con “nghịch bẩn” vì sợ con dơ dáy, nhiễm bệnh.
Chị Phạm Hoàng Giang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Cứ nói ở nước ngoài trẻ được phát triển tự do nhưng mình đang sống ở môi trường Việt Nam. Khí hậu, phong tục, nếp sống, cơ sở vật chất… có nhiều điều khác nhau nên không thể học theo được.
Cứ mỗi lần con tôi nghịch bùn đất lấm lem hay nghịch cát là tối về chỗ nào cũng thấy đất cát. Thậm chí, đầu tóc, trong hốc mắt, lỗ mũi cũng có cát. Như vậy, để con chơi “tẹt ga” thì đồng nghĩa với việc chấp nhận vi khuẩn xâm nhập, ốm đau, bệnh tật… Chưa kể đến những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình vui chơi gây hại đến trẻ.
Chị Giang còn nhấn mạnh, chúng ta nên đặt con vào môi trường càng vô trùng càng tốt. Nên thường xuyên nhắc nhở con rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, uống sữa tiệt trùng, ăn hoa quả sạch có nguồn gốc… Không chỉ chị Giang mà rất nhiều cha mẹ có đồng quan điểm giữ con sạch sẽ, tránh xa bùn đất, lấm bẩn. Càng sạch sẽ càng tốt cho sức khỏe của con.
Tuy nhiên, chị Nghiêm Thị Hà – Việt kiều Pháp cho rằng: Ở nước ngoài, hầu hết cha mẹ cho rằng, cứ để con vô tư đùa nghịch dưới sự giám sát của người lớn thì chúng mới có cơ hội tự do khám phá thế giới xung quanh. Nhờ đó, chúng hiểu thêm về môi trường mà chúng đang sống cũng như tăng khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng.
Trẻ tự khắc sẽ thích nghi được với những điều kiện có vẻ kém sạch sẽ bên ngoài, bằng chứng là kể cả ở Việt Nam, trẻ em ở nông thôn không chỉ ít bệnh tật mà thường khỏe hơn, có sức đề kháng tốt hơn trẻ em thành phố. Nhiều trẻ em ở miền núi có điều kiện thiếu thốn nhưng vẫn rất vui tươi, hồn nhiên.
Chị Hà cũng cho biết thêm, nhiều bà mẹ ở Pháp tập trung vào việc tăng cường khả năng miễn dịch của cá nhân hơn là chỉ giải quyết bệnh tật. Một trong số đó là để con được “nghịch cùng vi khuẩn”, cơ thể sẽ tự kháng với chúng sau này.
Vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân bản địa cũng có nhiều điểm khác biệt so với ở Việt Nam. Ví dụ, phụ nữ ở đây sau khi sinh con 4 tháng đã đi làm. Thời gian này, trẻ sẽ được gửi đến trường học. Điều này rất hiếm gặp ở nước ta khi cho con đi nhà trẻ ở độ tuổi 4 tháng.
Thậm chí, khi một đứa trẻ trong lớp bị ốm, họ vẫn khuyến khích cho con đến trường chứ không ngại lây sang em bé khác. Đối với họ, đây chính là môi trường để con tiếp xúc với các loại vi khuẩn. Từ đó con có sức đề kháng, miễn dịch với chúng sau này và càng lớn sẽ càng ít bệnh tật.
Tuy nhiên, chị Hà cho rằng, ở mỗi quốc gia, nơi ở đều có một phong tục và cách sống khác nhau. Việc cho con lấm lem bùn đất, hòa mình vào thiên nhiên không phải là tùy ý. Hãy giúp trẻ phân biệt được tốt – xấu như không được đưa những vật này vào mắt, mũi, miệng hay “nếm” thử…
Hãy để con được trải nghiệm bằng trí tuệ chứ không phải là sự tự do thái quá sẽ gây hại. Mỗi nơi ở cũng có những đặc điểm khác nhau nên người lớn hãy cho trẻ chơi trong điều kiện được cảnh báo về rủi ro. Ví dụ đi chân đất có thể tốt cho sức khỏe nhưng trong nhiều khu vườn ở Việt Nam, không đi dép có thể khiến con bị thương từ thủy tinh, vỏ chai lọ, rác thải… Nếu được, cha mẹ hãy lấm bẩn cùng con mỗi ngày để trẻ trở lên hạnh phúc, khỏe mạnh hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/loi-bat-cap-hai-vi-so-bun-dat-0uKsqRlGg.html