Lời cảnh báo nghiêm túc về tác hại của chứng COVID kéo dài
Hàng triệu bệnh nhân nhiễm COVID đã gặp phải các triệu chứng suy nhược hàng tháng sau khi nhiễm bệnh. Nhiều người trong số họ đang kêu gọi để thuyết phục bác sĩ hoặc người thân xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.
Các bệnh nhân nhiễm COVID đôi khi cần nhiều tháng để hồi phục. Ảnh: DPA
Bài liên quan
Giới trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi triệu chứng COVID kéo dài khi biến thể Delta bùng phát
WHO 'quan ngại sâu sắc' về triệu chứng COVID-19 kéo dài
Trong 18 tháng qua, câu trả lời mà Marta Esperti thường xuyên nghe từ bác sĩ của mình là: "Phải chờ cho đến khi bệnh tự qua đi".
Nhưng Esperti cảm thấy chờ đợi không phải là một lựa chọn khi cô liên tục bị sốt, buồn nôn, mệt mỏi, tim đập nhanh, mất trí nhớ và độ bão hòa oxy thấp nguy hiểm vẫn tồn tại hơn một năm sau khi nhiễm COVID-19. Là người thích đi du lịch và rèn luyện sức khỏe, Esperti giờ đây có thể cảm thấy mệt mỏi hết sức lực chỉ từ việc nấu bữa trưa.
Sau khi thăm khám vô số bác sĩ chuyên khoa ở Pháp và ở Ý, kèm theo nhiều hóa đơn khám bệnh, cuối cùng cô ấy đã được chẩn đoán: COVID kéo dài. Và các cuộc xét nghiệm cho thấy tim và phổi của cô bị tổn thương đáng kể.
"Tôi cảm thấy giận dữ. Trong một năm, tôi đã không được coi trọng", cô nói với DW. "Có lẽ nếu ai đó đã lắng nghe, tôi sẽ có cơ hội bình phục".
COVID kéo dài là gì?
Cô Esperti là một trong số hàng triệu người nhiễm COVID kéo dài, bị ảnh hưởng hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng sau khi bị nhiễm COVID cấp tính. Những triệu chứng này có thể bao gồm từ mệt mỏi, khó thở, sốt tới buồn nôn, đau người.
Khoảng 15% bệnh nhân nhiễm COVID vẫn có một số triệu chứng sau 12 tuần, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London ở Anh. Phụ nữ và bệnh nhân lớn tuổi có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn những đối tượng khác.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những nguyên nhân có thể khiến tình trạng bệnh trở nên khó chẩn đoán và kéo dài. Đối với nhiều người nhiễm bệnh kéo dài, mỗi lần tới bác sĩ là một lần đấu tranh giành sự tin tưởng.
Marta Esperti đã phải đợi một năm cho đến khi các bác sĩ xem xét các triệu chứng của cô ấy một cách nghiêm túc - Ảnh: FBCN
Cảm giác thất bại
Đó là trường hợp của cô Alexandra Farrington, người được thông báo rằng các triệu chứng chỉ là tưởng tượng. Cô vẫn bị đau ngực, khó thở và mệt mỏi kéo dài sau khi bị nhiễm COVID vào tháng 3/2020.
Nhân viên y tế có xu hướng hỗ trợ cho đến khi họ bối rối vì không thể tìm ra nguyên nhân, cô nói. Một bác sĩ tim mạch đã nói với cô ấy rằng đừng bao giờ quay lại khoa của ông.
Alexandra Farrington cho biết: "Tôi cảm thấy thất bại. Đôi khi tôi cảm thấy như mình được trang bị nhiều thông tin hơn cả bác sĩ".
Tại Hastings, Anh, nghệ sĩ người Mỹ Tiffany McGinnis cho biết cô cũng không cảm thấy được hỗ trợ khi trải qua những đợt viêm phổi và đau ngực tái phát sau khi bị nhiễm COVID. Các triệu chứng của cô cuối cùng đã thuyên giảm sau 14 tháng.
Các triệu chứng bị loại bỏ
Cô Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, là một trong những nhà nghiên cứu đang nghiên cứu nguyên nhân gây ra COVID kéo dài cũng như các hội chứng sau nhiễm trùng khác, để các bác sĩ có thể điều trị bệnh nhân tốt hơn. "Trong lịch sử, chắc chắn đã có những triệu chứng bị loại bỏ", cô nói. "Rất ít nghiên cứu khoa học đã được thực hiện mặc dù chúng có tác động nghiêm trọng cho con người".
Hiện nay, nhiều bệnh nhân COVID đang gặp phải tình trạng tương tự. Với sự xuất hiện của biến thể mới, đột nhiên có hàng triệu người gặp nhiều vấn đề hậu điều trị từ tim mạch tới thần kinh. Cô Iwasaki nói: “Nếu có quá nhiều vấn đề, một chuyên gia không biết làm thế nào để xử lý tất cả. Chúng ta cần thay đổi điều đó".
Một số quốc gia đang đẩy mạnh nghiên cứu của họ: Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 1 tỷ đô la cho Viện Y tế Quốc gia để nghiên cứu hậu quả lâu dài của việc nhiễm COVID. Chính phủ Anh đã đầu tư gần 20 triệu bảng Anh vào một loạt các nghiên cứu tương tự.
Lời cảnh báo từ Marta Esperti, Alexandra Farrington và nhiều bệnh nhân khác là mọi người cần tuân thủ các biện pháp ngăn chặn COVID cũng như tích cức tiêm chủng để tránh sự lây lan của dịch bệnh.