Lời cảnh tỉnh từ lứa U20 của bóng đá Việt Nam

Trái ngược với nhận định lạc quan của lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam, các đội tuyển trẻ Việt Nam - nền móng cho tương lai thay nhau thất bại...

Các cầu thủ U20 Việt Nam sau trận thua U20 Syria. Ảnh: INT.

Các cầu thủ U20 Việt Nam sau trận thua U20 Syria. Ảnh: INT.

Lực bất tòng tâm

Vòng loại U20 châu Á 2025 kết thúc, qua đó xác định 10 đội đứng nhất 10 bảng và 5 đội đứng thứ nhì tốt nhất sẽ cùng chủ nhà U20 Trung Quốc tham dự Vòng chung kết, từ ngày 5 đến 23/2 năm sau tại Trung Quốc.

Theo bình luận của website LĐBĐ châu Á, “không có bất ngờ lớn nào xảy ra khi các đội được đánh giá cao đều giành quyền đến Trung Quốc”. Chỉ có điều, trong số 16 đội này, không có U20 Việt Nam. Đông Nam Á có 2 đại diện là U20 Indonesia và U20 Thái Lan.

Vòng chung kết U20 châu Á chỉ lấy 5 đội nhì thành tích tốt nhất từ 10 bảng. Do có bảng 4 đội, các đội nhì ở bảng 5 đội phải bỏ đi kết quả với đội xếp cuối. Việt Nam trừ đi kết quả thắng Bhutan 5-0, dẫn đến còn 6 điểm và hiệu số +5. Trong nhóm nhì, U20 Việt Nam đứng thứ 6, bằng hai đội xếp trên, nhưng Thái Lan và Jordan lần lượt có hiệu số +17 và +8. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 Việt Nam không được dự Vòng chung kết U20 châu Á, sau 6 kỳ liên tiếp 2010, 2012, 2014, 2016, 2018 và 2023. Trước đó, đội từng dự VCK năm 2002, 2004 và 2006. Thành tích tốt nhất là vào bán kết 2016, qua đó giành vé dự FIFA U20 World Cup 2017.

Trong bối cảnh các đội tuyển trẻ liên tiếp thất bại, U20 Việt Nam được thành lập với sứ mệnh giành vé đến Trung Quốc.

Thầy trò huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh được tạo điều kiện tham gia giải giao hữu tứ hùng Cúp Hoa Sơn tại Trung Quốc rất chất lượng, gồm những đối thủ Hàn Quốc, Uzbekistan, Trung Quốc, rồi trở về đá giao hữu với đội trẻ của một số câu lạc bộ Hàn Quốc.

U20 Việt Nam còn được rèn giũa ở giải U19 vô địch Đông Nam Á, rồi tập huấn tại Nhật Bản, cùng 2 trận giao hữu với U19 Nga.

Về nhân sự, đội U20 hiện nay được hình thành từ lứa U16, U17, có nhiều năm thi đấu cùng nhau. Do vậy, việc U20 Việt Nam trượt suất dự Vòng chung kết năm 2025 có thể là điều bình thường với bóng đá châu lục, song với chúng ta, đó là thất bại nặng nề và đồng thời tiếp tục gióng lên hồi chuông về chất lượng đào tạo trẻ, chiến lược phát triển của một nền bóng đá đang định hướng giành vé tham dự World Cup 2030.

Phát biểu sau vòng loại, huấn luyện viên trưởng Hứa Hiền Vinh cho rằng, đội thiếu đồng bộ trong khâu chuẩn bị, phải thi đấu 4 trận trong 7 ngày, khiến các cầu thủ không kịp hồi phục thể lực là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, trong vai trò chủ nhà, U20 Việt Nam rơi vào bảng khá nhẹ, đồng thời được hưởng lợi từ lịch thi đấu khi gặp các đối thủ từ dễ đến khó.

Bhutan, Guam và Bangladesh không phải là những trở ngại quá lớn cho U20 Việt Nam. Huấn luyện viên có thể xoay tua nhân sự, linh hoạt chiến thuật để rộng đường toan tính cho trận cuối gặp U20 Syria.

Trước trận này, U20 Việt Nam chỉ cần hòa U20 Syria là hai đội cùng nhau đi tiếp. Nếu điều đó xảy ra, Syria đoạt vé chính thức với ngôi đầu bảng, U20 Việt Nam nằm trong nhóm nhì tốt nhất đi tiếp.

Thực tế, trong trận được coi là “chung kết” bảng đấu, các cầu thủ U20 Syria chơi với tốc độ chậm, không hề tạo ra áp lực quá lớn lên hàng phòng ngự U20 Việt Nam. Thế nhưng, ban huấn luyện U20 Việt Nam dường như thiếu nhạy bén để rồi xua quân lên đá đôi công với một đối thủ hơn hẳn về thể hình, thể lực. Các cầu thủ Syria dễ dàng hóa giải tất cả và đón nhận món quà từ pha đánh đầu phản lưới nhà của Ngọc Chiến ở phút 76. Thua Syria 0-1, U20 Việt Nam bị loại. Huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh nên tự trách mình.

Ngọc Chiến trở thành “tội đồ” trong trận cầu quyết định. Nhưng thất bại ở vòng loại của U20 Việt Nam là hệ quả của cả một quá trình. Đáng ra, huấn luyện viên họ Hứa và các học trò phải giải quyết tốt nhất các trận đấu trước đó để nắm thế chủ động hơn, phòng trường hợp thua trận như trước U20 Syria để rồi phải trả giá đắt. Trước những đối thủ yếu hơn hẳn như Bhutan, Bangladesh hay Guam, U20 Việt Nam cần phải có được những cơn mưa bàn thắng, tích lũy chỉ số phụ thật tốt để sẵn sàng cho cuộc đua ở nhóm vé vớt.

Đơn cử như ở lượt trận thứ 3, U20 Việt Nam dẫn bàn ngay ở phút thứ 4 trước Bangladesh, nhưng kết thúc trận đấu tỷ số chỉ là 4-1. Kết quả này khiến ông Vinh và các học trò mất ngôi đầu bảng vào tay U20 Syria, đội bóng trẻ của Tây Á đã thắng 10-1 trước U20 Guam.

Trước đó, U20 Việt Nam có những trận thắng với tỷ số “khiêm tốn” trước Bhutan (5-0), Guam (3-0). Trong khi đó, ở bảng đấu khác, đội bóng cùng khu vực U20 Thái Lan thể hiện tâm thế rõ ràng là làm tất cả cho tình huống xấu nhất. Đội bóng này dồn sức để ghi đến 13 bàn vào lưới U20 Brunei cho cuộc đua vé nhì bảng. Vì thế, ngay cả khi thua U20 Iraq ở lượt cuối thì U20 Thái Lan vẫn tự tin đoạt vé dự Vòng chung kết, bởi trong tay còn chiến thắng 5-0 trước Philippines. Đội bóng trẻ xứ chùa Vàng đã thành công.

 Đội tuyển Việt Nam thua 1-2 trước Thái Lan (giữa) trong loạt trận giao hữu tháng 9 tại sân Mỹ Đình. Ảnh: INT.

Đội tuyển Việt Nam thua 1-2 trước Thái Lan (giữa) trong loạt trận giao hữu tháng 9 tại sân Mỹ Đình. Ảnh: INT.

Chỉ tiêu ngày càng xa vời

Trong phát biểu vào đầu tháng 10 này, ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam cho biết, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ thông qua Đại hội LĐBĐ Việt Nam khóa 9 nhiệm kỳ 2022 - 2026, đội tuyển nam phấn đấu đến năm 2030 lọt vào top 10 châu Á và cạnh tranh cơ hội dự World Cup ở Ả-rập Xê-út.

Còn từ nay đến 2026, đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu giành quyền dự ASIAN Cup 2027 và ít nhất một lần vô địch Đông Nam Á. Cũng theo lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam, tổ chức này vẫn tiếp tục bám sát và triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình đã đặt ra từ trước, trong đó có đề án phát triển nguồn lực tham gia World Cup 2030, ASIAN Cup 2027, 2031 và Olympic 2028, 2032.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những chỉ tiêu cụ thể LĐBĐ Việt Nam đặt ra rất khó hoàn thành, trừ phi có sự đột biến kỳ diệu nào đó. Chẳng hạn “top 10 châu Á”, theo bảng xếp hạng FIFA tháng 9/2024, bóng đá Việt Nam với 1.161,38 điểm đứng hạng 116 thế giới, và hạng… 21 châu Á. Như vậy, chúng ta còn tới 11 bậc mới hoàn thành chỉ tiêu “top 10”.

Với nhóm Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Úc, Qatar, Iraq, Ả-rập Xê-út, Uzbekistan, đội tuyển Việt Nam chưa thể đụng đến thì ngay phía trên những chiến binh sao vàng còn rất nhiều đối thủ xương xẩu, như UAE, Jordan, Bahrain, Syria… và cả Thái Lan. Hành trình vào top 10 vì thế với đội tuyển Việt Nam còn rất gian nan.

Chỉ tiêu đặt ra cho đội tuyển Việt Nam là “phấn đấu giành quyền vào Vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2026 khu vực châu Á, cạnh tranh cơ hội dự VCK FIFA World Cup 2026 và hướng tới tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup 2030”. Đến giờ, những Chiến binh sao vàng đã dừng chân từ Vòng loại thứ hai FIFA World Cup 2026 khu vực châu Á.

Lý do của thất bại này quá dễ hiểu, đó là vấn đề năng lực và trình độ. Nói thẳng ra đội tuyển Việt Nam chưa đủ sức mạnh để cạnh tranh suất đi World Cup.

So với World Cup 2026, sân chơi lớn nhất hành tinh năm 2030 vẫn giữ nguyên cơ cấu số đội, trong khi lực lượng đội tuyển Việt Nam đi xuống, lứa trẻ chưa thể thay thế đàn anh. Bóng đá Việt Nam lấy gì để giành suất tham dự World Cup 2030?

 Huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh. Ảnh: INT.

Huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh. Ảnh: INT.

Xuống thấp hơn, chỉ tiêu cho đội tuyển Việt Nam còn là “giành quyền vào Tứ kết ASIAN Cup 2023; tham dự Vòng chung kết ASIAN Cup 2027; giành quyền vào chung kết giải bóng đá vô địch Đông Nam Á 2022, 2024, 2026; ít nhất 1 lần vô địch”.

Thực tế, đội tuyển Việt Nam đã bị loại từ vòng bảng ASIAN Cup 2023, vòng loại giải châu lục năm 2027 chưa diễn ra; lọt vào trận chung kết AFF Cup 2022 nhưng thua Thái Lan. Chỉ tiêu 1 lần “vô địch khu vực” đang ở phía trước, với giải đấu sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và năm 2026, nhưng khả năng thành công không cao, do bóng đá Việt Nam đang tụt hậu so với chính những đối thủ trong khu vực.

Không chỉ sân chơi tầm thế giới, bóng đá Việt Nam còn sa sút, hứng chịu nhiều thất bại ở các đội tuyển trẻ. Với đội U23 Việt Nam, chỉ tiêu cụ thể là “bảo vệ thành công Huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games 2023, 2025”, nhưng chúng ta đã thua người Indonesia ở bán kết giải đấu diễn ra tại Campuchia.

SEA Games 33 năm 2025 được dự báo sẽ là thách thức rất lớn cho U23 Việt Nam, bởi bên cạnh chủ nhà Thái Lan quyết tâm vô địch là sự trỗi dậy mạnh mẽ của U23 Indonesia, U23 Malaysia.

Cùng với thất bại của đội tuyển U20 Việt Nam vừa qua, bóng đá Việt Nam đã không hoàn thành chỉ tiêu “tham dự Vòng chung kết U20 châu Á, phấn đấu cạnh tranh suất tham dự U20 World Cup 2025”.

Nhìn nhận về kết quả kém cỏi của U20 Việt Nam, chuyên gia Đoàn Minh Xương nêu quan điểm, điều đó phản ánh thực trạng sa sút của bóng đá trẻ nước nhà lúc này.

“Quân thua tại tướng. Lứa này có người hay nhưng mạnh ai nấy đá nên kém hiệu quả”, ông Xương phát biểu và cho biết thêm, các cầu thủ trẻ có phần tự mãn, khi thắng các đội yếu như Bhutan, Guam, Bangladesh nhưng gặp Syria thì “cóng”. Vậy nên, “các cầu thủ trẻ cần được giáo dục, định hướng để luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu, thay vì tập trung vào thể hiện cá nhân”, ông Xương cho biết.

Trước vòng loại U20 châu Á 2025, lứa này được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh cũng dừng bước ở vòng bảng U19 Đông Nam Á 2024. Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng cho rằng, lứa U20 hiện tại không có cá nhân nổi bật hẳn lên. Cùng tầm tuổi 19, nhiều cầu thủ lứa Quang Hải, Công Phượng… đã có thể chen chân vào thi đấu tại V-League.

Bóng đá trẻ cũng có tính chu kỳ đi lên rồi xuống, chỉ có thể cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa đỉnh và đáy. Theo ông Hùng, việc U20 Việt Nam không được dự Vòng chung kết U20 châu Á là dịp để nhìn lại công tác đào tạo trẻ, định hướng phát triển.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh, thất bại của U20 Việt Nam cần được nhìn nhận thấu đáo để biết chúng ta tỉnh táo biết mình đang ở đâu, thiếu gì… Bóng đá Việt Nam chưa định hình được triết lý xuyên suốt cho tuyến trẻ. Ví dụ, huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh dùng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, nhưng người tiền nhiệm Hoàng Anh Tuấn lại là 3-4-3. Những khác biệt như vậy sẽ khiến cầu thủ gặp nhiều khó khăn để thích nghi.

“Lứa U17, U19 hiện tại sẽ là nòng cốt cho vòng loại World Cup 2034. LĐBĐ Việt Nam cần một giám đốc đào tạo trẻ kết hợp với giám đốc kỹ thuật, để làm việc cùng các câu lạc bộ, các trung tâm nhằm phát triển dài hạn và hình thành triết lý”, ông Xương cho biết.

Theo bình luận viên Vũ Quang Huy: “Thất bại của U20 Việt Nam ít nhiều nó tiếp tục cho thấy bóng đá Việt Nam đang ở biểu đồ đi xuống. Chúng ta chưa có kết quả tốt ở đội tuyển quốc gia cũng như ở các đội tuyển trẻ. U20 Việt Nam hay những lứa cầu thủ trẻ khác luôn là nguồn cung cấp nhân lực tốt cho đội tuyển quốc gia. Ở lứa U20 này, ngoài Công Phương thì tôi chưa thấy nhiều gương mặt triển vọng cho đội tuyển quốc gia và đó là một điều đáng lo ngại. Do vậy, thất bại của U20 Việt Nam một lần nữa cho thấy sự cấp thiết trong khâu đào tạo bóng đá trẻ, bồi dưỡng nhân tài mang tính chiến lược lâu dài”.

Khánh Vy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loi-canh-tinh-tu-lua-u20-cua-bong-da-viet-nam-post704607.html