Lợi gì khi tài khoản thu phí thành tài khoản giao thông?

Dự thảo nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ với nhiều điểm mới, được người dân quan tâm.

Báo Giao thông trao đổi với ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ VN) xung quanh vấn đề này.

Ông Tô Nam Toàn.

Ông Tô Nam Toàn.

Mở rộng phạm vi dịch vụ thanh toán

Những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo nghị định lần này, thưa ông?

Dự thảo hướng đến mục tiêu mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) đã được triển khai theo Quyết định 07/2017 và Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua có một điều quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Hiện Bộ GTVT đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, quy định chi tiết Điều 43 Luật Đường bộ.

Dự thảo gồm 4 chương, 38 điều. Trong đó, quy định chi tiết về thanh toán điện tử giao thông đường bộ; tài khoản giao thông; thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc; cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Ông Tô Nam Toàn

Trong đó mở rộng cả với thu phí đỗ xe tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định, nhằm tạo thuận lợi cho chủ phương tiện và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Luật Đường bộ và dự thảo nghị định hình thành khái niệm về tài khoản giao thông. Theo đó, "Tài khoản giao thông" (bao gồm thông tin về phương tiện, chủ phương tiện, không có tiền trong tài khoản) được tách từ "Tài khoản thu phí" theo Quyết định 19/2020 và được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Như ông vừa nói, dự thảo nghị định cho phép mở rộng dịch vụ thanh toán ngoài ETC, vì sao cần phải thực hiện việc này?

Đến nay dịch vụ thu phí ETC đã trở thành quen thuộc, số lượng các phương tiện dán thẻ, mở tài khoản đạt trên 96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước (trên 5,6 triệu phương tiện đã dán thẻ). Số lượng giao dịch thu phí không dừng chiếm 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc.

Tuy nhiên, hệ thống thu phí điện tử không dừng mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông và hiệu quả đầu tư của hệ thống.

Trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh, nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đầu tư. Thay vì thanh toán phí đường bộ, chủ thẻ có thể thanh toán phí sân bay, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định…

Thêm nhà cung cấp thu phí điện tử

Ngoài hai nhà cung cấp dịch vụ ETC hiện nay, dự thảo nghị định cho phép các nhà cung cấp dịch vụ khác tham gia, lý do vì sao?

Theo các Quyết định 07/2017 và 19/2020, có 2 nhà cung cấp dịch vụ thu phí là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty Cổ phần Giao thông số VN được lựa chọn triển khai thông qua hợp đồng BOO với Bộ GTVT.

Nếu vẫn chỉ có 2 đơn vị trên là nhà cung cấp dịch vụ sẽ không phù hợp với việc mở rộng dịch vụ trên nền tảng hệ thống thu phí ETC và khi bổ sung dịch vụ mới sẽ phải điều chỉnh dự án BOO. Cùng đó, nhiều dịch vụ như thu phí sân bay, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường… không thuộc phạm vi quản lý, vượt quá thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT.

Vì thế, dự thảo đề xuất 2 hình thức nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Thứ nhất là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để thu tiền sử dụng đường bộ (bao gồm nhà cung cấp theo Quyết định 19/2020).

Các nhà cung cấp dịch vụ này sẽ thực hiện phát hành thẻ đầu cuối, mở tài khoản giao thông… thực hiện đồng bộ tài khoản giao thông lên hệ thống quản lý tài khoản giao thông thuộc cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Các nhà cung cấp dịch vụ này được cung cấp dịch vụ khác (thu phí bãi đỗ xe…) nếu hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ không tham gia thu tiền sử dụng đường bộ. Khi có sự đồng ý của chủ tài khoản giao thông, các đơn vị này sẽ được kết nối, chia sẻ thông tin tài khoản giao thông để thực hiện thu các dịch vụ liên quan đến phương tiện.

Liệu chúng ta có lo ngại về việc cạnh tranh không lành mạnh khi có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ?

Việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ không phải do Bộ GTVT mà do đơn vị quản lý điểm thu quyết định. Ví dụ như thu phí vào sân bay, quyền lựa chọn nhà cung cấp thuộc về đơn vị quản lý cảng. Bộ GTVT không can thiệp vào việc này.

Bộ GTVT chỉ tạo ra hành lang pháp lý, tạo sự công bằng, môi trường không độc quyền, cạnh tranh công bằng.

Hướng đến sự thuận tiện cho người dùng

Theo dự thảo nghị định, tài khoản thu phí hiện nay của chủ phương tiện sẽ được tách thành tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán. Ông có thể nói cụ thể hơn?

Theo Quyết định 19, tài khoản thu phí là tài khoản của chủ phương tiện dùng để trả tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Do tài khoản thu phí chỉ để thanh toán cho một mục đích là trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ nên thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT.

Với tài khoản giao thông, người dùng có thể trả phí đỗ xe tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định.

Với tài khoản giao thông, người dùng có thể trả phí đỗ xe tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định.

Khi mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, tài khoản thu phí sẽ phải thanh toán cho nhiều mục đích và trở thành phương tiện thanh toán theo pháp luật ngân hàng, không thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT mà thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu chuyển tài khoản thu phí cho Ngân hàng Nhà nước quản lý thì gặp vướng mắc là ngân hàng không quản lý việc xác định số tiền phải trả trong thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Để giải quyết, Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và thống nhất: tài khoản thu phí theo Quyết định 19 được tách thành tài khoản giao thông và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tài khoản giao thông do nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ mở. Tài khoản giao thông được đồng bộ với cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ của Bộ GTVT để chia sẻ cho nhà cung cấp dịch vụ.

Quy định này sẽ kế thừa được trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ ETC để dán thẻ, mở tài khoản giao thông và quản lý tài khoản. Đồng thời, chủ tài khoản giao thông được linh hoạt trong việc kết nối tài khoản giao thông với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Với thay đổi như ông vừa nói, người dùng sẽ được lợi gì?

Như đã nói, tài khoản thu phí hiện nay sẽ được tách thành tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán của chủ phương tiện.

Với tài khoản thu phí ETC, chủ phương tiện muốn nạp tiền vào tài khoản phải chuyển khoản hoặc đến trực tiếp điểm nạp tiền của nhà cung cấp dịch vụ. Khi muốn rút tiền dùng cho mục đích khác, chủ phương tiện gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục, phải đến tận trụ sở của nhà cung cấp dịch vụ mới rút được tiền.

Tài khoản thu phí bao gồm các thông tin về phương tiện, chủ phương tiện, tiền và tài khoản này chưa được quản lý trong quy định pháp luật về ngân hàng. Trong khi đó, tài khoản giao thông chỉ bao gồm các thông tin về phương tiện, chủ phương tiện.

Nguồn tiền sẽ được tách riêng theo phương tiện thanh toán, bao gồm ví điện tử và tài khoản ngân hàng của người dân được liên kết với tài khoản giao thông. Phương tiện thanh toán này sẽ được quản lý theo quy định của ngân hàng.

Mỗi lần chủ phương tiện đi qua điểm thu như thu phí điện tử đường bộ, bãi đỗ xe, sân bay, bến cảng… hệ thống sẽ được kết nối và trừ vào nguồn tiền trong ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Chủ phương tiện có thể dễ dàng rút tiền từ phương tiện thanh toán và chi tiêu cho các mục đích khác.

Cảm ơn ông!

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/loi-gi-khi-tai-khoan-thu-phi-thanh-tai-khoan-giao-thong-192240921064700103.htm