Lỗi hệ thống
Đội tuyển Việt Nam đã đứng rất gần ngưỡng cửa lịch sử: Có điểm đầu tiên ở vòng loại thứ ba World Cup. Tuy nhiên, chỉ một khoảnh khắc sẩy chân cuối cùng, cơ hội đã vuột khỏi tầm tay. Một trận thua thật khó nuốt trôi. Tiếc nuối, dằn vặt… đó là cảm xúc chung của tất cả mọi người.
Tiến Dũng đã chơi tốt cho tới tình huống phán đoán sai dẫn tới bàn thua đầu tiên của đội tuyển Việt Nam và bị thay ra sau đó
Khi thầy Park nhận trách nhiệm
Thầy Park đã nhận sai trong buổi họp báo sau trận. Ông thừa nhận các quyết định thay người, nhất là thay hậu vệ là lỗi của mình. Tuy nhiên, đây không phải sai lầm mang tính thời điểm, mà hệ quả của trận thua trước Trung Quốc rạng sáng 8/10 đã được hình thành cả một quá trình.
Bởi, ngay từ thời điểm thành công và vinh quang nhất với đội tuyển Việt Nam, chiến lược gia người Hàn Quốc đã bộc lộ những hạn chế trong khâu nhân sự. Ông thường xuyên dùng những cầu thủ đã quen thuộc, không mặn mà thử nghiệm những gương mặt mới.
Ở vòng loại thứ ba này, đội tuyển Việt Nam sẽ luôn phải xuất trận với tâm thế thủ là chính, thậm chí tử thủ. Trong lối chơi kiểu đó, các cầu thủ, đặc biệt là hàng phòng ngự sẽ phải làm việc với công suất luôn luôn ở mức 120% sức lực mà họ có. Sự bào mòn thể lực vì thế cũng tạo ra những hậu quả là chấn thương.
Trong quyền hạn của mình, sẽ tốt hơn nếu HLV Park Hang-seo phân tích kỹ càng và đánh giá đúng thực lực của đội tuyển Việt Nam để từ đó, đưa ra những giải pháp phù hợp như gọi thêm người, đào tạo sử dụng luân phiên, đặc biệt là các cầu thủ hàng phòng ngự. Trong tay ông, luôn luôn có bản danh sách 60-70 cầu thủ có thể lựa chọn, nhưng 4 năm qua, có bao nhiêu gương mặt mới được trao cơ hội?
Trở lại trận đấu với Trung Quốc, sau bàn thua đầu tiên phần nào do lỗi phán đoán khi tranh chấp của Bùi Tiến Dũng (nhưng cũng phải nói đến trách nhiệm bọc lót của Quế Ngọc Hải), HLV Park Hang-seo đã quyết định rút anh ra khỏi sân. Người thế chỗ là Thanh Bình - một cầu thủ trẻ và sau đó, hai bàn thua tiếp theo của đội tuyển Việt Nam đều có phần lỗi của cầu thủ này.
Nhiều người cho rằng, tại sao không dùng Thành Chung hoặc Bùi Hoàng Việt Anh cho quyết định đó. Nhưng có thể, Thành Chung không ổn sau cú rách bắp ở trận gặp Australia và anh có mặt ở đội tuyển Việt Nam lần này là gượng ép. Vào sân liệu có ổn? Còn Bùi Hoàng Việt Anh hay Thanh Bình, theo đánh giá của thầy Park, cũng chẳng có khác biệt gì nên Thanh Bình được chọn. Vấn đề ở đây là nguyên nhân Bùi Tiến Dũng bị rút ra sân? Trung vệ này thực sự đã hết sức, dính chấn thương hay chỉ là một khoảnh khắc “không hài lòng” của thầy Park? Cái đó, chỉ chiến lược gia người Hàn Quốc mới lý giải nổi!
Một trận đấu có thể có điểm, nhưng chúng ta lại mất điểm đúng vào thời khắc cuối cùng.
Phải thẳng thắn!
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với HLV Park Hang-seo, hoặc phần nào, là chỉ trích các quyết định của ông có thể khiến nhiều người nói chúng ta vô ơn. Nhưng đây là công việc, không phải chỗ để nói chuyện tình cảm hay an ủi nhau vượt qua nỗi buồn. Công việc chưa tốt thì phải tìm nguyên nhân để khắc phục. Khi đội tuyển Việt Nam thành công, thầy Park cũng được tưởng thưởng xứng đáng, thì khi thất bại, ông cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề. Chắc chắn, khi lựa chọn con đường làm HLV thì ai cũng phải xác định tâm lý hai chiều như vậy. Với bóng đá vinh quang thì tột đỉnh mà thất bại thì tột cùng!
Một đội bóng muốn phát triển được, phải có những đúc rút kinh nghiệm và luôn tiến lên phía trước. Đội tuyển Việt Nam không thể dừng lại tại đây với quá khứ gần là vinh quang của một người hùng. Chúng ta vẫn phải bước tiếp…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loi-he-thong-post1383278.tpo