Lỗi hẹn tôm vụ đông

Tháng 10 hàng năm, những khu nuôi tôm thương phẩm tại phường Tân Thành (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) rục rịch thả lứa mới cho vụ đông. Năm nay, mất quá nhiều thời gian để khắc phục cơ sở vật chất khu nuôi tôm sau bão số 3 cộng với cạn vốn, nhiều bà con đành 'lỡ nhịp' với lứa tôm này.

Khu đầm nuôi tôm của ông Vũ Quang Thắng thiệt hại nặng sau bão số 3. Ảnh: P.Thanh.

Khu đầm nuôi tôm của ông Vũ Quang Thắng thiệt hại nặng sau bão số 3. Ảnh: P.Thanh.

“Miếng ăn đến miệng còn rơi”

Phường Tân Thành là nơi nuôi tôm tập trung lớn của Hải Phòng với diện tích khoảng 415ha. Trong đó, Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) phường Tân Thành quản lý 180ha và Xí nghiệp NTTS Kiến Thụy quản lý khoảng 235ha.

Sau cơn bão số 3, trên 370ha diện tích nuôi tôm quảng canh của 640 hộ dân bị ảnh hưởng, trên 45ha diện tích nuôi tôm cao sản của 60 hộ dân bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%). Hộ thiệt hại ít cũng lên tới hàng trăm triệu. Hộ thiệt hại nhiều thì mất cả tỷ đồng. Cá biệt, có đầm tôm vừa được đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống máy móc, nhà bạt cũng tan hoang. Ông Vũ Quang Thắng (ở phường Tân Thành) đứng nhìn 3 ao tôm rộng đến 2ha đang trong tình trạng “đắp chiếu”, thở dài: “Bao nhiêu vốn liếng tích góp nửa đời người, tôi đều dồn cả vào đây”.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chất lượng nguồn nước ngày càng kém nên việc nuôi tôm không mấy thuận lợi. Năm nay, ông Thắng quyết đầu tư để nâng cấp cả khu đầm. Nhìn tôm lớn từng ngày, ổn định chờ thu hoạch, ông Thắng vụt nghĩ đến việc hết nợ sau thời gian dài gồng gánh. Thế nhưng, chỉ trong vài giờ đồng hồ mưa bão, giấc mơ đẹp ấy đã trôi theo dòng nước.

Tương tự, 10 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông Nguyễn Hồng Thắng, chủ đầm kế cạnh cho hay, chưa thấy năm nào thiệt hại nặng như năm nay. Ông Thắng chia sẻ, bắt đầu từ giữa tháng 5, ông thả 50 vạn tôm. Sau hơn 4 tháng chăm sóc kỹ lưỡng, tôm thương phẩm lớn nhanh, đẹp mã, có trọng lượng đều cỡ 34 con/kg. Khi chỉ còn khoảng 15 ngày nữa được thu hoạch, ông Thắng ước tính sẽ giao cho thương lái khoảng 10 tấn tôm, thu về trên 2 tỷ đồng. Vậy nhưng, chỉ sau 12 tiếng mưa bão, nước dâng ngập các mặt ao, từng đàn tôm lần lượt ra đi.

Lỡ lứa tôm vụ đông

Theo kinh nghiệm của các chủ đầm, do thời tiết lạnh nên lứa tôm vụ đông sẽ lớn chậm hơn lứa tôm chính vụ. Mặc dù nuôi tôm vụ đông yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian kéo dài hơn, chí phí đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại, tôm vụ đông rất thuận lợi về đầu ra. Hiệu quả kinh tế cũng cao hơn do phục vụ người tiêu dùng đúng vào đợt Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Thời điểm tháng 10 hàng năm, những khu nuôi tôm thương phẩm tại phường Tân Thành rục rịch thả lứa mới cho vụ đông. Năm nay, khung cảnh nhộn nhịp ấy không còn nữa. Sau siêu bão số 3, trong khi các chủ đầm nuôi quảng canh mất 1 tháng thì các hộ nuôi cao sản phải mất 2 tháng phục hồi, cải tạo đầm tôm và sửa chữa máy móc để tái sản xuất. Do đó, phần lớn bà con đều “lỡ nhịp” với lứa tôm vụ đông.

Ông Vũ Bá Công - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn xây dựng hồ sơ hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo Nghị định số 02/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, Nghị định này được xây dựng từ năm 2017 với mức hỗ trợ thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại.

Mới đây, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã huy động doanh nghiệp hỗ trợ 16 vạn giống tôm thẻ chân trắng, 200kg thức ăn công nghiệp và các loại hóa chất, chế phẩm sinh học để trao cho hộ ông Vũ Bá Quang (khu Tân Lập, phường Tân Thành) bị thiệt hại trên 4 tấn tôm thương phẩm do bão.

Theo đại diện UBND phường Tân Thành, trong quá trình thực địa, Cục Thủy sản, Sở NNPTNT, UBND quận Dương Kinh đều khẳng định sẽ hỗ trợ con giống để bà con tái sản xuất, đặc biệt kịp thời thả lứa tôm vụ đông. Tuy nhiên, do khan hiếm nhân lực, kiệt quệ nguồn vốn cộng với mất thời gian dài khắc phục cơ sở vật chất các khu đầm nên số lượng các hộ nhận tôm giống rất ít.

Song song với kiến nghị các ngân hàng thương mại có giải pháp hỗ trợ hạ lãi suất vốn vay, giãn, hoãn nợ hoặc vay thêm để tái sản xuất, Sở NNPTNT đang nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù của TP Hải Phòng để hỗ trợ người dân đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Phương Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loi-hen-tom-vu-dong-10292225.html