Lợi ích kép từ chăn nuôi hữu cơ

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Không chỉ góp phần cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, chăn nuôi hữu cơ được coi là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, giúp hạn chế dịch bệnh cũng như những tác động xấu lên môi trường.

Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ trên nền đệm lót sinh học tại Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Huyền Linh

Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ trên nền đệm lót sinh học tại Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Huyền Linh

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, vừa qua, ông Hoàng Ngọc Sơn, xã Quang Sơn (Lập Thạch) đã cải tạo lại chuồng trại chuyển từ chăn nuôi lợn công nghiệp sang hình thức chăn nuôi lợn hữu cơ trên nền đệm lót sinh học với quy mô 250 con. Mặc dù chưa đến thời điểm xuất bán, song trong quá trình chăn nuôi, mô hình đã và đang cho thấy những lợi ích tích cực.

Bên cạnh mục đích tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ông Sơn cho biết: “Khác với chăn nuôi theo hướng công nghiệp, việc áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng hữu cơ trên nền đệm lót sinh học giúp hạn chế mùi hôi thối xung quanh chuồng nuôi, giảm tối đa lượng nước thải xả ra môi trường. Đồng thời, giúp đàn lợn sinh trưởng tốt, hạn chế lây lan dịch bệnh”.

Cùng với mô hình của ông Sơn, hiện nay, Trung tâm Giống nông nghiệp đang triển khai thêm 5 mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại các xã Quang Sơn (Lập Thạch), Tam Quan (Tam Đảo), Hướng Đạo (Tam Dương), Tam Hồng (Yên Lạc) và phường Tiền Châu (Phúc Yên). Các hộ tham gia chương trình được hỗ trợ 50% chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, men trộn đệm lót, men pha nước uống... .

Theo ông Trần Văn Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng hữu cơ là hình chăn nuôi mới, đây cũng là lần đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh với quy mô 1.500 con lợn thịt (250 con/mô hình). Mặc dù chưa đến thời điểm xuất bán, song qua theo dõi, các mô hình đều thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng; tỷ lệ nuôi sống cao, các đàn lợn đều sinh trưởng phát triển tốt, trong đó, trọng lượng bình quân đàn lợn của các mô hình đợt 1, đạt 50 -60kg/con, đợt 2 đạt 25 -30 kg/con.

Trước đó, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã triển khai 1 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại xã Văn Quán (Lập Thạch) với quy mô 200 con và 1 mô hình chăn nuôi gà Ri tại xã Đồng Quế (Sông Lô), quy mô 2.000 con.

Tổng kết đánh giá cho thấy mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ cho thu lãi 742 triệu đồng/lứa, cao hơn phương thức nuôi thông thường 228 triệu đồng; mô hình chăn nuôi gà cho lãi 169 triệu đồng/lứa, cao hơn so với chăn nuôi thông thường 50 triệu đồng.

Với những ưu điểm nổi bật, chăn nuôi theo hướng hữu cơ được là xu thế phát triển tất yếu, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững. Tuy vậy, chăn nuôi theo hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở những bước đi đầu tiên; Việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi hữu cơ khó tránh khỏi phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, người tiêu dùng chưa tin tưởng, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Vì vậy, tuy nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm chăn nuôi hữu cơ vẫn khó tiêu thụ.

Trên thực tế, trong tỉnh chưa hình thành được chuỗi thực hiện tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Ông Khoa cho biết: “Để xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ đòi hỏi nguồn cung phải đảm bảo liên tục, ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn tỉnh mới đang ở những bước đầu còn mang tính thí điểm với quy mô hẹp, chưa tạo ra được sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định”.

Trong khi đó, theo ông Sơn: Để chuyển từ chăn nuôi theo hướng công nghiệp sang hướng hữu cơ, các hộ chăn nuôi phải đầu tư thêm nhiều kinh phí để cải tạo chuồng trại. Đồng thời tốn nhiều công lao động cho việc trộn ủ thức ăn, cho ăn, đảo đệm lót. Thậm chí, thời gian nuôi có thể kéo dài hơn so với chăn nuôi công nghiệp, do đó, mà nếu giá bán lợn hữu cơ không nhỉnh hơn so với lợn thường thì sẽ khó để nhân rộng mô hình.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song chăn nuôi hữu cơ cũng có nhiều thuận lợi để phát triển, đặc biệt là có sự quan tâm hỗ trợ tỉnh. Hiện UBND tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu dự kiến đến năm 2030 tỷ lệ sản phẩm thịt lợn, thịt bò, thịt gà hữu cơ chiếm khoảng 1,5% tổng sản phẩm chăn nuôi trên địa bản tỉnh. Đây sẽ là trợ lực quan trọng thúc đẩy chăn nuôi hữu cơ của tỉnh phát triển.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83385/loi-ich-kep-tu-chan-nuoi-huu-co.html