Lợi ích 'kép' từ đưa cán bộ trẻ về xã ở Na Hang

Từ năm 2018 trở lại đây, Đảng bộ huyện Na Hang đã coi trọng công tác rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ từ thực tiễn cơ sở. Những cán bộ trẻ, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được luân chuyển, biệt phái. Từ việc bố trí, luân chuyển, biệt phái cán bộ trẻ về làm lãnh đạo xã đã mang lại lợi ích 'kép', vừa giúp các xã còn nhiều khó khăn vươn lên xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, vừa giúp cán bộ trẻ tích lũy được những kinh nghiệm thực tiễn.

Đồng chí Trần Đức Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, sinh năm 1983 được biệt phái về làm Chủ tịch UBND xã Sinh Long từ tháng 7-2020. Mặc dù thời gian ngắn nhưng anh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã nhiều giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn các dự án, chương trình 135. Đến tháng 8-2020, xã Sinh Long mới đạt trên 30% tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng đến nay đã vươn lên trở thành một trong những xã dẫn đầu toàn huyện về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ đạt trên 80%.

Đồng chí Trần Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sinh Long (ngoài cùng bên trái) cùng vớicán bộ xã kiểm tra chất lượng thi công tuyến đường giao thông nông thôn đi thôn Phiêng Tenvừa hoàn thành từ vốn đầu tư công.

Anh Tuấn cho biết, sau khi được biệt phái về làm Chủ tịch UBND xã, anh đã tìm hiểu những vướng mắc, khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Anh nhận thấy khó khăn chính là khâu lập hồ sơ, thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã còn lúng túng. Anh đã tham mưu với cấp ủy và trực tiếp hướng dẫn cán bộ hoàn thiện các thủ tục hành chính để tiến hành giải ngân. Đồng thời, vận động, lựa chọn đúng những hộ có nguyện vọng thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 để triển khai. Đến nay, nhiều công trình đầu tư công như đường giao thông nông thôn từ Phiêng Thốc đi Nặm Đường, đường đi thôn Phiêng Ten; dự án hỗ trợ trồng cây đào chín sớm, trồng cây sa nhân, cây đỗ đen… đã được giải ngân 100% giá trị hợp đồng. Theo đồng chí Sùng Văn Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Sinh Long, việc biệt phái cán bộ trẻ từ huyện về làm Chủ tịch UBND xã đã giúp cho xã giải quyết nhiều khó khăn, nhất là trong công tác điều hành của UBND.

Đồng chí Hoàng Việt Thanh, sinh năm 1981, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện được biệt phái về làm Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh từ tháng 3-2020. Anh bảo, khó khăn và cũng là trăn trở lớn nhất của mình khi biệt phái về đây đó là làm thế nào để thay đổi tập quán sản xuất còn lạc hậu, thủ công của bà con. Vận dụng những kiến thức về nông nghiệp đã được đào tạo, anh Thanh đã vận động bà con dân tộc Tày, Mông, Dao chuyển đổi cách thức sản xuất trong chăn nuôi, trồng trọt. Thế mạnh của Khau Tinh là chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rau trái vụ. Nhưng bấy lâu nay, nhân dân thường chăn nuôi thả rông, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm chưa thực sự chủ động. Chuồng trại chăn nuôi chưa được ngăn nắp, quy củ. Anh Thanh đã vận động nhân dân tận dụng diện tích đất bỏ không để trồng cỏ voi, làm thức ăn cho gia súc; chuyển đổi từ nuôi thả rông sang nuôi nhốt, vỗ béo. Bên cạnh đó, anh còn vận động nhân dân di chuyển chuồng trại gia súc xa nhà, giữ gìn vệ sinh khu dân cư.

Chị Hoàng Thị Sơn, dân tộc Mông, thôn Khâu Tinh cho biết: “Mình đi làm công nhân ở Hưng Yên 3 năm rồi. Một năm trước, mình quyết định về nhà làm kinh tế. Trước đây nhà mình chỉ vào rừng lấy cỏ về cho trâu, bò nhưng nhờ cán bộ xã, trực tiếp là đồng chí Bí thư Đảng ủy xã hướng dẫn, vận động nay mình đã trồng cỏ voi, nuôi trâu, bò nhốt chuồng để vỗ béo. Mình còn tận dụng phân chuồng để thâm canh, bón cho cây trồng. Giờ chăn nuôi tốt, có thu nhập khá, mình không nghĩ đến việc đi làm công nhân ở xa nữa đâu”.

Từ khi được biệt phái về làm Bí thư Đảng ủy xã, anh Thanh còn cùng tập thể Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân mở rộng diện tích trồng rau trái vụ từ 5 ha lên 10 ha; nâng cao tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm trong nhân dân từ 50% lên 90%. Tỷ lệ hộ chăn nuôi gia súc theo phương pháp nuôi nhốt, vỗ béo toàn xã đến nay đạt trên 30%. Đồng chí Hoàng Việt Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh chia sẻ, từ khi được biệt phái về làm Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh, anh học hỏi được nhiều điều bổ ích từ nhân dân. Đó là việc thay đổi phương thức sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không dễ. Muốn làm được, người cán bộ phải nói đi đôi với làm, thực sự gần gũi, kiên trì tuyên truyền nhân dân.

Từ năm 2018 đến nay, huyện Na Hang đã luân chuyển, biệt phái 10 cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có triển vọng về làm bí thư đảng ủy, chủ tịch các xã. Theo đồng chí Nguyễn Thế Đồi, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Na Hang, việc lựa chọn cán bộ trẻ về làm lãnh đạo xã được Ban Tổ chức tham mưu với Thường trực Huyện ủy lựa chọn kỹ. Các đồng chí được lựa chọn có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí và nơi được biệt phái, luân chuyển. Vì vậy, cán bộ được đưa về xã đã phát huy được năng lực, sở trường của mình, giúp ích rất nhiều cho cơ sở. Chính các đồng chí được biệt phái cũng trưởng thành hơn nhiều. Việc đưa cán bộ trẻ về xã làm lãnh đạo cũng tạo ra không khí làm việc mới ở cấp ủy, chính quyền nơi đó.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/loi-ich-kep-tu-dua-can-bo-tre-ve-xa-o-na-hang-138404.html