Lợi ích từ trồng rừng
Những năm qua, phong trào trồng rừng sản xuất phát triển ở khắp các địa phương trong tỉnh. Những cánh rừng trồng ngày càng nhân rộng đồng nghĩa với 'cái đói, cái nghèo' ở các thôn, bản được đẩy lùi và thiên tai, mưa lũ được hạn chế và môi trường được cải thiện.
Trồng hơn chục ha quế cách đây gần 10 năm, giờ đây, gia đình ông Lò Văn Huỳnh, ở thôn Nậm Pạu, xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) chỉ cần tỉa cành, chặt những cây nhỏ để bán cũng thu được từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Huỳnh tâm sự: Trồng cây sắn, cây ngô thì nhanh được thu hoạch nhưng vất vả mà lợi nhuận chẳng là bao. Trồng cây lâm nghiệp, tuy cần vài năm để có thể thu hoạch nhưng giá trị kinh tế mang lại lớn hơn nhiều. Trong thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục tận dụng những diện tích đất còn lại để trồng rừng, trong đó tập trung vào cây quế để có nguồn thu nhập cao, ổn định.
Vĩnh Yên là một trong những xã có phong trào trồng rừng sản xuất phát triển mạnh nhất huyện Bảo Yên. Riêng năm 2018, xã đã trồng 239 ha rừng, đạt 102% kế hoạch và từ đầu năm 2019 đến nay, con số này là 63 ha, đạt 72% kế hoạch. Dự kiến hết tháng 10, người dân xã Vĩnh Yên sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch trồng rừng năm 2019. Ông Hoàng Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên cho biết, trên địa bàn xã có nhiều hộ trở thành tỷ phú nhờ trồng rừng, trong đó chủ yếu là cây quế. Rừng trồng đã giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Theo đánh giá của tỉnh, huyện Bảo Yên hiện dẫn đầu về phong trào trồng rừng. Đến Bảo Yên hôm nay, nơi đâu cũng là màu xanh bạt ngàn. Những năm gần đây, huyện Bảo Yên liên tục có những kết quả ấn tượng trong trồng rừng, liên tiếp vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Năm 2017, huyện được giao trồng mới 2.150 ha rừng và đã trồng 2.770 ha; năm 2018 được giao trồng 1.650 ha và đã trồng khoảng 2.000 ha.
Cách đây khoảng 10 năm, hàng trăm hộ ở xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà chỉ có hơn chục hộ trồng, chăm sóc cây rừng một cách nghiêm túc. Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Trước đây, phần lớn người dân trong xã trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước nên khi được giao trồng rừng, họ không mấy mặn mà. Nhiều hộ nhận cây về để chết khô hoặc trồng qua loa lấy lệ, không chịu chăm sóc, cây còi cọc. Tuy nhiên, cũng có những hộ chăm chỉ lao động, trồng và chăm sóc cây nghiêm túc nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Chảo Quẩy Vảng, ở thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan là một trong những người chăm chỉ lao động sản xuất. Cách đây vài năm, nhận thấy cây quế phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, ông đã đi học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau đó đầu tư mua giống, phân bón để trồng quế. Hiện diện tích quế của gia đình ông Vảng phát triển tốt, không kém cây quế trồng ở xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà) là bao. Ông Vảng tâm sự: Trước đây tôi cũng không muốn trồng rừng, nhưng khi được tuyên truyền, vận động và nhận thấy một số hộ trong thôn trồng và thu được lợi ích kinh tế lớn nên tôi quyết định đầu tư trồng hơn 1,5 ha quế. Hiện vườn quế của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt. Năm nay, tôi dự kiến thu tỉa được khoảng 50 triệu đồng.
Phong trào trồng rừng ở xã Phìn Ngan đã lan tỏa khắp các thôn, bản, nơi nào có đất là nơi đó có rừng. Năm 2018, xã Phìn Ngan đã trồng được gần 80 ha rừng, từ đầu năm 2019 đến nay đã trồng hơn 50 ha.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh trồng mới 2.370 ha rừng, đạt 94% kế hoạch năm. Với kế hoạch trồng 2.500 ha rừng trong năm 2019, các địa phương đã vận động người dân tự trồng 1.300 ha và trồng bổ sung 1.200 ha rừng sau khai thác. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh hiện đạt 55,2%, đây là mức cao so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước (tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,65%). Toàn tỉnh hiện có hơn 353.000 ha rừng trồng, trong đó có 5.730 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế (FSC); giá trị thu nhập đạt 22 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 1.518 tỷ đồng/năm; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 20.000 lao động và hộ trồng rừng. Rừng trồng mới trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cây quế (chiếm khoảng 90%), số còn lại là các loại cây keo, bồ đề, mỡ…
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trồng rừng đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương và người dân để hoàn thành kế hoạch trồng rừng; các cấp, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng để duy trì bền vững tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của rừng trồng.
Lào Cai đã trở thành tỉnh dẫn đầu trong khu vực về độ che phủ rừng, đó là minh chứng rõ nhất cho quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh về việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Rừng chắc chắn không phụ công người, sẽ tiếp tục mang lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/loi-ich-tu-trong-rung-z3n20191018162030294.htm