Lời kêu cứu bất thành của cô gái bị sát hại trong toilet ở Seoul

Đâm đơn kiện nam đồng nghiệp tội theo dõi và quay lén, cô gái 28 tuổi bị nghi phạm rình rập và sát hại ngay trước khi tòa đưa ra phán quyết.

 Nhiều phụ nữ tới ga Sindang để tưởng nhớ cô gái 28 tuổi bị sát hại. Ảnh: AFP.

Nhiều phụ nữ tới ga Sindang để tưởng nhớ cô gái 28 tuổi bị sát hại. Ảnh: AFP.

Ngày 14/9, nữ nhân viên của tàu điện ngầm ga Sindang, Seoul (Hàn Quốc) bị đâm gục khi đang tuần tra trong nhà vệ sinh nữ. Nghi phạm bị bắt giữ là đồng nghiệp nam tên Jeon Joo-hwan (31 tuổi) - kẻ bị nạn nhân đâm đơn kiện vì quay lén và theo dõi cô, đang trong thời gian chờ phán quyết từ tòa án.

Cái chết của nữ nhân viên làm dấy lên nỗi đau buồn trên khắp Hàn Quốc. Nó kéo theo làn sóng tức giận bởi không ai đứng ra bảo vệ cô gái 28 tuổi, dù trước đó cô nhiều lần đưa ra tín hiệu đang gặp nguy hiểm và cầu cứu sự giúp đỡ.

Theo South China Morning Post, năm 2018, nạn nhân và nghi phạm trở thành đồng nghiệp khi cùng làm việc cho Seoul Metro, nơi điều hành hầu hết chuyến tàu điện ngầm đi qua thủ đô.

Cảnh sát cho biết Jeon Joo-hwan bị buộc tội theo dõi nạn nhân từ cuối năm 2019. Cô gái đã kiện anh ta vào tháng 10/2021; cùng tháng đó, anh ta bị buộc thôi việc.

Tòa án đã bác đơn xin lệnh tạm giam trước khi xét xử của cô gái, với lý do thiếu bằng chứng.

Cái chết gây phẫn nộ

Jeon bị buộc tội theo dõi nạn nhân trong suốt cuộc điều tra của cảnh sát, và cô đã nộp thêm đơn khiếu nại khác vào tháng 1.

Nhưng một ngày trước khi anh ta nghe phán quyết của tòa án về tội quay lén và ghi hình trái phép nạn nhân, cô đã bị giết.

Nghi phạm đội mũ lưỡi trai, nấp trong nhà ga hơn 1 giờ trước khi phát hiện và giết chết nạn nhân. Jeon khai với cảnh sát anh ta đã lên kế hoạch gây án từ lâu và chuẩn bị trước hung khí.

 Cô gái bị sát hại làm dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng khi phụ nữ không được bảo vệ. Ảnh: AFP.

Cô gái bị sát hại làm dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng khi phụ nữ không được bảo vệ. Ảnh: AFP.

Đây không phải là lần đầu tiên phụ nữ bị rình rập và sát hại ở Hàn Quốc. Tháng 6/2021, Kim Byung-chan (36 tuổi) bị kết án 35 năm tù vì đâm chết bạn gái cũ trong căn hộ của mình - sau khi cô báo cảnh sát vì anh ta theo dõi mình sau khi họ chia tay.

Tháng 1/2021, tòa án cấp cao đã tuyên y án chung thân đối với kẻ sát hại 3 người và kẻ đeo bám Kim Tae-hyon (26 tuổi). Kim đã giết một người phụ nữ mà anh ta quen trên mạng, cùng với mẹ và em gái của cô ấy trong căn hộ của họ.

Đây thậm chí không phải là lần đầu tiên một phụ nữ bị sát hại trong hầm tàu điện ngầm.

Nhiều người đã vẽ ra những điểm tương đồng giữa vụ án ở ga Sindang và vụ giết người ở ga Gangnam năm 2016. Kim Seong-min (34 tuổi) đâm chết một phụ nữ 23 tuổi ở khu công cộng gần Lối ra số 10. Anh ta nhận án tù 30 năm.

Người đàn ông 34 tuổi thú nhận với cảnh sát rằng hoàn toàn không quen biết nạn nhân, anh ta giết cô chỉ để trả thù phụ nữ nói chung vì cho rằng họ coi thường mình.

Sau cái chết của nữ nhân viên nhà ga, nhiều người đã đến thăm hiện trường vụ án ở ga Sindang. Họ phủ kín một bức tường bằng những dòng ghi chú, để tang cái chết của cô và bày tỏ nỗi thất vọng của họ với cảnh sát, cơ quan tư pháp và Seoul Metro - giống như bức tường tưởng niệm xuất hiện tại ga Gangnam vào năm 2016.

Không có gì thay đổi

Nhiều phụ nữ đến ga Sindang cũng nói về vụ giết người năm 2016. Một phụ nữ giấu tên nói với báo chí địa phương: "Không có gì thay đổi kể từ vụ giết người ở ga Gangnam".

 Mọi người tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền ở Seoul vào ngày 12 tháng 2. Ảnh: AP.

Mọi người tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền ở Seoul vào ngày 12 tháng 2. Ảnh: AP.

Giữa sự tức giận của công chúng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố sẽ sửa đổi luật chống rình rập có hiệu lực vào tháng 10/2021, nhằm bịt các kẽ hở.

Luật này từ lâu bị chỉ trích là không hiệu quả, đặc biệt khi những kẻ rình rập bị kết án không thể bị trừng phạt trừ khi nạn nhân đồng ý một cách rõ ràng, mở ra cánh cửa cho những lời đe dọa và nỗi sợ bị trả thù.

Phản ứng của một số nhà lập pháp cũng đã bị chỉ trích.

Sau khi bắt giữ Jeon vì tội giết người ở ga Sindang, ủy viên hội đồng thành phố Seoul Lee Sang-hoon đã gây ra tranh cãi khi cho rằng kẻ tấn công đã sử dụng bạo lực vì những nỗ lực lãng mạn của anh ta đã bị từ chối. Đồng thời, ông mô tả Jeon một cách thiện cảm là "một công dân Seoul 31 tuổi, người chắc hẳn đã làm việc chăm chỉ để vào được Seoul Metro".

Đây dường như là trường hợp mà nhà triết học Kate Manne gọi là “himpathy” - sự đồng cảm không phù hợp dành cho những nam thủ phạm có hành vi sai trái và bạo lực tình dục đối với các nạn nhân nữ của họ.

Trong khi có nhiều mối liên hệ giữa vụ giết người gần đây với tội ác ở Hàn Quốc, điều thú vị là chính quyền của Yoon đã thúc đẩy việc bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình.

Lời hứa bãi bỏ từng là một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Yoon, trong đó ông cho rằng Bộ đã "không đạt được mục đích lịch sử".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-keu-cuu-bat-thanh-cua-co-gai-bi-sat-hai-trong-toilet-o-seoul-post1358366.html