Lối kiến trúc bất chấp động đất trên dãy Himalaya
Tại một loạt thị trấn trên dãy Himalaya được biết đến với những trận động đất nghiêm trọng, người dân địa phương vẫn tôn vinh phong cách xây dựng đã có từ hàng thiên niên kỷ.
Năm 1905, một trận động đất chết người đã làm rung chuyển cảnh quan Himachal Pradesh, một tiểu bang của Ấn Độ ở phía tây dãy Himalaya. Những công trình xây dựng bằng bê tông chắc chắn bị sụp đổ hoàn toàn. Các công trình kiến trúc duy nhất còn sót lại nằm ở một số thị trấn nơi cư dân sử dụng kỹ thuật xây dựng truyền thống của Himalaya, được gọi là kath kuni.
Kiến trúc kath kuni
Các quan chức của Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ đã rất ngạc nhiên vì rất ít thiệt hại xảy ra với lâu đài và các công trình kath kuni trong bán kính của trận động đất.
Trong những công trình kiến trúc kath kuni, nổi bật hơn hết là tòa lâu đài Naggar có phong cách xây dựng độc đáo bởi thiết kế đan xen nhiều lớp gỗ tuyết tùng Himalaya và đá địa phương, không có vữa. Hiện nay, lâu đài Naggar được xây dựng thành một khách sạn và là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch.
Xét về mặt thiết kế, kath kuni có lối kiến trúc khéo léo. Ông Rahul Bhushan, kiến trúc sư và là người sáng lập NORTH - một studio thiết kế về kiến trúc có trụ sở tại Naggar - cho biết gỗ và đá tạo ra sự cân bằng trong bố cục. Đá tạo ra trọng lượng cho cấu trúc, dẫn đến trọng tâm thấp, trong khi gỗ sẽ duy trì cấu trúc nhờ vào tính linh hoạt. Studio này đang nỗ lực để bảo tồn kỹ thuật xây dựng kath kuni thông qua các dự án, xưởng, nhà ở của nghệ sĩ và người dân.
Kỹ thuật này hoàn toàn phù hợp với dãy Himalaya, một trong những khu vực có nhiều địa chấn nhất thế giới. Cửa ra vào và cửa sổ được thiết kế nhỏ và có khung gỗ nặng để giảm bớt áp lực trong trận động đất. Hơn nữa, các tòa nhà có ít khe hở hơn để truyền lực quán tính xuống mặt đất. Ngoài ra, ngói mái bằng đá phiến dày giữ toàn bộ kiến trúc ở vị trí vững chắc.
Từ "kath kuni" có nguồn gốc từ tiếng Phạn, tạm dịch là "góc gỗ". Khi nhìn vào các góc của các tòa nhà kath kuni, bạn sẽ thấy các thanh gỗ đan vào nhau. Khoảng trống giữa các lớp được che lấp bằng đá, cỏ khô và gạch vụn. Những thanh gỗ lồng vào nhau làm cho các cấu trúc kath kuni linh hoạt trong trường hợp có động đất.
Ngoài ra, cấu trúc kath kuni có các bức tường hai lớp hoạt động như chất cách nhiệt để giữ cho không gian ấm áp trong những tháng mùa đông lạnh giá. Các rãnh trên mặt đất và các tảng đá nhô cao giúp tăng cường kiến trúc thượng tầng. Chúng cũng đồng thời giữ cho nước và tuyết không thấm vào.
Kiến trúc kath kuni cũng đóng vai trò quan trọng trong lối sống nông nghiệp của người dân. Tầng trệt được dành riêng cho chăn nuôi gia súc. Nhờ vào ánh sáng mặt trời và nhiệt độ của vật nuôi ở tầng dưới, các tầng trên ấm áp hơn nên được sử dụng làm nơi ở.
Nỗ lực duy trì kiến trúc truyền thống
Tuy nhiên kiến trúc bê tông ngày càng được ưu tiên. Một số người dân địa phương thậm chí còn che giấu những ngôi nhà bằng gạch đá và bằng gỗ. Điều này khiến cho việc bảo tồn kiến trúc kath kuni trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn.
Năm 1864, Đế quốc Anh thành lập Cục Lâm nghiệp ở Ấn Độ, dẫn đến sự chuyển giao quyền sở hữu rừng đột ngột từ người dân địa phương sang nhà nước. Chính phủ Ấn Độ đã thông qua Đạo luật Quyền của Rừng vào năm 2006. Theo đó mỗi gia đình ở Himachal Pradesh chỉ được trồng một cây sau mỗi 10 năm. Từ đó, gỗ không đủ cung cấp để xây nhà.
Khi những ngôi nhà truyền thống của Himachal Pradesh trở nên đắt đỏ và không khả thi, người dân chuyển sang xây dựng nhà bằng bê tông. Gạch và xi măng đã giúp người dân địa phương xây nhà nhanh hơn và rẻ hơn.
Với sự sụt giảm về nhu cầu đối với lối kiến trúc kath kuni, số lượng những người chuyên kỹ thuật này cũng giảm. Nhiều người tin rằng các cấu trúc bê tông sẽ bền hơn so với lối kiến trúc truyền thống.
Himachal Pradesh đã trải qua nhiều trận động đất có cường độ 4.0 độ richter trở lên trong 100 năm qua. Trong những cơn địa chấn này, những ngôi nhà bê tông đã được chứng minh là có khả năng bị hư hại.
Bất chấp những khó khăn, các tổ chức địa phương đang cố gắng tìm cách thúc đẩy phương pháp xây dựng truyền thống. NORTH đã làm việc và hợp tác với các nghệ nhân địa phương để thiết kế các dự án theo phong cách kath kuni. Họ cũng đang nghiên cứu xem liệu các vật liệu như tre có thể thay thế gỗ để làm cho phong cách kath kuni trở nên bền vững hơn về lâu dài hay không.
Ngoài ra, ông Rahul Bhushan đang thử nghiệm dhajji dewari, một kỹ thuật xây dựng Himalaya cổ khác sử dụng khung gỗ và đất giúp tiết kiệm chi phí và thời gian hơn so với kath kuni.
Vì Himachal Pradesh là một bang nổi tiếng về du lịch, các khách sạn như Neeralaya và Firdaus đang tăng cường giáo dục kiến trúc địa phương bằng cách cung cấp cho khách du lịch cơ hội ở trong những ngôi nhà theo phong cách kath kuni. Du khách cũng được trải nghiệm các hoạt động truyền thống như nấu ăn, câu cá và tắm rừng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-kien-truc-bat-chap-dong-dat-tren-day-himalaya-post1372952.html