Lời Người tôi mãi khắc ghi
Bao nhiêu năm trôi qua, mọi thứ có thể bị xóa mờ, nhưng ký ức về những lần gặp Bác vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già Nguyễn Bá Sáu.
Lời Người tôi mãi khắc ghi
Bao nhiêu năm trôi qua, mọi thứ có thể bị xóa mờ, nhưng ký ức về những lần gặp Bác vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già Nguyễn Bá Sáu.
Cụ Nguyễn Bá Sáu say sưa kể lại những lần được gặp Bác..
Chúng tôi về xã Yên Thọ, huyện Như Thanh khi tiết trời đã sang thu. Dưới tán bưởi trước hiên nhà, câu chuyện về những lần gặp Bác, từng lời Bác nói, từng lời Bác răn… vẫn được hiện lên một cách rành rọt qua từng lời nói của cụ Nguyễn Bá Sáu. Nhìn phong thái nhanh nhẹn, minh mẫn ấy ít ai nghĩ rằng người lính già ấy đang ở tuổi 90.
Năm 1952, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Sáu lên đường nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông được điều tham gia cải cách ruộng đất ở tỉnh Hưng Yên. Năm 1957, ông về công tác tại quân khu Tả Ngạn, Hải Phòng.
Nhớ lại những hồi ức đẹp đẽ ấy, cụ Nguyễn Bá Sáu rưng rưng kể: “Thời gian công tác ở Hải Phòng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ. Đến bây giờ với tôi vẫn là một ngày đặc biệt, ngày 30-5-1957! Hôm ấy, đơn vị tôi được lệnh sẽ đi bảo vệ một buổi nói chuyện ở Nhà hát thành phố Hải Phòng, với nhiệm vụ làm hàng rào danh dự để ngăn cách phía trên khán đài và bà con ở dưới. Khi chúng tôi đến đã thấy bà con tập trung rất đông. Bỗng từ trong Nhà hát, một cụ già râu tóc bạc phơ, với bộ đồ ka ki trắng, đầu đội mũ cát trắng và chân đi đôi dép cao su bước ra. Bước đi nhanh nhẹn, vừa đi vừa lấy mũ chào đồng bào trong tiềng hò reo như sấm: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Tiếng hô vang như không muốn dứt. Lúc ấy, tôi thực sự ngỡ ngàng, không nói nên lời”.
Rồi Bác hỏi thăm các cụ bô lão, bộ đội, công nhân viên chức, đồng bào nước ngoài đang sống và làm việc ở Hải Phòng… Bác biểu dương khen ngợi nhân dân Hải Phòng đấu tranh kiên trì, bền bỉ… Sau đó, Bác phân tích rõ âm mưu thủ đoạn của Mỹ-Diệm trong việc phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Cuối cùng, Bác nhấn mạnh nhiệm vụ của nhân dân Hải Phòng phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, vì đây là đầu mối giao thông đường biển quan trọng để thông thương, buôn bán và quan hệ với nước ngoài, phải xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế, chính trị của Đồng bằng Bắc Bộ…
Trong lần Bác Hồ về thăm Hải Phòng này, điều mà người lính già ấn tượng mãi là câu chuyện trên đường đến Nhà hát Bác đã gặp chị công nhân vét cống rãnh đang miệt mài làm việc. Bác xuống xe rồi lại gần hỏi chuyện chị công nhân, Bác ân cần dặn dò chị chú ý giữ an toàn lao động và giữ sức khỏe. Chị công nhân lúc đó đã xúc động mà khóc vì không dám tin việc mình được gặp Bác Hồ và được Bác ân cần hỏi thăm, động viên như vậy. “Hình ảnh này sau đó được tờ tin tức Hải Phòng đăng lại và lan truyền đến người dân Hải Phòng cho đến những năm sau này. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng khó tả sau lần được tận mắt nhìn thấy Bác, tận tai nghe Bác nói chuyện hôm ấy”, cụ Sáu nói.
Cuộc gặp gỡ ấy chỉ trong chốc lát, nhưng khoảnh khắc ấy cho đến giờ ông vẫn còn nhớ như in và mỗi khi nhắc lại vẫn có một cảm giác bồi hồi, khó tả.
Năm 1959, cụ Nguyễn Bá Sáu được chuyển về Cục bảo vệ quân đội. Ở đây, ông tiếp tục được vinh dự gặp Bác Hồ. Đó là ngày cuối tháng 4-1964, đơn vị nhận thông báo có Thủ trưởng bộ xuống thăm nhưng không báo thời gian cụ thể. Trong lúc chờ đoàn công tác về, ông tranh thủ xuống bếp ăn tập thể lấy nước thì bất ngờ thấy Bác và một số cán bộ Tổng cục đang kiểm tra bếp ăn. “Khi thấy bóng ông cụ râu tóc bạc phơ, vẫn bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su như lần tôi gặp Bác ở Hải Phòng nên tôi đã phát hiện ra đúng là Bác Hồ. Tôi vui sướng vô cùng, không lời nào diễn tả được”, cụ Sáu bộc bạch.
Nhưng cụ bất ngờ hơn khi thấy Bác xắn tay áo, thò tay vào chậu nước vo gạo, thấy trong đó có nhiều cơm cháy, Bác đã phê bình nhà bếp để thừa cơm lãng phí trong khi dân đang còn đói. Một đồng chí trong đơn vị nhanh ý định đi lấy chậu nước cho Bác rửa tay nhưng Bác liền đến bể nước, tự tay vặn vòi nước, rửa tay rồi bảo: “Việc nào tự Bác làm được thì phải để Bác làm chứ!”.
Rồi Bác khen nhà bếp sạch sẽ, ngăn nắp, hợp vệ sinh. Bác cẩn thận dặn dò những việc nhỏ nhất như bếp trưởng phải chế biến món ăn cho ngon miệng, để bộ đội ăn hết khẩu phần, mới có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó. Bác đi thăm nơi ở, nơi làm việc của cán bộ rồi thăm cả vườn rau, chuồng nuôi lợn. Bác đi đến đâu dặn dò cán bộ đến đó. Sau đó, Bác quay về hội trường nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Cụ Sáu nhớ lại: “Lúc này, chỉ có một số cán bộ, lãnh đạo được vào hội trường. Một số chị em nhà bếp cứ lấp ló ngoài cửa để nhìn Bác từ xa, Bác mới gọi mọi người lại và bảo “Các cô, các chú cứ vào đây”, rồi Bác chỉ tay về phía hàng ghế đầu tiên của lãnh đạo và bảo mọi người cùng ngồi vào. Những cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhất của Bác cũng khiến tôi nhớ mãi cho đến bây giờ”.
Bác nói chuyện trong 2 tiếng, Bác phân tích kỹ về chiến tranh lạnh và phong trào của Quốc tế… Bác phân tích âm mưu của Mỹ ngụy và chủ trương của Đảng ta đối với công cuộc giải phóng miền Nam. Bác nhấn mạnh “Cuộc kháng chiến còn gay go gian khổ nhưng nhất định phải quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Các chú có làm được không”…
Nhưng điều đặc biệt khiến ai cũng cũng bất ngờ khi Bác gọi tên, thăm hỏi từng người trong đơn vị đã từng vinh dự được gặp Bác, như: bà Hồ Thị Bi, ông La Văn Cầu, bà Nguyễn Thị Chiên…
Đang kể, cụ Sáu bỗng dừng lại, mắt rưng rưng nước, rồi bảo: “Những ngày bảo vệ linh cữu của Người là những ngày mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Dù biết Bác đang ốm nặng, nhưng khi nghe tin Bác mất vẫn khiến tôi thực sự bất ngờ. Một cảm giác đau đớn, trống trải, hụt hẫng… mà không có bút mực nào diễn tả được”.
Trong lễ tang Bác được tổ chức tại Quảng Trường Ba Đình, cụ Sáu cùng đồng đội nhận nhiệm vụ bảo vệ thi hài của Bác. Cụ Sáu vẫn nhớ như in, hôm đó, trời mưa tầm tã nhưng hàng vạn người Việt Nam từ mọi miền đất nước vẫn không quản ngại đến dự lễ tang của Người, tiếng khóc thương hòa lẫn tiếng mưa rơi…
Thời gian đã trôi qua, cuộc sống có lúc thăng trầm nhưng những ký ức về Bác vẫn in đậm trong trái tim, trở thành niềm tự hào và là kim chỉ nam đối với người cựu binh già Nguyễn Bá Sáu. “Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, nhiều lần tôi đã vinh dự được gặp Bác Hồ, rồi được bảo vệ linh cữu của Người. Và đó là phần thưởng vô giá mà cuộc đời tôi đã vinh dự có được”, cụ Sáu mỉm cười hãnh diện.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/loi-nguoi-toi-mai-khac-ghi/106996.htm