Lời ru của mẹ

Những lớp người thuộc thế hệ 7X trở về trước có lẽ không ai là không được nghe những khúc hát ru 'ầu ơ'... của mẹ, của bà hoặc của chị. Cho đến bây giờ dù đã bước vào ngưỡng 'cổ lai hy' nhưng những lời ru ngọt ngào, gợi nhớ, gợi thương ấy vẫn như một thứ mật ngọt chảy mãi trong ta.

Trong tiếng ru hời của các bà, các mẹ ở vùng xuôi, đứa con thường được mẹ gọi bằng những cái tên hết sức âu yếm, thiết tha. Có bà mẹ “nựng” con với cái tên ngộ nghĩnh “cái ngủ” ... à ơi... cái ngủ mày ngủ cho ngoan; có bà mẹ gọi con bằng cái tên mộc mạc, dân dã, quê mùa “cái bống”... “cái bống là cái bống bang...”. Còn ở miền núi các bà, các mẹ người Tày, Nùng lại ru con theo điều kiện, hoàn cảnh canh tác của mình: “Ứ... ứ noọng nòn... noọng nòn đắc, nòn đí... nòn thả mí pây tồng au pja, pây nà au luổm”.

Niềm vui của mẹ. Ảnh Thế Vĩnh

Niềm vui của mẹ. Ảnh Thế Vĩnh

Còn gì xúc động hơn khi nói về người mẹ thân yêu của mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Một nhạc sĩ để lại cho đời những ca khúc dạt dào tình yêu quê hương, đất nước viết rằng: “Mẹ đã nuôi con bằng cả tiếng hát ru. Ngàn lần con cảm ơn tiếng ầu ơ của mẹ. Qua những lời ca dao ngọt ngào, êm ả từ thuở còn bồng ngửa trên tay, bà đã trao cho tôi một tâm hồn nhạy cảm, rèn luyện tôi nên người lương thiện, biết hiến cho đời những bài hát yêu thương!”. Phải chăng những lời tâm sự ruột gan ấy của nhạc sĩ nói hộ chúng ta những tâm tình người mẹ, về những khúc hát ru ngọt ngào, sâu lắng của ông cha, để rồi lời ru ấy cứ theo ta suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường cũng như trưởng thành qua những cuộc hành quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Người càng đi xa, càng thành đạt càng đau đáu nhớ về hồn quê, hồn làng, da diết lời ru của mẹ, của bà... Vì những lời ru ấy chính là vòng đời xuôi ngược, tảo tần của người mẹ. Từ đó truyền cho con những hình ảnh đầu tiên về quê hương, xứ sở.

Với người miền núi làm sao quên được hình ảnh người mẹ vừa vãi gieo hạt giống ngoài rẫy, trên nương, vừa gieo vào lòng con ý nghĩa của cuộc sống, của con người bằng tiếng “ứ noọng nòn” trầm ấm, lắng sâu: “Ứ... ứ... ứ noọng nòn... cần ké slăng chứ lai/Slíp co đăm lả/Bấu tâng hả co đăm thua” (Người xưa dặn lại câu này/Mười khóm cấy muộn/Không tày năm cây trồng sớm) hoặc “Cúa tin mừng nặm bó/Cúa pỏ mẻ nặm noòng (Của cải của mình làm ra như nước nguồn/Của cha mẹ cho như suối tuôn mùa lũ)...

Lời ru lắng hồn, da diết như thế, đậm chất nhân văn như thế nhưng từ vài chục năm nay, trước sự bùng nổ thông tin và lấn át của không gian mạng, cuộc sống của những người mẹ trẻ bây giờ đang ngày càng vơi cạn những lời ru bên cánh võng, thậm chí cả những chiếc nôi tre của vùng núi cũng không còn nữa, thật đáng buồn! Dù nay đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng làm sao tôi quên được những trưa hè nồm nam con gió thổi mẹ tôi vừa khâu áo vừa đưa nôi “ứ noọng nòn” để tôi tròn giấc lúc nào không hay. Đặc biệt khi lớn lên, khoác lên mình bộ quân phục màu xanh làm anh “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng đồng đội sải những bước rộng dài từ Bắc vào Nam, được “3 cùng” với bà con, cô bác ở những làng quê vùng xuôi, được nghe những tiếng ru hời của các mẹ, các chị “Ầu ơ... chim khôn chưa bắt đã bay/Người khôn chưa nói dang tay đỡ lời” hoặc “Trời còn khi nắng, khi mưa/Người ta cũng có sớm trưa thất thường” thì tôi càng yêu, càng quý những lời ru của các thế hệ ông bà, cha, mẹ đất nước mình và càng yêu Tổ quốc, càng hăng hái bước quân hành vào Nam để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, để những khúc hát ru mãi mãi ngân dài, mãi mãi vang vọng trong lòng người dân Việt Nam.

Cứ mỗi lần về quê ta lại lai láng thả hồn về quê hương xứ sở, về những khúc hát ru ầu ơ da diết của mẹ, của bà, ta như được sưởi ấm tình quê và bỗng nghe đâu đây như tiếng “ứ noọng nòn” còn đọng cả trên vời vợi núi cao trong mênh mông của cỏ cây, hoa lá, trong nhấp nhô của đá núi vùng cao biên ải. Từ đấy rót vào đại ngàn lời bảo ban, tiếng dạy dỗ về tình người, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”! phải chăng đó chính là dấu ấn văn hóa xưa còn chảy mãi trong ta.

Vĩnh Bằng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/loi-ru-cua-me-3172907.html