Lợi thế độc quyền thúc đẩy lợi nhuận của Taseco Air

Thu lợi lớn trong lĩnh vực dịch vụ phi hàng không nhờ lợi thế độc quyền, Tập đoàn Taseco, công ty mẹ của Taseco Air đang mở rộng đầu tư ra các lĩnh vực bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 300 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng, tăng 29%. Lũy kế 9 tháng năm 2019, công ty ghi nhận 844 tỷ đồng doanh thu và 154 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Là một trong những công ty lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực phi hàng không tại 5 sân bay quốc tế lớn của Việt Nam, Taseco Air chuyên cung cấp các dịch vụ cho hành khách hàng không. Tiền thân là Công ty Cổ phần Taseco Nội Bài, doanh nghiệp này đã có hơn 13 năm kinh nghiệm bán lẻ tại sân bay, với cửa hàng đầu tiên khai trương tại Nội Bài vào năm 2005

Taseco Air với mảng kinh doanh lõi là bán lẻ tại sân bay, hiện sở hữu các chuỗi cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, quán ăn nhanh và cafe dưới thương hiệu “Lucky” tại 5 sân bay quốc tế lớn nhất tại Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, Taseco Air đã tiến hành nhiều động thái mở rộng quy mô hoạt động. Cuối quý 1, sau khi công ty TNHH hàng miễn thuế Jalux – Taseco trở thành công ty con, doanh thu và lợi nhuận của công ty này đã bắt đầu ghi nhận vào kết quả hoạt động của Taseco Air.

Ngoài ra, trong năm 2019, công ty còn ghi nhận thêm doanh thu đến từ các quầy mở mới tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Tân Sơn Nhất và Phú Quốc. Đồng thời, các điểm kinh doanh tại cảng hàng không Nội Bài đều có sự tăng trưởng mạnh, điển hình là các điểm kinh doanh Fast Food đã mang lại doanh số bán hàng tốt hơn cùng kỳ năm trước.

Theo các công ty phân tích, một quầy hàng của Taseco có chi phí đầu tư chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, nhưng mang lại doanh thu trung bình 5,9 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp 60%. Các sản phẩm hầu hết được thanh toán bằng tiền mặt với tốc độ quay vòng hàng hóa khá nhanh, dẫn đến các khoản phải thu, hàng tồn kho thấp và nhu cầu vốn lưu động không quá cao.

Bên cạnh đó, lợi thế độc quyền trong việc thuê mặt bằng tại sân bay giúp hoạt động kinh doanh của Taseco Air gặt hái nhiều lợi nhuận. Chi phí thuê mặt bằng ổn định vì hầu hết các hợp đồng Taseco Air có kỳ hạn 3 năm với mức giá cố định, trong khi thu nhập duy trì đà tăng trưởng nhờ vào số lượng hành khách lưu thông tăng.

Ban lãnh đạo của công ty cũng từng thừa nhận, nhờ vào đặc thù ngành, hiếm có đối thủ nào có thể nhảy vào cạnh tranh hợp đồng thuê mặt bằng của Taseco Air. Các phụ lục hợp đồng cũng cho phép Taseco Air gia hạn thời gian thuê với đối tác cảng hàng không ngay sau khi kỳ hạn cũ kết thúc.

Chẳng hạn, tại nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng, Tập đoàn TASECO, công ty mẹ của Taseco Air đang là một trong những nhà đầu tư. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho Taseco Air trong việc thương lượng những điều khoản thuận lợi về vị trí thuê và giá thuê sân bay Đà Nẵng.

Khi việc bán đồ lưu niệm tại sân bay đạt tới điểm bão hòa, Taseco Air tiến hành đầu tư thêm vào các hoạt động kinh doanh khác trong chuỗi giá trị của ngành hàng không như suất ăn trên máy bay và quản lý khách sạn.

Trong quý 3, công ty liên kết của Taseco Air là CTCP Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam bắt đầu ghi nhận lợi nhuận. Cùng kỳ năm ngoái, Taseco Air vẫn phải ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên kết này.

Trong lĩnh vực khách sạn, Taseco Air đang vận hành khách sạn 4 sao A la Carte Đà Nẵng với 202 phòng nằm tại trung tâm bãi biển Mỹ Khê. Đầu năm nay, Taseco Land – công ty con khác của Tập đoàn Taseco đã mua lại khu đất 5.125m2 thuộc Bán đảo 2 của Khu đô thị Halong Marina ở thành phố Hạ Long để phát triển khách sạn À La Carte Hạ Long, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 2.500 tỷ đồng.

Ban đầu, Taseco Air dự tính góp vốn vào dự án tại Hạ Long. Tuy nhiên, sau đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 4, Taseco Air quyết định rút lui. Taseco Land dự kiến tự quản lý và kinh doanh theo hình thức hợp tác với chủ căn hộ để cho thuê lại, nhưng không cam kết lợi nhuận cố định mà sẽ chia sẻ lợi nhuận.

Lợi nhuận tốt nhờ độc quyền trong ngành hàng không được Tập đoàn Taseco dùng để đầu tư bất động sản. Năm 2017, Taseco đã tái cấu trúc lại cơ cấu và chia công ty thành 2 mảng riêng biệt là dịch vụ hàng không (Taseco Air) và bất động sản (Taseco Land).

Những năm gần đây, Taseco Land phát triển rất nhanh. Công ty đã âm thầm mua lại một số khu đất ở khu đô thị Đoàn Ngoại Giao (quận Tây Hồ - Hà Nội) và phát triển thành ba dự án căn hộ là Phú Mỹ Complex, An Bình Complex và Taseco Complex. Cả ba dự án này đã bán hết và đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, Taseco còn mua lại một số lô biệt thự của khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và khu đô thị Dệt May Nam Định (thành phố Nam Định). Trong danh mục bất động sản tiềm năng của Taseco còn có khu đô thị ở Móng Cái và Phú Quốc.

Đặc biệt, đầu tháng 5 vừa qua, Công ty CP Taseco Invest đã ký hợp đồng đặt cọc với chủ đầu tư THT để mua lô đất B3-CC2 rộng 2,36ha thuộc khu đô thị Tây Hồ Tây – Starlake ở phía Tây Hà Nội để xây dựng tòa nhà hỗn hợp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn và văn phòng cho thuê.

Trên khu đất này, Taseco Land dự kiến sẽ phát triển tòa tháp đôi cao 55 tầng, một trong những tòa tháp đôi lớn nhất do một doanh nghiệp Việt phát triển và phần nào chứng tỏ tham vọng lớn của Taseco trong lĩnh vực bất động sản.

Trần Dũng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/loi-the-doc-quyen-thuc-day-loi-nhuan-cua-taseco-air-1572292095202.htm