Lời thề trước cờ Đảng
Loạt bài 'Lời thề trước cờ Đảng' của nhóm tác giả Dương Quang Tùng - Phương Đông - Phạm Thịnh - Thạch Linh Nhâm - Anh Văn - Vũ Liễu - Thy Huệ - Đắc Huy - Hữu Dánh - Trần Quang - Huy Mạnh đăng trên Báo điện tử VTC News đã đoạt giải Tác phẩm xuất sắc về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Lời thề và sự bội ước cần lên án
Sự tha hóa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận cán bộ, đảng viên là sự bội ước với lời tuyên thệ thiêng liêng trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Những sự việc đau lòng diễn ra gần đây sau hàng loạt quyết định khởi tố bị can của cơ quan chức năng đối với một số lãnh đạo của Bộ Y tế và UBND TP. Hà Nội cho thấy cuộc chiến không khoan nhượng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Rồi đây, các vụ việc tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đưa ra ánh sáng, diệt trừ lũ “quan tham”, “sâu mọt”.
Xâu chuỗi các sự việc, nhìn sâu bên trong của những vi phạm có thể khẳng định, nguyên nhân sâu xa chính là sự tha hóa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó là sự bội ước với lời tuyên thệ thiêng liêng trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Đây là lời tuyên thệ đầu tiên của hơn 5 triệu đảng viên trong buổi lễ kết nạp vào tổ chức ưu tú, tiên tiến của giai cấp công nhân, phấn đấu suốt đời cho lý tưởng của Đảng. Lời tuyên thệ là vậy, song, việc thực hành sự tuyên thệ ấy mới là điều cần bàn. Thật trớ trêu sự bội ước để “vinh thân, phì gia” trên nỗi đau mất mát của đồng bào là vấn đề nhức nhối.
Chúng ta đã chứng kiến, sau 2 năm gồng mình chống đại dịch COVID-19, có biết bao gia đình đã ly tán, mất người thân, có biết bao cuộc chia ly để cùng nhau vào vùng chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Dương...
Đây là sự cố gắng, nỗ lực của cả dân tộc, tạo nên thành công trong phòng, chống dịch, được cả thế giới công nhận, song lại xuất hiện “con COVID-19” mang tên Việt Á với hàng loạt quan chức rơi vào vòng lao lý, bởi những cái tên cán bộ thuộc CDC tại Hải Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Nam Định….
Chắc hẳn, những cái tên ấy còn dài hơn nữa, là minh chứng thể hiện sự bội ước của một bộ phận cán bộ đảng viên mà hàng ngày họ vẫn leo lẻo: Không có gì, không cốc cà phê…
Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng… có còn là giá trị, thiêng liêng đối với cán bộ đảng viên ấy không?
Trước khi bị cơ quan chức năng truy tố, những cán bộ đảng viên đó vẫn khoác lên mình tấm áo của những lời ngụy biện, nhưng đằng sau đó là sự xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Những cán bộ CDC đó đã lợi dụng vị trí, trách nhiệm của mình được giao để vun vén cho lợi ích cá nhân mà không màng đến mục đích, lý tưởng của Đảng, xa rời tôn chỉ, nghị quyết cương lĩnh của Đảng đề ra.
Nhìn vào diễn biến “con vi-rút” mang tên Việt Á, ai cũng đều rõ, một bộ phận cán bộ đảng viên thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bắt tay móc ngoặc với nhau để kiếm tìm lợi ích cho riêng mình trong tất cả khâu, quy trình để cấp phép cho sản phẩm của Việt Á, từ đề tài khoa học, cấp số, sổ lưu hành, đến hiệp thương giá để đưa sản phẩm của Việt Á vào sử dụng, nhằm trục lợi không chỉ cho bản thân, mà còn vun vén cho gia đình, dòng họ…
Lý ra, với cương vị của mình, bộ phận đảng viên này phải làm gương, chống lại chủ nghĩa cá nhân, cục bộ quan liêu, tham nhũng thì bản thân họ đã đi ngược lại lời thề của chính mình. Vì lợi ích của mình, họ đứng trên lợi ích của cả dân tộc Việt Nam.
Và chỉ khi quyết định của Đảng, cơ quan chức năng được đưa ra, họ mới thấy cái giá phải trả cho hành động đi ngược lại lời thề danh dự của bản thân.
Sự soi chiếu giữa lời thề thứ ba với thực tiễn vụ án Việt Á, có thể nhận thấy sự vi phạm mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và xã hội của một số lãnh đạo cấp cao như ông Nguyễn Thanh Long của Bộ Y tế, ông Chu Ngọc Anh của UBND TP. Hà Nội.
Hay nhiều lãnh đạo CDC khác đã thiếu tu dưỡng rèn luyện, không có sự liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, thiếu tôn trọng lợi ích của Nhân dân. Thậm chí, vì động cơ cá nhân, họ đi ngược lại lợi ích của cả xã hội, điều mà đúng ra, các ông ấy phải có trách nhiệm đấu tranh và bảo vệ khi thực hiện chức trách nhiệm vụ của người lãnh đạo, người cán bộ đảng viên.
Vụ án Việt Á - một sự thật của thực tiễn hiện nay là công tác tổ chức, kỷ cương, kỷ luật, phê bình và tự phê bình trong Đảng của một số chi bộ, đảng bộ ở một số nơi còn thực sự lỏng lẻo. Vai trò của cơ sở Đảng, tính dân chủ tại ở những cơ sở đảng này bị tê liệt.
Bài học từ sự kiện Bộ trưởng Bộ Y tế, giám đốc một loạt CDC các tỉnh bị nêu tên trong thời gian vừa qua bị khai trừ khỏi Đảng, truy tố đã minh chứng rõ cho điều này. Với cương vị của những đảng viên ấy, đúng ra họ phải là tấm gương của sự trung thực, phục tùng kỷ luật Đảng, phụng sự giai cấp, dân tộc thì lại đi ngược những gì từng tuyên thệ. Để rồi kết cục của việc đi ngược này là sự kết thúc mà chúng ta đã biết nó ra sao, như thế nào với những đảng viên này.
Thật là đau đớn, xót xa khi mất đảng viên, mất cán bộ. Sự mất mát lớn hơn thế là mất niềm tin của quần chúng, Nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp mà Đảng ta dày công xây dựng. Song, dù có mất mát, đau thương, chúng ta cũng phải loại trừ những cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất để lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.
Với mỗi cán bộ đảng viên như chúng ta, đứng trước sự cám dỗ như của Việt Á, luôn là thách thức không hề nhỏ. Nhưng nếu có bản lĩnh, niềm tin với Đảng, của Đảng, giữ vững được lời thề đã tuyên thệ, tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ vượt qua cám dỗ.
Như vậy, qua sự kiện của cơ quan chức năng đối với việc bắt giam ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long trong thời gian vừa qua, có thể nhận thấy, bất kỳ đảng viên nào nếu không có sự tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng của cá nhân sẽ đều dẫn tới sự tha hóa của bản thân và dẫn tới những hệ lụy đau lòng, mất niềm tin của dân với Đảng. Sự kiện vừa qua đã cho thấy đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.
Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Đó là câu nói mà tôi tin rằng những người như ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bây giờ đang suy ngẫm và thấm thía hơn bao giờ hết.
Kỳ 2: Giá tôi giữ được lời thề khi kết nạp Đảng
Tôi gặp chị - người từng là đảng viên, một cựu kiểm sát viên đúng vào ngày hội của những người phụ nữ Việt Nam tại trại giam Ngọc Lý (Cục C10, Bộ Công an).
Với người đảng viên, không ai quên được những giờ phút của Lễ kết nạp Đảng. Từ cảm xúc sâu thẳm trong tim, người được kết nạp vào Đảng vung nắm tay thề đi theo con đường của Đảng, của Bác Hồ đã lựa chọn. Từ đó, người đảng viên càng ý thức rõ chặng đường tiếp tục tu dưỡng phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân.
Trên con đường đó, tuyệt đại đa số đảng viên tràn đầy tinh thần phấn đấu hy sinh, vững bước tiến lên với lòng tin son sắt vào con đường Đảng đã chỉ, góp phần đưa đất nước, dân tộc tới đài vinh quang.
Nhưng đâu đó cũng có những đảng viên nản lòng thoái chí, thậm chí - bội ước lại lời thề năm xưa.
"Giá tôi giữ được lời thề..."
Câu chuyện của hai người phụ nữ, tất nhiên, bắt đầu từ cuộc sống đời thường của người vợ, người mẹ; nhưng rồi theo mạch suy nghĩ của chị lại gợi đến lời thề trong lễ kết nạp Đảng, sự phấn đấu tu dưỡng của người đảng viên, khát vọng cháy bỏng để lại được đứng trong hàng ngũ của Đảng… sau khi được trở về hòa nhập với xã hội.
Trong câu chuyện của chị, lời cảm thán “Nếu tôi giữ được lời thề…” được nhắc đi nhắc lại vừa như nuối tiếc, vừa như sự thôi thúc để chị quyết tâm làm lại cuộc đời.
Chị T.T.T. đã bước vào tuổi 40. Vợ chồng chị đều có công ăn việc làm ổn định ở cơ quan nhà nước: T.T.T. làm việc tại viện kiểm sát, còn chồng chị công tác tại công an tỉnh. Thu nhập tuy không cao, nhưng cũng là nơi mà nhiều người mơ nhưng ít người đạt được.
3 đứa con ra đời, chị cố gắng buôn thêm hàng xách tay để gia đình thêm đồng ra đồng vào. Nhắc đến chồng, gương mặt chị T. ướt nhòe vì xúc động nhưng ánh mắt vẫn long lanh, tràn ngập sự tự tin của người phụ nữ vốn được yêu thương, chiều chuộng. “Anh ấy rất hiền, tin tưởng tuyệt đối vào vợ nên giao tôi hết quyền nắm kinh tế, quán xuyến gia đình…”, hai bàn tay chị nắm chặt vào nhau, nghẹn ngào kể lại.
Nếu như chị không kéo chồng cùng dính vào vòng lao lý thì có lẽ hôm nay người phụ nữ này đang rạng rỡ, đắm chìm hạnh phúc cùng chồng, con trong ngày lễ 20-10. Nhưng thực tế lại kéo chị lại với nỗi đau đang gánh chịu.
“Do cần tiền đầu tư bán hàng xách tay nên tôi làm hợp đồng mua bán nhà để thế chấp vay tiền. Mặc dù thực chất tôi vay tiền, trả lãi ngày nhưng trong hợp đồng ghi rõ là hợp đồng chuyển nhượng. Cùng một sổ đỏ, tôi giao dịch với 2 người nên người ta kiện tôi tội lừa đảo…”, T.T.T. cho hay.
T. cho rằng, bị đẩy đến hoàn cảnh trớ trêu này do ước mơ làm cho cuộc sống gia đình đủ đầy hơn trong chị quá lớn, có những lúc che mờ đi cả lý trí của chị, làm mất đi cả những gì cha mẹ, vợ chồng con cái chị đã gầy dựng trong suốt bao năm.
Là người công tác nhiều năm trong môi trường thực thi pháp luật nhưng nữ phạm nhân từng là kiểm sát viên lại không nghĩ ranh giới giữa vụ án hình sự và dân sự khoảng cách rất ngắn. T.T.T. bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chồng chị là người cùng ký vào hợp đồng có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền nên là đồng phạm trong vụ án. Sau đó, người chồng đang giữ chức vụ quản lý tại công an tỉnh bị đình chỉ công tác và tước quân tịch.
“Tôi bị bắt năm 2018, sau đó khoảng 7 tháng, chồng tôi bị đình chỉ công tác và bị bắt. Theo bản án, số tiền chúng tôi chiếm đoạt là 10 tỷ đồng. Tôi chịu mức án 17 năm 6 tháng, còn chồng tôi 14 năm”, T.T.T. chua xót nói.
Khi sóng gió ập đến, người chồng trải qua cú sốc mất mát quá lớn tinh thần không ổn định, trách cứ vợ. Nhưng dần dần, anh lấy lại sự bình tĩnh và bao dung. Vào những ngày lễ, hoặc dịp nào đó có cơ hội, anh xin các cán bộ chuyên môn, cán bộ quản giáo được gặp gỡ, để vợ chồng động viên nhau có nghị lực vượt qua khó khăn hiện tại.
Còn T. mỗi khi hồi tưởng về quá khứ của hai vợ chồng lại càng thêm tủi thân, đau đớn. Là người am hiểu luật pháp nhưng lại vi phạm pháp luật khiến những ngày đầu khi mới bị bắt, tâm trạng của T. luôn day dứt, dày vò. Trớ trêu hơn nữa, tại trại giam chị gặp lại phạm nhân từng là người chị đã theo dõi họ trong các vụ án, buộc tội họ trên tòa. Họ biết hoàn cảnh và thấy T. gần gũi, tình cảm nên không ngại ngần an ủi, giúp đỡ.
“Có lần đồng nghiệp cùng phòng ban với tôi đến đây công tác chuyên môn đã chủ động gặp gỡ, động viên tôi. Tôi được an ủi phần nào nhưng cũng thấy tự ti, xấu hổ lắm…”, T. cười chua chát, những giọt nước mắt cứ ầng ậng sau cặp kính cận, chỉ chực trào ra.
T.T.T. lý giải, khi gặp đồng nghiệp cũ, ký ức năm xưa lại ùa về khiến chị đau xót nhưng cũng là động lực để chị phấn đấu. Chính họ là người năm xưa đã giúp đỡ chị trong công việc, có người đã là tấm gương cho chị đến với tổ chức đảng.
Đồng nghiệp còn gặp là còn yêu thương, còn tin tưởng khiến T. càng tiếc công phấn đấu bao nhiêu năm của mình. Từ một cô sinh viên mới ra trường, T. về công tác tại viện kiểm sát nhân dân huyện. 3 năm sau, T. được chuyển lên tỉnh, làm thư ký cho viện trưởng viện kiểm sát nhân dân. Tại đây, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sinh ra trong gia đình hai bên nội ngoại đều có nhiều người đứng trong hàng ngũ của Đảng, vì vậy, trở thành đảng viên khi tròn 26 tuổi vừa là hoàn thành mục tiêu phấn đấu vừa là niềm tự hào của T.T.T. Càng vui hơn, trong cùng năm đó chồng chị cũng trở thành đảng viên.
“Khi tôi chưa bị bắt, ông nội chồng đón nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Trước đó, bố chồng tôi nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Cha mẹ cùng anh em của chúng tôi đều là đảng viên”, T.T.T. tự hào kể lại.
Nhắc đến truyền thống gia đình, T. bày tỏ sự ân hận khôn cùng. Chị khóc, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má… Tôi yên lặng tôn trọng những cảm xúc đang ùa về trong chị.
“Đến giờ phút này không còn được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thực sự tôi rất tiếc nuối. Vào đây, tôi mới càng thấm thía 4 lời thề ngày xưa tôi đọc trong lễ kết nạp Đảng chính là những điều cơ bản để giữ cho tôi thành con người tốt, thực hiện đúng pháp luật, xứng đáng là người con, người vợ, người chị, người em của những người thân trong gia đình có nhiều đảng viên và đồng nghiệp trong đơn vị”, T.T.T. chia sẻ
Sau khi nhận quyết định bị đình chỉ công tác, T. bị bắt tạm giam ngay lập tức. Bởi vậy, T. vẫn luôn day dứt vì chưa có cơ hội được gặp, nói lời xin lỗi trước Ban cán sự Đảng của viện kiểm sát nhân dân tỉnh, cũng như các lãnh đạo, đồng nghiệp đơn vị nơi mình từng công tác.
Thật không ngờ, sau những giọt nước mắt, những tiếng khóc nghẹn ngào là cả một sự quyết tâm lớn lao của T.T.T. Người đàn bà tuổi 40 nói thật rành rẽ và dứt khoát: “Tôi rất hối tiếc! Nhưng gần 5 năm trong trại, được sự động viên của gia đình, của chồng, của các cán bộ tôi thấy hối tiếc suông là vô ích. Làm lại cuộc đời dù ở tuổi nào không bao giờ là muộn cả.
Tôi đã vạch ra lộ trình cho cuộc đời mới của mình. Trước hết, ở trong này, tôi sẽ thực hiện đúng nội quy, quy định của trại, cố gắng lập thành tích để được giảm án. Tôi tiếc là mình đã không làm tròn lời thề năm xưa, nhưng cũng rất may, với quá trình phấn đấu dù là rất nhỏ nhoi đó cũng sẽ giúp tôi sớm trở về với gia đình, xã hội.
Sau này được ra trại, tôi sẽ cố gắng trở thành một công dân lương thiện. Tôi sẽ nỗ lực vượt bậc trong công tác xã hội. Tôi muốn phấn đấu để lại được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tổ chức mà tất cả những người thân thương trong gia đình tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi đã tin tưởng và phấn đấu để vinh dự được tham gia”.
Chị nói, bạn đừng nghĩ đây là những lời giả dối tôi nói với nhà báo để được khen. Theo quy định thăm nuôi, ông bà, anh chị em đều đưa các con tôi vào trại thăm tôi. Vợ chồng tôi cũng được gặp nhau mỗi khi có dịp. Mọi người đều động viên tôi cố gắng để gia đình sớm sum họp, làm lại những gì thuở thanh xuân đã ước mơ.
Những điều ấy các cán bộ trong trại đã kể sơ lược với tôi, T.T.T. có gia đình nhiều người là đảng viên, phục vụ trong lực lượng công an, quân đội. Các con T. cháu lớn nhất đang học lớp 8, cháu nhỏ nhất vừa vào lớp 1.
Gia đình và các con là động lực thúc đẩy chị vượt qua những cú sốc, quyết tâm làm lại cuộc đời. Gia đình cũng nhiều lần đặt vấn đề với trại để động viên chị rèn luyện bản lĩnh sớm được trở về với gia đình.
Trước khi chia tay, T.T.T nắm tay tôi nói: “Tôi có lỗi với gia đình, với chồng con, với cơ quan và cao nhất - với Đảng. Với tôi, Đảng là những người không bỏ rơi tôi trong lúc tuyệt vọng nhất, khó khăn nhất - đó chính là những người đảng viên trong gia đình tôi, những cán bộ quản giáo ở đây, những đồng nghiệp xưa.
Tôi vẫn quyết tâm tìm lại những gì xưa kia tôi đã phấn đấu làm được. Bố mẹ anh em tôi đã là tấm gương cho tôi để khi xưa tôi phấn đấu tìm được chỗ đứng trong xã hội, nay họ đang nuôi nấng con của chúng tôi, động viên tôi. Từ nay, tôi không thể phụ công ơn họ, phản bội lại lời thề của tôi năm xưa. Tôi mong muốn 3 con của mình sau này đều được đứng trong hàng ngũ của Đảng để noi theo và kế thừa phát huy những gì mà những người thân trong gia tộc đã làm được.
Cha mẹ chúng trong những phút giây sa ngã, không làm chủ được mình trước những cám dỗ, không giữ được phẩm chất, đạo đức của người đảng viên. Họ đang phải phấn đấu trở lại trong môi trường khắc nghiệt hơn, từ một xuất phát thấp hơn rất nhiều. Cuộc đời chúng tôi là kinh nghiệm đau xót để các con nhìn nhận cho bản thân mà phấn đấu”.
Kỳ 3: Những người lính huyền thoại và lời thề trước cờ Đảng
Họ, những chàng trai giơ nắm tay thề trước cờ Đảng từ bảy chục năm trước và nhờ giữ vững lời thề ấy, đã trở thành người lính huyền thoại
Nhà tình báo huyền thoại với dấu ấn cách đây 73 năm
Nâng niu tấm huy hiệu Đảng, ký ức 73 năm trước lại ùa về với nhà tình báo huyền thoại Tư Cang - Đại tá Nguyễn Văn Tàu, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63. Khoảnh khắc đứng trước lá cờ Đảng tuyên thệ tưởng như đang diễn ra trước mắt ông...
Tháng 9-1950, anh lính trẻ Nguyễn Văn Tàu xúc động hay tin mình được chọn vào hàng ngũ những quần chúng trung kiên, dự kiến được kết nạp Đảng. Theo lệnh trên, ông rời Bà Rịa - Vũng Tàu, xách súng lên Bến Cát (Bình Dương) học lớp cảm tình Đảng.
Lúc đó, do tình hình chiến sự nên lớp học được tổ chức rất bí mật, luôn phải chuẩn bị tư tưởng vừa học vừa sẵn sàng đánh lại sự vây ráp của địch. Nội dung học tập là về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức đảng, lý tưởng của Đảng…
Qua khóa học, các quần chúng ưu tú phải xác định rõ: Vì sao mình phấn đấu vào Đảng, mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng? Khi vào Đảng, mình sẽ làm công việc gì thiết thực để cống hiến cho Tổ quốc, cho Nhân dân, cho Đảng?
Nhà tình báo Tư Cang nhớ lại: “Năm 1945, tôi đăng ký vào Đội Thanh niên Tiền phong của xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu để bắt đầu con đường cách mạng. Tuổi 17 xông xáo, không ngại hiểm nguy, tôi được cấp trên đặc biệt để ý đào tạo. Sáng 25-8-1945, bên ta tổ chức giành chính quyền ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ hình ảnh vị chỉ huy oai phong lẫm liệt trên yên ngựa hô to: “Hôm nay chúng ta đi giành chính quyền” rồi dẫn đoàn đi trước, dân làng chạy bộ theo sau.
Trong đoàn người chạy bộ 7 cây số đó, có tôi. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được nghe bài hát Tiến quân ca: “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng đằng xa chen khúc quân hành ca…”.
Ba tháng sau (tháng 12-1950), tại Phòng Quân báo Quân khu 7, chiến khu D, người lính trẻ Nguyễn Văn Tàu được kết nạp vào Đảng ở tuổi 22.
“Lúc đó kết nạp chỉ có hai người, tôi và một cô nữa. Ban Chi ủy có 2 - 3 người, khi trao nhiệm vụ thì nói giản đơn nhưng thấm thía và ân tình lắm. Chúng tôi đều hiểu thấu gia nhập Đảng là sẵn sàng hy sinh thân mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Lời thề lúc đó cũng rất đơn giản. Tôi giơ cao tay thề trước cờ Đảng suốt đời chiến đấu, hy sinh cho Chủ nghĩa Cộng sản tới giọt máu cuối cùng, hơi thở cuối cùng. Hồi đó không nói nhiều, tình hình đâu cho phép tập hợp đông, thời gian dài mà nói nhiều”.
Dù lời tuyên thệ ngắn gọn, nhưng từ trong lòng mỗi người đều có một niềm tin khắc cốt vào thắng lợi cuối cùng do Đảng lãnh đạo, phải tự dặn mình phấn đấu nhiều hơn nữa.
Một điều được ông nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện là dù tinh thần trước đó đã rất vững, nhưng sau khi được kết nạp Đảng, tinh thần đó lại tăng gấp bội. Bởi trong suy nghĩ của ông, mình đã là đảng viên, đã thề, được nhận niềm vinh dự lớn thì không có lý do gì từ chối bất cứ một nhiệm vụ nào Đảng giao. Bởi vậy, trong suốt cuộc đời vào sinh ra tử, dù có lúc cận kề cái chết, ông vẫn mãi nhớ lời thề, cùng lời thơ của Tố Hữu để trung thành với con đường cách mạng mà mình theo đuổi: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim…”.
Giữa chiến trường, tự giao cho mình nhiệm vụ phấn đấu vào Đảng
Năm 1965, hai thập kỷ sau ngày Đại tá tình báo Tư Cang tham gia cách mạng, cậu trai Nguyễn Huy Hiệu cũng vừa tròn 17 tuổi, viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Chẳng ai ngờ thanh niên đó sau này trở thành vị tướng trẻ nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ở tuổi 40.
Ngày 20-2-1965, Nguyễn Huy Hiệu hành quân bộ từ Hải Hậu tới ga tàu tại TP. Nam Định, sau đó lên tàu đến Nghệ An. “Trước đó một năm, tôi được cử đi học lớp cảm tình Đảng sau thời gian hoạt động sôi nổi trong phong trào Đoàn. Trước ngày hành quân, mấy chục thanh niên trong xã mặc quân phục đến cửa hàng ảnh chụp chân dung. Bảo là kỷ niệm nhưng chúng tôi đều xác định đó là ảnh thờ nếu có hy sinh”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể.
Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đã ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức vị tướng, bởi đó là chặng đường chiến đấu gian khổ nhất, kéo dài gần 9 năm. Nguyễn Huy Hiệu đã cùng đồng đội trải qua năm tháng thanh xuân sung sức nhất, ngoan cường nhất tại mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa.
“Cùng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tôi còn giao cho bản thân một nhiệm vụ lớn lao khác là phấn đấu vào Đảng Lao động Việt Nam. Thời điểm đó, quá trình phấn đấu vào Đảng hết sức quyết liệt vì tôi thuộc thành phần trung nông (những đối tượng nông dân ít bị bóc lột và có tài sản riêng để tự do lao động để sinh sống - PV) nên sự phấn đấu phải gấp nhiều lần so với thành phần bần cố nông”, ông Hiệu nói.
Từ anh binh nhì, Nguyễn Huy Hiệu phấn đấu lên tổ trưởng tổ ba người, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua rồi Chiến sĩ quyết thắng và chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 1967.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, trong lễ kết nạp Đảng, quan trọng nhất là lời tuyên thệ của đảng viên mới trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Thời điểm đó, chúng tôi tự viết Lời tuyên thệ. Tôi vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm lời thề của mình: “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời phấn đấu và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân…”. Đó là lời thề danh dự của đảng viên đối với tổ chức và nguyện xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và Nhân dân”, ông Hiệu xúc động nói.
Lời thề đó, như tướng Hiệu nói, đã được ông cẩn trọng gìn giữ cho đến tận hôm nay. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng tự nhắc mình phấn đấu, rèn luyện theo lời thề được ông thể hiện trong giờ phút thiêng liêng đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám của năm 1967.
Lời thề đó đã được tướng Hiệu mang theo suốt 4 chiến dịch lớn gồm Chiến dịch Mậu Thân, Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị và Chiến dịch Hồ Chí Minh với 67 trận chiến đấu, trực tiếp đánh địch.
Việc thực hiện nghiêm cẩn lời thề đó đã khiến ông trở thành trường hợp đặc biệt trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam thời bấy giờ, từng trải qua hầu hết vị trí cấp trưởng trong quân đội rồi đảm nhận trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 12-1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Đến nay, hơn 50 năm tuổi Đảng, dù đã nghỉ hưu, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục làm việc, nghiên cứu cống hiến cho khoa học quân sự, môi trường và nhân đạo.
Vào Đảng là nhận trách nhiệm chứ không phải mưu cầu quyền lợi
“Vào Đảng là nhận trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân chứ không phải hưởng quyền lợi”. Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nhấn mạnh.
Chia sẻ về quá trình phấn đấu vào Đảng, ông Túc cho biết, những năm kháng chiến chống Pháp, ông theo học tại trường Trung học Nguyễn Bình Khiêm (tỉnh Hải Dương). Tháng 1-1953, ông là một trong 3 học sinh của trường được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.
Đến tháng 10-1954, khi Thủ đô được giải phóng, ông Túc chuyển lên học tại trường Chu Văn An (Hà Nội) và vào đại học. “Suốt quá trình học tập, tôi luôn được tổ chức đảng và các đảng viên theo dõi, giúp đỡ. Tháng 10-1957, khi tròn 20 tuổi, tôi được phân công về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dạy tiếng Nga cho sinh viên và tiếng Anh, tiếng Pháp cho cán bộ giảng dạy. Tôi là đối tượng xem xét vào Đảng”, ông Túc nói.
Vị trí thức cao tuổi vẫn nhớ là ngày đó sau quá trình nghiên cứu về Đảng, tự nguyện phấn đấu vào Đảng, ông đã viết Đơn xin vào Đảng và trong đó có lời tuyên thệ của mình.
Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Nguyễn Túc chậm rãi, dứt khoát đọc lại theo trí nhớ lời thề năm xưa của trong buổi lễ kết nạp Đảng được tổ chức tại nhà Giám đốc điều hành khu học xá Đông Dương trực thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cách đây gần 60 năm:
“Một, tuyệt đối trung thành với cương lĩnh của Đảng, với đường lối chính trị mà Đại hội ba của Đảng đã đề ra.
Hai, đã là đảng viên thì đối với Nhân dân phải làm những việc sau:
Là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Phải thực hiện đảng viên đi trước, làng nước đi sau; khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ;
Vì đất nước chúng ta đang ở trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, mỗi cán bộ và mọi đảng viên phải không ngừng học tập, phấn đấu để nâng cao trình độ về mọi mặt.
Để có thể thực hiện được nhiệm vụ đó, tôi mong muốn các cấp ủy Đảng, đặc biệt chi bộ của tôi sẽ sinh hoạt thì giúp đỡ tôi để tôi hoàn thành những cái điều mà tôi đã tuyên thệ”.
Nửa thế kỷ gắn bó với công tác mặt trận, đến nay đã 85 tuổi nhưng vẫn luôn tâm huyết với công việc, bởi ông Túc tâm niệm, còn sức khỏe, còn trí tuệ thì còn phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Gần 17 năm làm Ủy viên thư ký của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt, ông Túc cũng là người có thâm niên cao nhất trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với hơn 30 năm (từ khóa IV đến nay).
Dù đã về hưu, ông luôn nhiệt huyết, say mê với công việc, đóng góp cho Đảng, Nhà nước, mặt trận nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn, chân tình.
Kỳ 4: Tự giác tu dưỡng rèn luyện theo lời tuyên thệ
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là để nâng cao tính chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường rèn luyện và phát huy phẩm chất đạo đức của đảng viên.
Trong cuộc phỏng vấn với VTC News, PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, bên cạnh sự kiên quyết, không khoan nhượng, không có vùng cấm, còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Quyết liệt, bài bản và rộng khắp hơn
- Hai ông có thể nêu những cảm nhận khái quát nhất về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn 2011-2022?
PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc: Công tác phòng, chống tham nhũng đã được đặt ra rất sớm trong lịch sử hình thành và phát triển của Đảng ta. Phòng, chống tham nhũng luôn gắn liền công tác xây dựng Đảng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vụ tử hình nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (năm 1950) là ví dụ điển hình trong công tác làm trong sạch Đảng.
Từ năm 2011 đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được Trung ương Đảng khóa XI chú trọng đẩy mạnh, mang lại kết quả rõ rệt hơn. Điều này thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII, rồi XIII, và đặc biệt là Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng 2012-2022.
Gần đây, Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập. Chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành nhiệm vụ rất bức thiết của toàn Đảng và hệ thống chính trị với quyết tâm cao của Đảng là phải làm thường xuyên, liên tục và quyết liệt.
Đồng thời, Đảng cũng xác định việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần gắn liền củng cố kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ ai dù ở cương vị nào mà tham nhũng, tiêu cực, đều phải xử lý nghiêm. Xử lý bằng cả hình thức kỷ luật trong Đảng và xử lý theo pháp luật của Nhà nước nếu vi phạm pháp luật.
Những vụ đại án đã xử trong 10 năm qua làm tránh được những tổn thất lớn của Đảng và Nhà nước về mặt kinh tế, thu hồi đáng kể tài sản, tiền bạc mà những người tham nhũng chiếm đoạt. Quan trọng hơn, nó củng cố được niềm tin trong Đảng, Nhân dân đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, có ý nghĩa giáo dục, răn đe và hạn chế cán bộ, đảng viên sa ngã.
Như Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng đã xác định, thời gian tới phải tiếp tục làm quyết liệt, bài bản hơn và rộng khắp trong toàn Đảng, ở tất cả địa phương.
Vừa qua, chúng ta mới tập trung các vụ án lớn mà Trung ương trực tiếp chỉ đạo, tới đây sẽ làm mạnh hơn ở các cấp, nhất là ở tỉnh, thành phố, kết hợp xử lý kỷ luật trong Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Với tinh thần như vậy, chúng ta đã xử lý cả những cán bộ cao cấp. Riêng khóa XIII có tới 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý, đưa ra khỏi Trung ương và có người bị khai trừ Đảng.
Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi xin bổ sung, từ Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Trung ương đã kết luận và quyết định phải kiện toàn lại Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý hơn.
Trước đây, văn phòng của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ và Trưởng ban là Thủ tướng. Trung ương nhìn nhận, vấn đề tham nhũng chủ yếu xuất hiện ở các cơ quan hành pháp mà người đứng đầu cơ quan hành pháp lại là trưởng ban chỉ đạo thì sẽ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Vậy nên Đảng ta xác định, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải trực thuộc Bộ Chính trị, người đứng đầu ban này phải là Tổng Bí thư - người đứng đầu trong Đảng.
Trung ương tổng kết, đánh giá về sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả về tổ chức, tư tưởng, nhận thức, công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị và người đứng đầu là Tổng Bí thư với sự liêm khiết, trong sáng, quyết liệt, gương mẫu của người đứng đầu góp phần rất quan trọng tạo niềm tin, lan tỏa niềm tin, động lực cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thêm nhiều cái "lồng" để "nhốt" quyền lực
- Muốn chống chủ nghĩa cá nhân, hạn chế suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra giải pháp hết sức căn cơ là “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế. Trong thời gian qua, Trung ương Đảng đã làm như thế nào để thực hiện điều đó?
Ông Nguyễn Đức Hà: Các Đại hội Đảng khóa XI, XII và đến bây giờ là XIII, đều xác định 3 khâu đột phá chiến lược, thì khâu đầu tiên là hoàn thiện thể chế; cụ thể là hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định… Việc “đan lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải được cả hệ thống chính trị tham gia.
Nói về tham nhũng, tôi không khẳng định ai cũng tham, nhưng chắc chắn rất nhiều người tham. Nhưng "nhũng" thì không phải ai cũng làm được. Muốn "nhũng" được phải có quyền lực. Không có quyền lực, "nhũng" làm sao?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Phải bịt tất cả các khe, kẽ, lỗ hổng mà lâu nay nó cứ lách, luồn, lợi dụng”. Đảng chỉ đạo hoàn thiện thể chế tức là bịt hết tất cả ngóc ngách, lỗ hổng, khe kẽ mà người xấu dựa vào đó để lợi dụng.
Quy định, chính sách, pháp luật phải chặt chẽ, kín kẽ để không thể tham nhũng được. Tức là, anh muốn tham nhũng cũng không được vì có chính sách, quy định chặt chẽ rồi.
Đảng cũng đặt ra vấn đề phải đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống vì từ suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Các quy định, quy chế của Đảng có nêu rõ, đã là cán bộ, đảng viên thì không được phủ nhận, không được xuyên tạc, không được phản bác Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì đó là nền tảng tư tưởng của Đảng.
PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc: Anh Hà vừa nói đến chủ nghĩa cá nhân. Tôi nhấn mạnh, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tránh 3 thói hư, tật xấu là tham lam, gian xảo và lười biếng. Đây chính là biểu hiện của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Và, người có chức, quyền thường sa vào biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Bên cạnh những thuận lợi, tạo ra khí thế mới trong Đảng và Nhân dân, trong phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế thị trường… thì công cuộc đổi mới có những khó khăn, thách thức, nhiều động lực để phát triển nhưng cũng xuất hiện nguy cơ.
Những nguy cơ đó làm cho một số người bị tha hóa, dẫn tới lạm quyền, lộng quyền để thực thi những công việc mang lại lợi ích cá nhân. Sự tha hóa quyền lực cần phải được kiểm soát chặt chẽ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phải “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế.
Nhìn từ các vụ án, phần lớn cán bộ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Vậy nên, Đảng nêu rõ phải thực hiện triệt để những quy định, quy chế làm việc để hạn chế quyền lực, đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Cùng đó, những quy chế làm việc được ban hành như quy chế làm việc của Trung ương, quy chế làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy chế làm việc của cấp ủy... sẽ kiểm soát quyền lực tốt hơn.
Đảng ta cũng hết sức chú ý đến phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc. Vừa rồi, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, vẫn còn tình trạng tự phê bình và phê bình một cách hình thức, không thực tế, cho nên không phát hiện được những sai phạm của cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan cấp trên vào cuộc mới phát hiện được. Vì vậy, tự phê bình và phê bình cần làm thực chất hơn mới có thể kiểm soát được.
Trước đây, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu ra 27 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hóa. Vừa rồi, Trung ương có thêm quy định về những biểu hiện của tiêu cực trong Đảng. Bất kỳ cán bộ nào, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý mà vi phạm những quy định tiêu chuẩn đó, sẽ bị xử lý, không có ngoại lệ.
Tất cả quy định đã nêu sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong Đảng và hệ thống chính trị để điều chỉnh quyền lực cho phù hợp.
Một vấn đề nữa là kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau ở trong hệ thống chính trị. Ngay trong Đảng thì cấp trên kiểm soát cấp dưới như thế nào? Trung ương kiểm soát địa phương như thế nào? Những cán bộ thuộc diện nào quản lý thì phải được kiểm soát chặt chẽ?... Tất cả cần quy định rõ hơn để quản lý.
Hay trong bộ máy Nhà nước, kiểm soát giữa ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Quyền lực là thống nhất nhưng có sự phân chia, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan. Trong mỗi cơ quan ấy lại phải tự kiểm soát lẫn nhau, kiểm soát từ trong nội bộ các cơ quan.
Và cuối cùng, phải nói tới sự giám sát, kiểm soát của Nhân dân, đặc biệt là của các tổ chức quần chúng như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Ý chỉ đạo của Tổng Bí thư về “nhốt” quyền lực trong “lồng” cơ chế cần cụ thể hóa trên rất nhiều việc. Nếu làm được đồng bộ sẽ thành công, ngăn chặn được sự lộng quyền, lạm quyền.
Tự rèn luyện để tự giữ mình và tỏa sáng
- Tuy nhiên, việc tự giác tu dưỡng, rèn luyện theo đúng những lời đảng viên đã tuyên thệ là yếu tố tự thân để giữ mình và hơn nữa, là sự tự tỏa sáng của những thành viên trong đội ngũ tiên phong của đất nước. Việc nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên đã được Đảng ta thực hiện như thế nào?
PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc: Vấn đề nêu gương trong Đảng, đặc biệt là nêu gương của những cán bộ cao cấp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ sớm, nhất là trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947). Người cho rằng việc nêu gương của những người lãnh đạo có ý nghĩa rất to lớn trong toàn Đảng.
Thời kỳ Đổi mới, Đảng cũng hết sức chú ý đến vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Trên thực tế, chúng ta có những tấm gương rất tiêu biểu, hết lòng vì dân, vì nước như: Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt…
Sau này, các thế hệ lãnh đạo tiếp theo, nổi bật là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay và nhiều vị lãnh đạo cấp cao khác, là tấm gương sáng trong toàn Đảng, toàn dân.
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã chú trọng nêu lên vấn đề nêu gương và khẳng định cán bộ càng ở cấp cao càng phải nêu gương. Tôi cho rằng, nêu gương phải thực hiện trên nhiều khía cạnh. Đó là nêu gương về trí tuệ, phải luôn luôn bồi đắp trí tuệ, xứng đáng với người lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, bởi Đảng Cộng sản là lương tâm, danh dự, trí tuệ.
Nêu gương về đạo đức, lối sống trong sạch, đúng phẩm giá của người cộng sản, theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nêu gương về sự tận tụy trong công việc, hết lòng, hết sức vì nước, vì dân, vì công việc mình được giao phụ trách.
Nêu gương về những vấn đề sáng tạo, dám nghĩ dám làm, phê bình, tự phê bình khi có khuyết điểm, sẵn sàng nhận khuyết điểm.
Nêu gương về sự gắn bó mật thiết với Nhân dân, thật sự gần dân, hiểu dân, thương dân…
Người cán bộ như thế thì chắc chắn sẽ thành công trong sự nghiệp lãnh đạo, quản lý của mình.
Vì vậy, từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đã thấy những chuyển biến nhất định trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Chính những tấm gương tiêu biểu ấy đã thúc đẩy phong trào, đưa đất nước phát triển bền vững và đạt được thành tích như hôm nay.
Chúng ta có được những thành công về tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, đảm bảo đời sống của Nhân dân, ổn định chính trị - xã hội như vừa qua thì có thể nói là kết quả nêu gương từ đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Ông Nguyễn Đức Hà: Quy định về nêu gương nhấn mạnh cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên phải gương mẫu cho cấp dưới, cấp ủy phải gương mẫu đối với đảng viên, đảng viên phải gương mẫu với quần chúng…
Điểm mới tại Hội nghị Trung ương 6 là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định để 3 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đó chính là một khía cạnh mới của nêu gương.
Mục đích là kịp thời thay thế những cán bộ mà uy tín giảm sút, có khuyết điểm hoặc năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu bằng những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, để công tác cán bộ đi vào nề nếp, dân chủ, khách quan, bài bản và hiệu quả hơn.
Vừa khuyến khích vấn đề từ chức đối với cán bộ, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu vươn lên. Ví dụ, nếu anh từ chức khi tuổi còn trẻ, còn có nguyện vọng tiếp tục công tác thì tổ chức sẽ không bố trí làm lãnh đạo nữa; nếu đang làm lãnh đạo thì giáng một chức, cho làm cán bộ nghiên cứu chuyên môn, sau 2 năm nếu đánh giá anh đã khắc phục được khuyết điểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lại có thể đưa vào quy hoạch bổ nhiệm. Bởi vì trong thực tế có đồng chí còn rất trẻ, có đồng chí không phải trên 5 năm mà còn hơn 10 năm công tác.
Rõ ràng điều này vừa tạo điều kiện để cán bộ sửa chữa khuyết điểm, cũng tạo điều kiện cho cán bộ phấn đấu vươn lên để sử dụng khả năng của mình, để phát huy năng lực, phẩm chất, tài năng.
Phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn
- Chúng ta thấy rất rõ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua rất kiên quyết, không khoan nhượng, nhưng cũng thể hiện tính nhân văn sâu sắc…
Ông Nguyễn Đức Hà: Quan điểm của Đảng ta là xem xét, xử lý cán bộ thể hiện tính nghiêm minh nhưng phải mang tính nhân văn, có lý, tình, người mắc khuyết điểm phải tâm phục khẩu phục.
Đảng sẽ không bỏ lọt tội phạm, người có khuyết điểm nhưng cũng không được làm oan cho đồng chí của mình, rõ đến đâu kết luận đến đó, kết luận đến đâu xử lý đến đó. Không được kết oan cho người khác, đừng có quy chụp, đừng theo suy nghĩ chủ quan, phải rõ người rõ việc, phải có bằng chứng cụ thể…
Tất nhiên, trong trường hợp cụ thể cũng phải xem xét cả công, tư, xem xét cả quá trình, xem xét nhân thân, xem xét thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn… Đó là nhân văn.
Xử lý kỷ luật là kỷ luật cái khuyết điểm của cán bộ chứ không phải kỷ luật con người. Cho nên kể cả cán bộ cấp cao và cấp thấp vừa qua kỷ luật rất nhiều nhưng ai cũng phải thấy tâm phục khẩu phục, không ai kiện cáo hay thắc mắc gì… ai cũng thấy như thế là nhân văn. Thậm chí trước tòa, họ đã xin lỗi Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, xin lỗi Nhân dân.
PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều lần rằng: Việc xử lý cán bộ, đảng viên là một điều đau xót chứ không sung sướng, vui vẻ. Thế nhưng, vì kỷ luật của Đảng, vì kỷ cương phép nước, Đảng buộc phải xử lý những cán bộ sai phạm. Trong xử lý phải có lý, tình với phương châm “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”.
Quy định gần đây khuyến khích từ chức cũng là cách xử lý những cán bộ mắc khuyết điểm đã bị kỷ luật, thậm chí chưa bị kỷ luật nhưng tự thấy mình kém quá, không đảm đương được công việc. Ví dụ, phụ trách một ngành nào đó mà để xảy ra tình trạng bê bối, phụ trách địa phương mà để cho dân khổ… thì nên từ chức chứ không đợi đến khi bị kỷ luật. Đó là cách xử lý nhân văn.
Đảng cũng có quy định, khi xử lý kỷ luật thì không phải vùi dập cán bộ, đảng viên. Điều này Bác Hồ cũng nêu trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" rằng, phê bình cán bộ là phê bình việc chứ không phải phê bình người; làm sao cho việc tốt hơn chứ không phải tôi ghét bỏ gì anh. Và nếu người ta có sai lầm thì thân ái phê bình để giúp đỡ tiến bộ lên, tránh thái độ “thuồng luồng, hổ mang với đồng chí của mình”. Nhờ vậy, người ta thấy được khuyết điểm để sửa chữa, đứng lên và tiến bộ, không coi việc kỷ luật là kết thúc sự nghiệp, là hết đời.
Trở lại với vụ án Trần Dụ Châu (xét xử ngày 5-9-1950) bị tuyên án tử hình vì “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Trần Dụ Châu có đơn xin được giảm án. Bác Hồ trăn trở suốt đêm. Tuy nhiên, để giữ nghiêm kỷ luật Đảng và phép nước, Người đã bác đơn ân xá.
Sau đó, ngày 17-11-1950, Bác Hồ chủ trì cuộc họp của Chính phủ, rút ra ba bài học sau vụ án Trần Dụ Châu. Thứ nhất, là lựa chọn cán bộ thế nào cho chính xác để giao việc, từ công việc để chọn cán bộ để giao việc cho phù hợp. Thứ hai, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, nhất là nhận thức về tư tưởng, về lý tưởng cách mạng là rất quan trọng. Thứ ba là phải thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ để không vi phạm.
Trước khi hạ bút bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu, Bác nói: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây, đó là cần thiết, hơn nữa còn là việc làm nhân đạo”. Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Xử một người để cứu muôn người”. Đó chính là sự nhân văn.
Trung ương Đảng cũng vừa đưa ra chủ trương cũng rất nhân văn là những vụ án tham nhũng, nếu bị cáo trả lại tài sản sẽ là yếu tố giảm nhẹ. Đó là để những cán bộ mắc sai phạm nhìn thấy được con đường làm lại cuộc đời chứ không phải là sự chấm hết.
Xin cảm ơn hai ông!
Kỳ 5: Họ đã hy sinh vì nhân dân đúng theo lời thề đảng viên
Biết bao đảng viên đã ngã xuống bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, và gần đây nhất là 3 chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, đúng theo lời thề của đảng viên.
Lời thề ấy là hành trang, là tài sản vô giá, trở thành nguồn động lực to lớn để người cộng sản phấn đấu trở thành những con người có đạo đức, phẩm chất tốt, trọn đời cống hiến hết mình cho Tổ quốc, Nhân dân, cho lý tưởng Cộng sản cao đẹp.
Sẵn sàng hy sinh vì nhân dân
“Sự hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc là mất mát không gì có thể bù đắp được đối với đơn vị cũng như gia đình các đồng chí… Trong đó, đồng chí Đặng Anh Quân và đồng chí Đỗ Đức Việt là 2 đảng viên ưu tú của Chi bộ ta. Sự hy sinh này thể hiện rõ nét nhất việc giữ trọn lời tuyên thệ trước Tổ quốc, Đảng và Nhân dân của những đồng chí thân yêu ấy”.
Đó là lời phát biểu của Trung tá Trương Tuấn Vinh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội) - tại buổi họp Chi bộ ngày 13-8-2022, gần 2 tuần sau vụ cháy quán ka-ra-ô-kê tại đường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 3 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh.
Buổi họp mang không khí trầm lặng hơn hẳn, bặt không còn tiếng cười của các đảng viên…
Đảng số 48/50, vắng 2.
Mọi người trong phòng họp đều hiểu Bí thư chi bộ Đặng Anh Quân và đảng viên trẻ Đỗ Đức Việt sẽ chẳng bao giờ góp mặt trong những buổi họp tiếp theo của Chi bộ nữa, chỉ còn đó hình ảnh, tấm gương của các anh mà thôi.
“18 tuổi, đặt chân vào giảng đường đại học, môi trường lực lượng vũ trang, chúng ta thuộc nằm lòng 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề và 10 điều kỷ luật Công an nhân dân. Qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, chúng ta được đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ lời tuyên thệ ở lễ kết nạp Đảng.
Giữ trọn lời thề trước Đảng, trước lực lượng Công an, trước Bác Hồ luôn thường trực trong khối óc và trái tim chúng ta. Lúc này, trước tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, các đồng chí hãy phát huy hết kiến thức, kinh nghiệm, khả năng để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân”, Trung tá Vinh giao nhiệm vụ.
Anh nhắc lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu, người sáng lập ra Đảng ta: “Biết bao đảng viên cộng sản là anh hùng, chiến sĩ trên mặt trận sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong các ngành hoạt động khác. Họ không đòi danh, lợi. Họ một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Họ là những đảng viên bình thường, nhưng phẩm chất cách mạng của họ thật là cao quý. Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng ấy của giai cấp và của dân tộc”.
Qua tấm gương hy sinh vừa qua của 3 đồng đội, Trung tá Vinh nhắc nhở các đảng viên, được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào vô bờ bến nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao trước Tổ quốc, trước Đảng và Nhân dân.
“Tại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy nói riêng và trong lực lượng Công an nhân dân nói chung, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Nỗi đau, nước mắt của người ở lại sẽ không phải điểm kết của cuộc hành trình. Con đường của các anh sẽ được đồng đội và anh em chúng ta tiếp bước”, Trung tá Trương Tuấn Vinh xúc động, kết luận cuộc họp.
Trong muôn vàn sự lựa chọn, chọn sự hy sinh là cao cả và thiêng liêng nhất. Bởi hy sinh là chấp nhận khó khăn, gian khổ, thiệt thòi, thậm chí mất mát. Nhưng không có sự hy sinh nào vô nghĩa, nhất là hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng, hy sinh vì Tổ quốc, Nhân dân. Có những câu chuyện, tấm gương hy sinh sẽ mãi được lịch sử ghi lại, các thế hệ đời đời nhớ ơn.
"Tôi lúc nào cũng yêu Đảng"
Chia sẻ câu chuyện 3 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh trong vụ cháy quán ka-ra-ô-kê với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4, ông nói:
“Họ tuổi đời chưa nhiều, tuổi Đảng cũng ít nhưng đã dám hy sinh vì Nhân dân, thể hiện đúng theo lời thề của đảng viên. Trong thời chiến, chúng tôi anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh đem lại độc lập cho dân tộc, giờ đây các bạn ấy dám xả thân giành lại cuộc sống, tính mạng của Nhân dân”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1947. Lễ kết nạp diễn ra trong một gian nhà tranh, chỉ có lá cờ búa liềm to hơn khổ giấy A4, giản dị nhưng không khí thiêng liêng vô cùng.
“Tôi đã tuyên thệ: “Suốt đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng”. Lời thề đó đi suốt cuộc đời của tôi cho đến bây giờ. Đã gần 100 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, tôi nguyện khi nào còn sống, còn minh mẫn, còn nói được thì còn kiên quyết đấu tranh để bảo vệ quan điểm Đảng. Cả cuộc đời mình được Đảng rèn luyện, bồi dưỡng để đấu tranh cho sự nghiệp của Đảng, thì dù trường hợp nào cũng phải sống chết với lời thề đó”, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam xúc động nói.
Cả cuộc đời theo Đảng, chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, ông Thước đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, của Đảng. Đặc biệt, sau khi Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, Đảng ta từng có hiện tượng một bộ phận đảng viên hoang mang, dao động, thậm chí trả lại thẻ Đảng.
“Có người vì quá bức xúc trước những khó khăn mà dao động tư tưởng rồi sinh ra bất mãn. Nhưng theo tôi, bất mãn với Đảng là không đúng. Đảng là của tất cả chúng ta chứ không phải chỉ là một vài đồng chí lãnh đạo. Phê bình để Đảng mạnh lên chứ không phải để chống Đảng. Đó mới là thái độ của người cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nêu rõ.
Bàn luận về việc xử lý hàng loạt cán bộ, đảng viên sai phạm thời gian qua, vị đảng viên cao niên cho biết, xét một cách toàn diện, Đảng ta không hề thoái hóa, biến chất đến mức phải mất niềm tin như những kẻ xấu kích động, mà vẫn là một Đảng cách mạng với đường lối đúng đắn, với số đông đảng viên kiên trung, tiến bộ, vẫn là Đảng của Nhân dân.
“Đó chỉ là một nhóm nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất làm mất uy tín của Đảng như “con sâu làm rầu nồi canh”. Giữ vững lời tuyên thệ trước cờ Đảng, giữ vững niềm tin vào đường lối của Đảng, kiên quyết, chủ động đấu tranh với những biểu hiện sai trái, đó mới chính là cách tốt nhất để bảo vệ Đảng ta. Đảng có khó khăn, chúng ta phải ghé vai vào. Đó mới là cách tốt nhất để xây dựng Đảng bởi còn Đảng là còn ta”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh./.