Lộn xộn tên phố, tên đường

Mặc dù đã có quy định và hướng dẫn rất rõ ràng nhưng việc đặt tên đường, phố tại các thị trấn, thị tứ trong tỉnh còn khá lộn xộn, không mang nhiều ý nghĩa, thậm chí tùy tiện.

Nhiều nơi đặt tên đường chưa thuyết phục như "Độc Lập", "Vinh Quang" (ảnh lớn), hoặc tên khá lạ lẫm như đường "Nữ Vương Hòa Bình" (ảnh nhỏ)

Nhiều nơi đặt tên đường chưa thuyết phục như "Độc Lập", "Vinh Quang" (ảnh lớn), hoặc tên khá lạ lẫm như đường "Nữ Vương Hòa Bình" (ảnh nhỏ)

Chấp nhận "sự đã rồi"

Ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) có nhiều tên đường khá lạ lẫm như Nữ Vương Hòa Bình, Thánh Tâm, An Khang hay đường Camilo. Theo lý giải của nhiều người, đây là vùng công giáo nên nhiều đường được đặt theo tên những nhân vật của công giáo và đều có sự đồng thuận của người dân. Ví dụ, đường Camilo đặt theo tên một Thánh tử vì đạo. Tên đường này có từ lâu, xuất hiện trong cả văn bản của cơ quan hành chính huyện Bình Giang. Đại diện Phòng Văn hóa huyện cho biết những tên đường trên do chính quyền xã tự đặt từ lâu, không theo quy định, nhưng người dân không có ý kiến gì. Phòng sẽ phối hợp với địa phương rà soát để việc đặt tên đường, phố bài bản và đúng quy định. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến năm 2010 cả huyện Bình Giang mới có 10 đường, phố được đặt tên. Thực tế, toàn huyện hiện có khoảng 30đường, phố đã có tên. Phần nhiều trong số đó do cấp xã tự đặt.

Ở thị trấn Cẩm Giàng có một loạt tên đường cũng khiến không ít người đi qua thắc mắc. "Thị trấn có đường Thạch Lam do con đường đó đi vào khu cố trạch gắn với cuộc đời của 3 nhà văn là anh em ruột trong nhóm Tự lực văn đoàn. Người dân rất tự hào về con đường mang tên nhà văn này. Nhưng những tên đường như Vinh Quang, Chiến Thắng... chưa thuyết phục. Những tên này thiếu đặc trưng của mảnh đất, con người thị trấn Cẩm Giàng nên nếu mang sang thị trấn khác cũng được", một người dân ở đây cho biết. Theo Phòng Văn hóa huyện Cẩm Giàng, việc đặt tên đường ở các thị trấn, thị tứ trong huyện đều được đơn vị hướng dẫn đầy đủ, cụ thể theo quy định chung của tỉnh. Ở thị trấn Cẩm Giàng, hầu hết các đường, phố đều đã có tên và không theo các quy trình đặt tên đường, tên phố của tỉnh. Nhưng do có từ lâu nên vừa qua huyện đã đề nghị với tỉnh giữ nguyên những tên đường này.

Việc đặt tên đường, phố được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn rất cụ thể và giám sát chặt chẽ. Nhưng ở nhiều địa phương, việc này vẫn diễn ra khá tùy tiện, không xin ý kiến của người dân và cấp trên. Sự tùy tiện thể hiện ở chỗ những đường lớn, phố trung tâm nhưng được đặt tên thiếu ý nghĩa. Đường, phố nhỏ lại được gắn tên những danh nhân, sự kiện lịch sử lớn của quê hương, đất nước hoặc anh hùng có nhiều công trạng.

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tên đường ở các thị trấn Cẩm Giàng, Kẻ Sặt và Nam Sách được đặt cách đây vài chục năm nên có thể quy trình chưa theo hướng dẫn. Còn hiện nay, đặt tên đường là việc hệ trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Vì vậy, tên đường, phố ở cả các thị trấn, thị tứ đều có quy trình chặt chẽ. Tỉnh cũng đã lập ngân hàng tên đường, phố để làm căn cứ cho các địa phương khi đề nghị đặt tên.

Phải có quyết định của UBND tỉnh

Nhiều tên đường ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) do chính quyền địa phương tự đặt, không theo quy định chung. Trong ảnh: Đường Camilo đặt theo tên một Thánh tử vì đạo của công giáo

Nhiều tên đường ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) do chính quyền địa phương tự đặt, không theo quy định chung. Trong ảnh: Đường Camilo đặt theo tên một Thánh tử vì đạo của công giáo

Tên đường, phố ở các thành phố, thị trấn, thị tứ, các xã trong tỉnh phải được đặt theo Quy định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 5.6.2014 của UBND tỉnh về việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo đó, căn cứ vào vị trí, quy mô, cấp độ đường, phố, công trình công cộng để đặt tên cho phù hợp với tầm vóc của danh nhân, địa danh, sự kiện lịch sử, danh lam thắng cảnh. Ưu tiên tên các địa danh, sự kiện lịch sử của tỉnh, danh nhân có quê, hoặc cuộc đời sự nghiệp gắn bó với tỉnh Hải Dương. Mỗi tên đường ở bất kỳ nơi nào cũng phải có quyết định của UBND tỉnh.

Theo ông Vũ Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tên đường, phố, công trình công cộng chỉ được công nhận là hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt tên bằng văn bản. Tên đặt cho các đường, phố, công trình công cộng thuộc các dự án xây dựng được phê duyệt chỉ là tên tạm thời nếu chưa tuân thủ các quy định trên. "Trong trường hợp đường, phố, công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là danh nhân tiêu biểu của đất nước hoặc của tỉnh, ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng", ông Sơn nói.

Trong khi nhiều nơi việc đặt tên đường, phố còn lộn xộn, tùy tiện thì một số thị trấn lớn rất thận trọng đặt tên. Theo ông Vũ Bá Tiền, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Cẩm Giàng, thị trấn Lai Cách có rất nhiều đường, phố nhưng chưa có tên. Mặc dù nguyện vọng của người dân rất mong muốn nơi mình sinh sống có tên nhưng huyện rà soát, đánh giá rất kỹ trước khi đề nghị đặt tên. "Huyện đã đề nghị tỉnh thẩm định và cho phép đặt tên 6 tuyến đường và 16 tuyến phố ở các thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng. Thị trấn Cẩm Giàng được đề xuất giữ nguyên tên đường, phố đã có. Huyện chú trọng những danh nhân có công trạng với quê hương, đất nước và mảnh đất Cẩm Giàng như Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Danh Nho...", ông Tiền cho biết.

TIẾN HUY

Không chỉ ở các thị trấn, thị tứ, việc đặt tên đường, phố tại TP Hải Dương cũng khá lộn xộn, tùy tiện. Một số nơi tên phố do khu dân cư tự đặt như phố Chung Cư, hoặc do chủ đầu tư khu dân cư đặt như các đường: Nguyệt Quế, Thiên Lý, Thủy Tiên, Hướng Dương, Phượng Vĩ, Phong Lan, Bằng Lăng, Hải Đường.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/lon-xon-ten-pho-ten-duong-115248