Long An chú trọng phúc lợi, quan tâm nhu cầu người lao động để hút nhân lực
Ngày 14/6, Bộ Lao động – Thương binh - Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ký kết bản ghi nhớ về công tác giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19.
Đây là động thái tích cực và quyết liệt của các ngành chức năng Long An trong việc quan tâm chăm lo để thu hút nguồn lao động, Đặc biệt là lao động chất lượng cao trước tình hình nguồn lực sản xuất thiếu hụt đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp.
Là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, với hơn 13.700 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và gần 1.130 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 2 năm qua, Long An chịu nhiều tác động bởi đại dịch COVID-19, nhất là đến vấn đề nguồn nhân lực, việc làm, thu nhập của người lao động. Thực tế hiện nay, tỉnh Long An vẫn đang thiếu hụt hàng chục ngàn lao động, trong khi việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, và quan trọng hơn là chưa có giải pháp giữ chân người lao động gắn kết với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động nhiều thách thức.
Tại hội thảo bàn về biện pháp giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19 diễn ra sáng cùng ngày, nhiều ý kiến cho rằng việc quan tâm đời sống công nhân, người lao động trên địa bàn Long An vẫn còn nhiều hạn chế. Quan trọng nhất là suy nghĩ của doanh nghiệp và người lao động có thời điểm chưa có sự tương đồng, đặc biệt về vấn đề phúc lợi. Ở thời điểm này, mong muốn của người lao động đã thay đổi. Ngoài chế độ lương cơ bản thì còn nhiều vấn đề khác, như: lương bổ sung gián tiếp; thưởng hiệu quả; phụ cấp đi lại, ăn uống sinh hoạt; bảo hiểm y tế, khám sức khỏe hậu COVID... được xem là động lực thu hút nguồn lao động trở lại và gắn bó với doanh nghiệp.
Theo bà Đặng Thị Hải Hà, nhà sáng lập Công ty Respect Việt Nam & Weatwork, thì “người lao động mong đợi nhiều hơn ở doanh nghiệp. Đặc biệt là về mức lương cạnh tranh, điều kiện làm việc tốt, văn hóa doanh nghiệp hay cơ hội phát triển kỷ năng".
Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết: từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh cần khoảng trên 30.000 lao động. Dự kiến đến cuối tháng 8, Long An sẽ triển khai gói hỗ trợ để thu hút nhân lực.
“Tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách, rồi thực hiện kết nối với trung tâm dịch vụ việc làm của 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tìm nguồn lao động để giới thiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tỉnh cũng hỗ trợ về xe đưa rước người lao động ngoài tỉnh về Long An làm việc, tìm nhà trọ để giúp công nhân chỗ ở ổn định, cũng như khuyến khích chủ nhà trọ giảm giá trong thời gian đầu khi người lao động quay trở lại thị trường việc làm” - ông Nguyễn Đại Tánh nói./.